Thanh Thảo với 2 tập hồi ký về chiến tranh và hòa bình

28/10/2018 09:05 GMT+7

Lang thang qua chiến tranh và Cơ nhỡ trong hòa bình (ảnh) là 2 tập hồi ký của nhà thơ Thanh Thảo vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành.

Đọc những trang hồi ký còn thấm đẫm hơi thở sống động của tuổi trẻ trong chiến tranh chống Mỹ mới thấy trong ký ức văn chương của Thanh Thảo, mảng đời sống chiến trường là sự ghi khắc sâu đậm của một tâm hồn thi sĩ đích thực.
Dường như với Thanh Thảo, cuốn nhật ký chiến tranh chính là cuốn nhật ký bằng thơ. Anh chia sẻ: “Lão nhà văn Tô Hoài có lần nhận xét, thơ tôi giống như nhật ký được viết bằng thơ. Đúng như vậy. Tôi lang thang. Và thơ tôi ghi lại những khoảnh khắc trong cuộc lang thang kéo dài ấy”.
Khi vào chiến trường, Thanh Thảo đã xác định đi là để được trải nghiệm chiến tranh và làm thơ, vì thế thơ đã quyết định anh là kẻ lang thang qua những nơi không hề dành cho kẻ lang thang mà là dành cho những chiến binh thật sự. Câu chuyện mà Thanh Thảo kể cho chúng ta nghe về những chặng đường chiến tranh anh từng trải qua với giọng văn khá hài hước, thú vị và cũng rất sâu sắc. Qua những trang văn này, những gương mặt đồng đội và những gương mặt người làm văn nghệ ở chiến trường phía nam hiện lên cùng những bài thơ viết trong khói lửa trận mạc.
Trong cuốn Lang thang qua chiến tranh, cứ dăm trang viết ta lại gặp một bài thơ của Thanh Thảo với tiểu sử về sự ra đời của nó ở địa danh nào, miền đất nào trong chiến tranh và liên quan đến con người nào trong thơ.
Những chặng đường gian lao hy sinh trong bom đạn chiến tranh cứ hiện lên trong mỗi câu thơ anh viết và Thanh Thảo trở thành người ghi nhật ký trận mạc bằng thơ: “Thế hệ chúng tôi không sống bằng kỷ niệm/Không dựa dẫm những hào quang có sẵn/Lòng vô tư như gió chướng trong lành/Như sắc trời ngày nắng tự nhiên xanh”. Và: “Chúng tôi không muốn chết vì hư danh/Không thể chết vì tiền bạc/Chúng tôi xa lạ với những tin tưởng điên cuồng/Những liều thân vô ích/Đất nước đẹp mênh mang/Đất nước thấm tự nhiên đến tận cùng máu thịt/Chỉ riêng cho người, chúng tôi dám chết”.
Sang đến tập Cơ nhỡ trong hòa bình thì mạch nhật ký thơ của Thanh Thảo tạm dừng lại, nhường chỗ cho những cảm nhận, ghi chép, suy tư của ông về năm tháng khó khăn của đất nước trong thời bao cấp sau chiến tranh.
Những gương mặt bạn bè, những người cùng thời, những cảnh đời cùng những nỗi khổ nghèo của anh em văn nghệ sĩ và người dân thời điểm ấy đã đi vào những trang viết của Thanh Thảo với sự sẻ chia, giàu cảm xúc nhân văn. “Không ai muốn quay về thời nghèo khổ/Nhưng sao tôi vẫn muốn sống lại thời Hà Nội sau chiến tranh ấy/Lại đạp xe cả đêm/Lại cuốc bộ nửa ngày/Trong túi không tiền, trên đầu không mái ấm, vẫn sống ung dung/Vì có bạn bè”.
Các đoạn hồi ký ông viết về các nhà văn, nhà thơ: Văn Cao, Xuân Diệu, Định Nguyễn, Trúc Thông, Ngô Thế Oanh, Nguyễn Trung Đức, Nguyễn Khoa Điềm, Thái Bá Lợi… là những trang viết khá hay và đầy ắp kỷ niệm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.