Thanh niên qua đào tạo vì sao vẫn không tìm được việc làm ổn định?

25/03/2022 19:29 GMT+7

Nhiều thanh niên được đào tạo xong nhưng vẫn không tìm được việc làm ổn định. Do đó, nhiều chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm được tổ chức đến cơ sở nhưng rất ít thanh niên tham gia.

Ngày 25.3, UBND tỉnh Kon Tum đã tổ chức chương trình gặp gỡ, đối thoại với thanh niên “Lao động, khởi nghiệp, việc làm và lập nghiệp”.

Kon Tum tổ chức chương trình đối thoại với thanh niên về việc làm, khởi nghiệp

đức nhật

Chương trình đã thu hút hơn 900 đoàn viên, thanh niên thuộc các tổ chức cơ sở Đoàn trên địa bàn tỉnh Kon Tum tham gia.

Tại chương trình, thanh niên Kon Tum đã đặt ra nhiều vấn đề, thực trạng đang diễn ra trên địa bàn để đối thoại cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Nhiều ý kiến, kiến nghị đề cập đến các vấn đề như: Tạo điều kiện việc làm đối với đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên mới ra trường, đặc biệt là quân nhân sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự; việc tiếp cận nguồn vốn để khởi nghiệp, lập nghiệp cho thanh niên tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, chính sách hỗ trợ thanh niên nông thôn đã tách hộ nhưng vẫn thiếu đất canh tác...

Đặc biệt do ảnh hưởng dịch bệnh của Covid-19 nhiều lao động đi làm ăn xa phải về lại địa phương. Trước tình hình trên, thanh niên Kon Tum đã đặt câu hỏi về những chính sách của UBND tỉnh để hỗ trợ, quản lý trong công tác điều tiết lao động, giải quyết việc làm tại địa phương.

Thanh niên Kon Tum đưa ra nhiều ý kiến, kiến nghị đề cập đến các vấn đề việc làm

đức nhật

Cũng có nhiều ý kiến quan tâm đến việc thanh niên đã được đào tạo nhưng vẫn không tìm được việc làm ổn định. Do đó, nhiều chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm được tổ chức đến cơ sở nhưng rất ít thanh niên tham gia. UBND tỉnh có những giải pháp gì để nâng cao chất lượng nguồn lao động của tỉnh…

Trả lời vấn đề này, đại diện Sở LĐ-TBXH cho rằng để hỗ trợ thanh niên trong tình hình dịch bệnh cần có những giải pháp căn cơ. Theo đó, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề việc làm đối với người lao động. Cụ thể trên địa bàn có trên 4.500 lao động phải trở về địa phương.

Trước tình hình trên, Sở LĐ-TBXH đã phối hợp với các đơn vị khảo sát số lao động trên để hỗ trợ tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên số người này không có nhu cầu đăng ký tìm việc. Trước mắt, để giải quyết khó khăn của một bộ phận thanh niên không có nguồn thu nhập, Sở LĐ-TBXH đã chỉ đạo tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, giới thiệu việc làm cho người lao động. Đồng thời thu thập thông tin thị trường, cung cấp thông tin việc làm trống cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu, kết nối cung ứng lao động với nhà tuyển dụng...

UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản nhằm hỗ trợ thanh niên sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tìm kiếm được việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng. Ngoài ra, địa phương cũng đã triển khai các chính sách, khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Hình thành mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trung tâm dịch vụ việc làm nhằm hỗ trợ người học có việc làm sau tốt nghiệp.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, ghi nhận những ý kiến đóng góp của đoàn viên, thanh niên

đức nhật

Kết thúc chương trình, ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đoàn viên, thanh niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.