Thành phố thông minh cần công dân thông minh

09/11/2017 08:18 GMT+7

Thành phố thông minh thì công dân cũng phải thông minh, biết cách tương thích với những tiện ích mới mà cơ quan nhà nước tạo ra để phục vụ người dân.

Đó là chia sẻ của ông Lê Hoài Trung (ảnh), Phó giám đốc Sở Nội vụ, Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính TP.HCM khi trả lời Thanh Niên.
Ông Lê Hoài Trung cho biết: So với các tỉnh, thành khác, lượng hồ sơ mà các cơ quan hành chính nhà nước của TP.HCM giải quyết mỗi năm có thể tới hàng triệu hồ sơ. Những năm qua, TP.HCM là một trong những địa phương đi đầu cả nước về cải tiến thủ tục hành chính, đặc biệt là việc tổ chức các dịch vụ công trực tuyến để người dân có thể ở nhà kê khai thông tin theo mẫu, nộp qua mạng, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại, góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, cũng do việc tuyên truyền, phổ biến chưa thật sự rộng rãi, người dân vẫn quen với cách mang hồ sơ giấy tờ đi nộp nên nhiều dịch vụ công trực tuyến chưa phát huy hiệu quả như mong muốn.
Trong đề án “Thành phố thông minh” dự kiến công bố tháng 11.2017, TP.HCM đang tính toán xây dựng kho dữ liệu dùng chung, khai thác qua mạng cho cả cơ quan nhà nước và người dân. Nếu như hồ sơ được nộp trực tuyến, thì khi số hóa dữ liệu sẽ thuận lợi hơn, chứ việc gồng gánh hồ sơ giấy tờ rất khổ sở. Mục tiêu TP.HCM hướng tới là các dịch vụ công được nộp trực tuyến, thanh toán lệ phí qua mạng, nhận kết quả qua bưu điện.
Với những dịch vụ công trực tuyến, có thể tính toán việc từ chối nhận hồ sơ giấy được không?
Nếu từ chối hẳn nhận hồ sơ giấy thì không được. Dịch vụ trực tuyến tạo ra để tăng tiện ích cho người dân. Với những trường hợp chưa biết cách tiếp cận, vận dụng thì vẫn phải tạo điều kiện để họ nộp hồ sơ giấy. Cách tốt nhất là làm sao chúng ta để người dân biết, hiểu được tiện ích đó để hưởng ứng.
Vậy cách nào để tăng lượng hồ sơ trực tuyến, giảm hồ sơ giấy?
TP.HCM có 322 xã, phường, thị trấn. Tôi cho rằng ở mỗi xã, phường, thị trấn nên trang bị máy tính kết nối mạng và bố trí người hướng dẫn cụ thể để giúp những người chưa am tường công nghệ nộp được hồ sơ trực tuyến. Đa phần người dân đến đó sẽ gần và thuận lợi hơn so với lên quận, huyện, sở ngành. Khi cung ứng dịch vụ trực tuyến, các cơ quan, đơn vị phải có phần mềm cho người dân tương tác qua mạng ngay tức thì với cán bộ thụ lý hồ sơ, để nếu có thắc mắc thì được hướng dẫn ngay; bởi suy cho cùng nếu cách giải quyết trực tuyến mà vẫn chậm, thì có cũng như không.
Cần có sự hưởng ứng từ người dân
Chiều 8.11, tại hội nghị chuyên đề góp ý về đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2025, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Trương Thị Ánh cho rằng việc cải tiến thủ tục trực tuyến, công khai thông tin tiện ích qua mạng mà TP nỗ lực thực hiện hướng đến nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Theo bà Ánh, khi thủ tục, thông tin đã được “số hóa”, thay vì phải đến cơ quan chức năng nộp hồ sơ, xin cung cấp thông tin như hiện nay, người dân, doanh nghiệp ở khắp mọi nơi có thể thông qua máy tính kết nối mạng, sử dụng điện thoại thông minh để tham gia thủ tục, tự tra cứu các thông tin liên quan mà mình cần. “Chúng tôi rất mong muốn người dân, doanh nghiệp vì lợi ích của chính mình tích cực hưởng ứng sử dụng các phầm mềm tiện ích mà TP tạo ra. Nếu không có sự hưởng ứng sử dụng của người dân, dù TP có nỗ lực đến mức nào đi chăng nữa thì tiện ích tạo ra cũng không phát huy được thế mạnh”, bà Ánh chia sẻ.
Trong khi đó, ông Phạm Đức Hải, Phó chủ tịch HĐND TP, đề nghị UBND TP phải đặc biệt chú ý đến việc lấy người dân làm trung tâm khi triển khai đề án, những tiện ích tạo ra phải thật sự gắn liền với nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, kiên trì vận động người dân, doanh nghiệp tham gia xây dựng, sử dụng dịch vụ trực tuyến. Cũng tại hội nghị, các đại biểu HĐND TP đề nghị TP tăng cường ứng dụng công nghệ trong việc giảm tải bệnh viện, giải quyết ùn tắc giao thông, phòng chống tội phạm... tạo chuyển biến thực tế mà người dân có thể cảm nhận được .
Đình Phú - Ngọc Lê
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.