Thanh niên xung phong: Nghĩa tình đồng đội thời hậu chiến

Đoàn Xuân Hải
Đoàn Xuân Hải
19/03/2022 06:00 GMT+7

Cuộc chiến ấy đã lùi xa hơn 4 thập niên, kể từ ngày Lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM tham gia phục vụ chiến đấu chống quân Khmer Đỏ, bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc (1977 - 1979).

Trở về cuộc sống đời thường sau khi viết nên trang sử hào hùng ấy, tình nghĩa đồng đội của cựu thanh niên xung phong năm xưa vẫn vẹn nguyên…

Thắp hương tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh tại Đền tưởng niệm liệt sĩ TNXP ở tỉnh Tây Ninh

Đoàn Xuân Hải

“Nhà” nào cũng có

46 năm từ ngày thành lập (28.3.1976 - 28.3.2022), Lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) TP.HCM đã sản sinh ra khá nhiều “nhà” có tiếng tăm đến tận ngày nay: nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo, nhà nhạc (nhạc sĩ), nhà tranh (họa sĩ)… thuộc thế hệ TNXP đời đầu (1976 - 1977).

Tuy nhiên, đông nhất vẫn là… nhà nghèo. Bằng chứng là trước tết vừa qua, nhóm Nghĩa tình đồng đội cựu TNXP TP.HCM kết hợp Hội Cựu TNXP TP.HCM đến từng nhà thắp nén hương nghĩa tình tiễn biệt 60 đồng đội cựu TNXP qua đời vì đại dịch Covid-19. Hầu hết nhà họ đều nằm trong hẻm, có hẻm khá sâu, số nhà 3 - 4 cái “suyệc”, có nhà nằm chung khu nghĩa địa. Có nhà khi gia chủ đi công chuyện không thèm khóa cửa, vì nếu kẻ trộm có đột nhập thì cũng chẳng có tài sản gì đáng giá để rinh. Thậm chí có người còn chẳng có nhà, phải thuê phòng trọ nhỏ xíu để ở.

“Nghèo còn gặp cái eo” là tình cảnh chung của đại đa số cựu TNXP TP.HCM. Hiện nay họ đã bước vào lứa tuổi U.70, U.80 nên vấn đề phát sinh bệnh tật là điều không tránh khỏi. Do không thuộc diện nhà giàu, “nhà có điều kiện” nên họ rất cần sự sẻ chia của đồng đội và đồng đội của họ vui vẻ thực hiện điều ấy, như câu hát năm xưa: “Tình đồng chí ấm áp như mùa xuân”…

Trao quà cho cựu TNXP TP.HCM nhân phát hành tuyển tập Một thời chân đất

Chung tay vì đồng đội

Kể từ khi họ xuất ngũ, trở về với cuộc sống đời thường, cũng là lúc các ban liên lạc (BLL) cựu TNXP của những tổng đội, liên đội, đại đội, nông trường… năm xưa ra đời nhằm tổ chức họp mặt vào những dịp kỷ niệm ngày thành lập đơn vị, lễ, tết… để anh chị em ôn lại những ký ức khó phai về một thời thanh niên sôi nổi. Ngoài mục đích họp mặt ôn lại truyền thống, sự ra đời của các hội - nhóm cựu TNXP, BLL còn nhằm chung tay hỗ trợ, giúp đỡ các cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau bệnh tật, cần vốn mưu sinh, giải quyết chế độ chính sách… Hội Cựu TNXP TP.HCM và Hội Cựu TNXP quận - huyện thuộc TP.HCM là những nhân tố tích cực trong hoạt động này.

Gần đây nhất, trong năm 2021, nhóm Nghĩa tình đồng đội cựu TNXP TP.HCM cùng với anh Bùi Nguyễn Trường Kiên (cựu TNXP Liên đội Trung Thành, cựu nhà báo) thực hiện tuyển tập Một thời chân đất, tập hợp nhiều bài viết của các tác giả trong và ngoài TNXP, thuộc các thể loại: bút ký, truyện ngắn, thơ, tản văn… nhân kỷ niệm ngày thành lập Lực lượng TNXP TP.HCM. Ngoài chủ ý ôn lại kỷ niệm xưa của một lớp thanh niên Sài Gòn bỏ phố lên rừng đi xây dựng quê hương, tuyển tập đã thu về hàng trăm triệu đồng tiền lãi từ việc phát hành sách. Tất cả số tiền ấy đã được chia đều và trao tặng cho 135 đồng đội cựu TNXP TP.HCM có gia cảnh đặc biệt khó khăn (mỗi người 4,5 triệu đồng và quyển sách Một thời chân đất).

Điển hình về việc chăm lo cho đồng đội cựu TNXP TP.HCM còn phải kể đến BLL Liên đội Trung Thành. Từ nhiều năm nay, đơn vị này đã vận động đồng đội và bằng hữu đóng góp số tiền lên đến cả tỉ đồng nhằm đều đặn giúp đỡ cho các cựu TNXP cần sự hỗ trợ. Nguồn quỹ ấy được công khai minh bạch trên mạng xã hội, đến nay vẫn duy trì ở mức trên dưới 400 triệu đồng, gửi vào ngân hàng để kiếm thêm chút tiền lãi giúp đồng đội.

Hay như nhóm Tấm lòng nhân ái cựu TNXP TP.HCM kết hợp với Hội Cựu TNXP Q.11 vận động Công ty dịch vụ công ích TNXP TP.HCM cho 2 nữ đồng đội được quyền sửa sang và kinh doanh 2 nhà vệ sinh công cộng tọa lạc trên địa bàn Q.11. Kinh phí tân trang 2 nhà vệ sinh này lên đến hàng chục triệu đồng, do các thành viên trong nhóm tự nguyện chung tay đóng góp. Góp vốn “trao cái cần câu” cho đồng đội là việc làm khá phổ biến thời gian qua của cựu TNXP TP.HCM mà hầu hết đã cao tuổi.

Một khi biết được có đồng đội lâm trọng bệnh hay bị tai nạn giao thông…, các hội cựu TNXP quận, huyện, BLL tổ chức đi thăm hỏi, tặng quà động viên, an ủi đồng đội mình. Nếu có đồng đội nào đó bị liệt 2 chân, anh em sẽ vận động nhà hảo tâm tặng xe lăn. Muốn sửa lại căn nhà dột nát mà gia đình không có tiền, đã có đồng đội chung tay đóng góp.

Nếu có người nào chẳng may qua đời mà gia cảnh quá nghèo thì đó là lúc tình đồng đội được tiếp tục thể hiện một cách tích cực, mang tính nhân văn. Những đơn vị như Liên đội Kiên Cường, nhóm Nghĩa tình đồng đội và anh Lý Minh Đức (nguyên Liên đội trưởng Liên đội Kiên Cường và Liên đội 308 - Tổng đội 3 Biên giới) chủ động liên hệ với các nhà hảo tâm, thay mặt gia đình lo trọn gói đám tang cho đồng đội.

Trong số các nhà hảo tâm tự nguyện giúp lo hậu sự cho những cựu TNXP TP.HCM qua đời, có chủ một công ty mai táng ở Q.Bình Thạnh sẵn sàng giúp… 20 cái hòm và lo trọn gói đám tang, nhưng tính đến nay chỉ có 6 trường hợp tang gia cần và đã được giúp. Một nghĩa cử rất đáng trân trọng.

Khai trương nhà vệ sinh công cộng ở Q.11 do cựu TNXP làm chủ

Tôn Thất Chương

Ấm tình nơi đồng đội yên nghỉ

Theo thông lệ hằng năm, cứ đến dịp kỷ niệm ngày thành lập Lực lượng TNXP TP.HCM (28.3) và ngày Thương binh - liệt sĩ (27.7), đông đảo TNXP các thế hệ tập hợp về 2 địa điểm: Đền tưởng niệm liệt sĩ TNXP TP.HCM ở xã Long Phước, H.Bến Cầu, Tây Ninh và Nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM ở TP.Thủ Đức, để thắp nén hương tưởng nhớ những đồng đội TNXP đã hy sinh trong chiến tranh biên giới Tây Nam và giải phóng đất nước Campuchia khỏi nạn diệt chủng Pol Pot (1977 - 1979). Các anh chị ấy ra đi khi tuổi đời chỉ mới đôi mươi. Hình ảnh những mái đầu bạc cựu TNXP ngậm ngùi thắp nén hương lên mộ phần đồng đội khiến ai cũng nghẹn ngào, xúc động.

Có một câu hỏi: “Tại sao từ những thanh niên xa lạ, khoác lên mình bộ đồng phục màu cỏ úa thanh niên xuong phong, qua gần nửa thế kỷ nhưng họ vẫn nhớ đến nhau đậm đà như anh em một nhà?”. Câu trả lời có lẽ nằm ở chỗ thời điểm họ gặp nhau chung lán trại giữa rừng với cuộc sống thiếu thốn đủ bề nhưng vẫn đồng cam cộng khổ, vẫn lạc quan yêu đời. Khi tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam, họ đã đùm bọc nhau trong cơn lửa đạn, chẳng màng đến lằn ranh giữa sự sống và cái chết vốn rất mong manh. Họ đã sống, chiến đấu và lao động với trái tim nhiệt huyết và dám hy sinh. Có lẽ chính sự hồn nhiên, trong sáng, bất vụ lợi thời tuổi trẻ, đã tạo cho họ có sự gắn kết thân tình cho đến tận ngày nay…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.