Thanh niên sống ảo

12/11/2015 04:53 GMT+7

Những gương mặt với suy nghĩ, hành động, cá tính, quan điểm... thể hiện rất rõ ràng và phong phú trên mạng xã hội liệu giống được bao nhiêu phần trăm với con người thực ngoài đời, hay chỉ là “thanh niên sống ảo” - từ phổ biến của giới trẻ hiện nay.

Những gương mặt với suy nghĩ, hành động, cá tính, quan điểm... thể hiện rất rõ ràng và phong phú trên mạng xã hội liệu giống được bao nhiêu phần trăm với con người thực ngoài đời, hay chỉ là “thanh niên sống ảo” - từ phổ biến của giới trẻ hiện nay.

Đôi trai gái thất vọng về nhan sắc của nhau đã gây lộn trên phố  - Ảnh: Cắt từ clip
Đôi trai gái thất vọng về nhan sắc của nhau đã gây lộn trên phố - Ảnh: Cắt từ clip
Người thực, người ảo đối lập nhau
N.H là một chàng trai có vẻ ngoài rất hiền lành, điềm tĩnh. Hằng ngày, H. đến công ty, cặm cụi làm công việc của mình. Chỉ khi nào cần thảo luận, trao đổi công việc thì mọi người trong công ty mới thấy H. lên tiếng. Ngay cả khi nhóm làm việc có tranh luận gay gắt về một ý tưởng nào đó, H. cũng chỉ cười cười và nhẹ nhàng nói mọi người hãy bình tĩnh.
Thế nhưng, đồng nghiệp được phen bất ngờ khi một ngày H. lập Facebook (FB) và hăng hái tham gia vào các trang FB có nhiều người theo dõi để bàn luận về những vấn đề nóng của xã hội, từ chính trị kinh tế cho đến văn hóa, khoa học. Không ai nghĩ là H. lại có thể nói nhiều ở trên mạng đến thế. Điều ngạc nhiên hơn nữa là văn phong của H. vô cùng hiếu chiến, thậm chí còn văng tục và phản ứng gay gắt với những bình luận đi ngược với ý kiến của mình.
Thanh niên sống ảo
Trong khi đó, Thủy Dương là một nhân vật ở ngoài đời cực kỳ cá tính và được đồng nghiệp đánh giá rất giỏi. Cô ăn mặc rất sành điệu, là diễn giả của nhiều khóa học về truyền thông và quan hệ công chúng. Nhiều doanh nghiệp mời cô viết kế hoạch phát triển thương hiệu. Thế nhưng khi vào trang FB của Dương, người ta chỉ thấy vài ba câu chia sẻ cảm xúc bình thường, một số bức ảnh không chụp bản thân mà là ảnh chụp hàng cây, con đường, một người nào đó mà Dương bắt gặp. Nghĩa là một trang FB khá nhạt nhòa, trái ngược với chủ nhân của nó ngoài đời thực.
Không hiếm những bạn trẻ nhìn ở ngoài đời khá khô khan, thực dụng hoặc không có chút gì “sến súa”, nhưng khi lên mạng lại thường chép những vần thơ ướt át, hoặc đăng những bản nhạc buồn bã đến rơi nước mắt. Thậm chí, thỉnh thoảng còn đưa lên những trạng thái “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” hoặc “thương quá những giọt mưa rơi trên mái lá”…
Những cuộc hẹn “một đi không trở lại”
Lê Anh Thư, SV Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng kể, Thư rất thần tượng một chàng trai trên FB, bởi người này thường xuyên đăng tải những bài viết, status (trạng thái) thâm thúy, sắc sảo, thể hiện mình có tâm hồn sâu sắc. Thế nhưng khi gặp trực tiếp, cách nói chuyện lại khá nhạt. Hóa ra chàng trai này đã sao chép những bài viết đó từ các blog, trang cá nhân của người khác mà lập lờ không ghi rõ nguồn.
Tương tự, Nguyễn Uyên Như (HS Trường THPT Bùi Thị Xuân) cho biết có chàng trai tán tỉnh mình, thường xuyên nhắn tin mùi mẫn, lãng mạn trên Facebook, thế nhưng khi gặp thì “đơ như cây cơ”, chỉ nhìn nhau chứ không nói được lời nào, rồi im lặng, buồn bã quay về và không còn hứng thú để gặp lại lần sau.
Bị chàng trai trên FB vừa gặp lần đầu tiên đã buột miệng chê mình lùn, Vũ Thanh Loan (SV Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM) vô cùng sốc. Chuyện là Loan và anh chàng quen được ba tháng trên FB, những hình ảnh trên mạng chủ yếu Loan chụp nửa người. Đến khi gặp nhau, anh chàng cho rằng Loan quá lùn nên kết thúc quan hệ và không thèm liên lạc lại. “Lúc chat, anh ta luôn miệng bảo hình thức đối với anh không quan trọng, miễn là người con gái phải ngoan, có duyên và biết chia sẻ, cảm thông với người mình yêu. Vậy mà mới gặp, anh ta bảo nhìn hình tưởng mình cao lắm, có ý chê bai. Không ngờ anh ta lại cư xử như vậy”.
Nhiều cuộc hẹn hò diễn ra nhờ thế giới ảo, nhưng người trong cuộc sau đó chẳng bao giờ còn gọi nhau trên FB nữa, gặp lại thì càng không, chỉ vì “ảo” và “thực” khác xa nhau quá. Nguyễn Phương Hà, một cô gái làm trong lĩnh vực truyền thông ở TP.HCM: “Ở trên FB anh ấy thú vị bao nhiêu, nói chuyện sâu sắc, thâm thúy bao nhiêu thì ngoài đời lại nhạt nhẽo và vô vị bấy nhiêu. Không biết có phải do ngại ngùng hay không? Sau lần hẹn đầu tiên, mình không bao giờ trò chuyện lại với anh ấy được nữa vì không còn cảm hứng. Giờ thì cũng chặn FB luôn rồi”.
Gần đây, cư dân mạng xôn xao vì đoạn phim ghi lại cuộc hẹn mà người trong cuộc đánh nhau chỉ vì thất vọng về nhan sắc của nhau. Cụ thể, chàng trai và cô gái quen trên mạng hẹn gặp nhau. Họ đã không thể ngờ người trước mặt mình lại khác xa đến thế so với những bức hình trên mạng. Thế rồi họ hét vào mặt nhau, chàng trai đẩy cô gái ngã xuống đất rồi chìa bức hình trên mạng của cô gái cho những người hiếu kỳ xem. Còn cô gái thì cũng cho rằng mình bị chàng trai lừa dối.
Tại sao phải thể hiện mình trên mạng ?
“Tôi đầu tư thời gian vào hiện tại, vào thế giới thực để kiếm tiền, thư giãn, tìm niềm vui và tất cả đều mang lại giá trị gì đó thực tế cho bản thân. Tại sao tôi phải thể hiện mình tài giỏi trên mạng, ai trả tiền cho tôi, tôi được gì? Người ta ngưỡng mộ một con người ảo hay là người thật?”.
(Phương Lan, phóng viên tại TP.HCM)
Ảo nhưng rất thực
“Tôi cho rằng con người trên mạng khác với con người ngoài đời thực cũng không có gì đáng chê trách lắm. Bởi vì đơn giản, mỗi con người đều có nhiều góc khác nhau. Có người lên mạng chỉ để thư giãn, thì họ thể hiện những gì họ cảm thấy vui vẻ, như tranh luận, làm thơ, viết tản văn... Có người ở ngoài mạnh mẽ nhưng trong sâu thẳm họ vẫn có lúc yếu đuối chứ. Có người hiền lành nhưng cũng có lúc họ nóng giận, họ đành phải xả lên mạng. Quan trọng là bạn phải biết, mạng ảo mà không ảo, vẫn là chính bạn mà thôi, không ai khác. Không nên để người ta đánh giá xấu con người thực của bạn chỉ vì vài phút không kiềm chế được ở trên mạng”.
(Đinh Tuấn Anh, cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại thương)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.