Thành phố của những nỗi nhớ

12/01/2020 06:00 GMT+7

Bảy giờ tối theo múi giờ Việt Nam, tôi cùng gia đình đã có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất sau hai mươi giờ bay dài ròng rã.

Tôi vẫn nhớ tiết trời hôm tháng chín khi ấy. Mưa lất phất ẩm ương không khác gì thời khắc chuyển sang thu bên châu Âu nhưng trong tôi cảm thấy ấm áp và nao lòng.
Thời gian tôi rời quê hương thời điểm ấy cũng hơn sáu tháng, một khoảng thời gian cũng chả nhiều nhặn gì nếu so với thời gian của những người con Việt sống tại quê nhà. Nhưng nếu so sánh sáu tháng đó với một con người tha hương nơi xứ người xa lạ, sáu tháng không được trò chuyện trực tiếp bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, không một lần ăn một bữa cơm Việt đúng nghĩa thì không khác gì sáu năm trời đằng đẵng.
Lúc này mưa đã tạnh hẳn, mặt đường ẩm ướt nhưng đường sá vẫn tấp nập xe cộ và người chen chúc. Cái suy nghĩ đông đúc, ngột ngạt trong tôi về nơi đây ngày nào bỗng chỉ còn gói gọn trong hai từ nhộn nhịp. Có lẽ phải rời xa một thứ nào đó thì chúng ta mới nhìn nhận ra thứ ấy theo cách thi vị nhất.
Tôi bước xuống taxi, kéo hành lý cùng gia đình bước vào con hẻm nhỏ đi vô nhà mẹ ruột. Nếu như tôi đang ở bên trời Âu lúc này sau một cơn mưa, tôi có thể ngửi thấy mùi cỏ ướt hòa quyện cùng bùn đất, kèm theo tiếng gió rít thi thoảng. Nhưng ngay lúc này đây, khi bước chân vào con hẻm, tôi được nghe tiếng ti vi phát ra từ vài căn nhà, tiếng người nói chuyện râm ran và tiếng xe máy lúc xa lúc gần. Bỗng chốc tôi khẽ cười với suy nghĩ “sống ở cái thành phố này nào phải sợ cô đơn”.
Cùng những dòng suy nghĩ vu vơ, bàn chân vẫn cứ bước không ngừng, tôi đã tới trước cửa nhà mẹ. Đám hoa lan, hoa cúc của ba ươm trồng chào đón tôi theo cách tinh khôi nhất. Bất chợt tôi nghe tiếng rao của cô bán chè từ phía xa, tụi trẻ dăm ba đứa chạy ra khỏi nhà và vài ba cô lớn tuổi cầm hẳn chén ăn từ nhà bước gọi với theo “Chè! Chè ơi”. Hình ảnh cô bán chè dừng lại một góc đường ẩm ướt, tay thoăn thoắt múc từng chén và bịch chè như kéo vội ký ức ngày bé của tôi về. Ngày xưa mẹ của cô là người gánh chè bán ngon có tiếng của khu này. Bà đều đặn hằng đêm gánh hai gánh chè to trên vai bất kể mưa gió bán buôn mưu sinh nuôi hai con nhỏ. Tôi vẫn còn nhớ như in tiếng rao của mẹ cô ấy, ấm áp ngọt ngào mà da diết mang cả bầu trời tuổi thơ của tôi trong ấy. Xưa kia bánh kẹo không nhiều mà nhà tôi cũng không thuộc hàng khá giả, bởi lẽ đó sau bữa ăn tối thì một bịch chè ngon cũng đủ làm nên một buổi tối trọn vẹn và ấm áp. Và khi đêm khuya tĩnh lặng, tôi vẫn được nghe xa xăm đâu đấy tiếng rao hàng khuya da diết cho cuộc mưu sinh vất vả nhưng vô tình lại thành dấu ấn trong tâm hồn của tất cả người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này.
Cái buổi sáng đầu tiên ấy sau sáu tháng xa quê thật đáng nhớ, những ngày tháng nơi xứ người, buổi sáng của tôi chỉ vỏn vẹn bằng vài ba món ăn nhẹ và nhanh tại gia như ngũ cốc, yến mạch, bánh mì nguyên cám... vô cùng lành mạnh và đơn giản nhưng vô vị và trống trải theo đúng nghĩa lót dạ để nhanh nhanh lao vào guồng quay của cuộc sống. Đầu hẻm gần nhà mẹ tôi râm ran giọng nói của dăm ba ông hàng xóm “rảnh rỗi” ngồi nhâm nhi tách trà hay ly cà phê bàn chuyện thế sự. Mấy cô hàng xóm í ới cười nói xách giỏ rủ nhau đi chợ sớm khiến cả khu phố nhộn nhịp hẳn.
Tôi dắt con gái nhỏ cùng mẹ đi ăn sáng và ra chợ. Tự trong lòng mình, tôi rất muốn các con của tôi trải nghiệm hết những nét đẹp dung dị của mảnh đất này theo đúng cái cách mà tôi đã phải lòng nó từ ngày sinh ra và lớn lên. Chỉ cần nhìn thấy chợ từ xa xa thì tôi đã ngửi thấy mùi “chợ” rõ mồn một, cái mùi cá mắm tanh tươi, mùi rau củ, mùi hương liệu... tiếng người kỳ kèo trả giá tất cả hòa quyện lại thành một “hương vị đặc trưng” rất “chợ” mà kể cả khi các siêu thị ngày càng mọc lên như nấm thì vẫn không bao giờ có thể thay thế được. Cũng như một thành phố toàn khói bụi, người chen chúc, tiếng kèn xe inh ỏi, thời tiết thì chỉ vỏn vẹn khiêm tốn hai mùa mưa nắng bất chợt nhưng một khi đi xa rồi mới thấy không nơi đâu so bì được. Chả phải vì nó thần thánh gì mà chỉ vì nó là cả khoảng trời tuổi thơ đẹp đẽ mà dù có đi xa tới đâu tôi vẫn muốn quay về.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.