Thanh tra Chính phủ được trích tối đa 30% số tiền thu hồi qua thanh tra

Lê Hiệp
Lê Hiệp
22/09/2023 16:58 GMT+7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý Thanh tra Chính phủ và thanh tra các cấp được trích tối đa 30% số tiền thu hồi qua thanh tra, song không đồng ý nới rộng biên độ số tiền nộp vào ngân sách nhà nước được trích theo đề xuất của Thanh tra Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.

Thanh tra Chính phủ được trích tối đa 30% số tiền thu hồi qua thanh tra - Ảnh 1.

Thanh tra Chính phủ và cơ quan thanh tra các cấp sẽ được trích tối đa 30% số tiền thu hồi được qua thanh tra

TUYẾN PHAN

Theo nghị quyết vừa được ban hành, Thanh tra Chính phủ được phép trích tối đa 30% tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước với số nộp đến 50 tỉ đồng/năm.

Thanh tra Chính phủ cũng sẽ được trích thêm tối đa 20% tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 50 tỉ đồng đến 80 tỉ đồng/năm. Cùng đó, cơ quan này cũng được trích thêm tối đa 10% tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 80 tỉ đồng/năm.

Nghị quyết cũng quy định các cơ quan thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ, thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, thanh tra trong cơ quan cơ yếu Chính phủ; thanh tra các tổng cục, cục thuộc bộ và tương đương; thanh tra tỉnh, thành được trích tối đa 30% tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp đến 10 tỉ đồng/năm.

Các cơ quan này cũng được trích thêm tối đa 20% tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 10 tỉ đồng đến 20 tỉ đồng/năm; được trích thêm tối đa 10% tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 20 tỉ đồng/năm.

Thanh tra sở, thanh tra cấp huyện, thanh tra tại đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt được trích tối đa 30% tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp đến 2 tỉ đồng/năm; được trích thêm tối đa 20% tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 2 tỉ đồng đến 3 tỉ đồng/năm; được trích thêm tối đa 10% tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 3 tỉ đồng/năm.

Mức trích và biên độ số tiền nộp vào ngân sách nhà nước mà Thanh tra Chính phủ và các cấp thanh tra được trích, theo quy định tại nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là giữ nguyên theo quy định hiện hành.

Thanh tra Chính phủ được trích tối đa 30% số tiền thu hồi qua thanh tra - Ảnh 2.

Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong báo cáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi cuối tháng 8 cho ý kiến về dự thảo nghị quyết

GIA HÂN

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đề xuất thay vì quy định mức trích tối đa 30% như hiện hành thì quy định mức trích "cứng" là 30% (bỏ tối đa). Cùng đó, cơ quan này đề xuất tăng biên độ số tiền nộp vào ngân sách nhà nước mà các cơ quan thanh tra được trích.

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ đề xuất được trích 30% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp đến 100 tỉ đồng/năm; được trích thêm 20% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 100 tỉ đồng đến 200 tỉ đồng/năm; được trích thêm 10% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 200 tỉ đồng/năm.

Tương tự, Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị quy định cứng mức trích và tăng biên độ số tiền nộp vào ngân sách nhà nước mà cơ quan thanh tra các cấp được trích.

Tuy nhiên, đề xuất này không được cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đồng tình. Tại phiên họp hồi cuối tháng 8 cho ý kiến về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định lấy ý kiến bằng phiếu đối với vấn đề này trước khi ban hành nghị quyết.

Báo cáo tại phiên họp khi đó, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho hay, tổng số tiền thanh tra các cấp được trích bình quân trong 1 năm của giai đoạn 2018 - 2022 là 380 tỉ đồng.

Nếu thực hiện theo chính sách mới (tăng biên độ) thì kinh phí hàng năm trích cho các cơ quan thanh tra ước tính tăng 45 tỉ đồng (tăng khoảng 12%) so với mức được trích theo quy định hiện hành.

Với biên độ tăng này, tính bình quân đầu người của cơ quan thanh tra được hưởng theo cơ chế mới, tăng khoảng 2,467 triệu đồng/người/năm (khoảng 200.000 đồng/tháng). "Mức tăng này là không đáng kể so với tốc độ của lạm phát", ông Phong nói.

Số tiền được trích chi cho những khoản nào?

Cũng theo nghị quyết mới ban hành thì khoản tiền được trích sẽ được Thanh tra Chính phủ và các cấp thanh tra chi cho 5 nội dung, gồm:

Chi cho công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan thanh tra.

Chi tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm, sửa chữa tài sản, máy móc, trang thiết bị, phương tiện làm việc, phương tiện đi lại phục vụ công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Chi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn, hội nghị, hội thảo; chi cho các đoàn đi học tập kinh nghiệm trong nước và nước ngoài để nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan thanh tra.

Chi khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

Ngoài ra, các khoản tiền được trích cũng sẽ dùng để chi nghiệp vụ đặc thù phục vụ công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.