Thanh Hóa 'chốt' thời điểm xử lý công sở bỏ hoang

16/12/2023 11:18 GMT+7

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cam kết đến hết năm 2024 sẽ cơ bản xử lý xong 995 công sở, nhà đất dôi dư do sáp nhập đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2023.

Nhiều vướng mắc trong xử lý công sở, nhà đất dôi dư

Theo báo cáo mới nhất của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Thanh Hóa, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang có 995 công sở, nhà đất dôi dư do sáp nhập đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2023. Trong 995 công sở, nhà đất dôi dư thì có 629 công sở, trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị cấp xã, huyện, và cấp tỉnh; và 366 nhà văn hóa thôn, bản.

Lãng phí công sở bỏ hoang ở Thanh Hóa: 'Chốt' thời điểm xử lý - Ảnh 1.

Công sở UBND xã Quảng Phúc (H.Quảng Xương, Thanh Hóa) đầu tư 5,6 tỉ đồng gần hoàn thành thì bỏ hoang từ năm 2019 đến nay do sáp nhập đơn vị hành chính

MINH HẢI

Ông Lê Quang Hùng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Thanh Hóa cho biết, qua giám sát có một số công sở, trụ sở, nhà văn hóa thôn đang được bố trí tạm thời cho các hội, đoàn thể, đơn vị cấp xã hoặc cộng đồng dân cư sử dụng, chờ sắp xếp.

Bên cạnh đó, nhiều công trình do không sử dụng lâu năm, không có người trông coi nên có hiện tượng xuống cấp, hư hỏng gây lãng phí tài nguyên đất đai và công trình.

Ông Hùng cũng cho biết thêm thực trạng sắp xếp công sở, nhà đất dôi dư tại Thanh Hóa đang gặp một số khó khăn, như các quy định của luật Quản lý sử dụng, tài sản công; luật Đất đai; các nghị định, thông tư có liên quan còn nhiều bất cập, quy định chưa rõ ràng hoặc chưa quy định nên ảnh hưởng đến việc phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Nhiều công sở, nhà đất dôi dư không có hồ sơ pháp lý về nhà, đất hoặc có nhưng không đầy đủ; một số cơ sở không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng vùng huyện, xã; khó xác định nguồn vốn hình thành tài sản công; trình tự, thủ tục thực hiện phức tạp, nhiều bước lại thiếu hướng dẫn chi tiết, nên dẫn đến việc xử lý tài sản kéo dài.

Lãng phí công sở bỏ hoang ở Thanh Hóa: 'Chốt' thời điểm xử lý - Ảnh 2.

Khu công sở xã Hà Yên cũ (H.Hà Trung, Thanh Hóa) vừa đầu tư, xây dựng khoảng 10 tỉ đồng, sử dụng được khoảng 1 năm thì bỏ hoang cho đến nay

MINH HẢI

Một số huyện không xây dựng kế hoạch sắp xếp tài sản; tiến độ lập, thẩm định, trình phê duyệt phương án sắp xếp tài sản chậm.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Thanh Hóa cũng đã đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa đẩy nhanh việc sắp xếp, xử lý tài sản dôi dư; phê duyệt phương án xử lý cụ thể với từng tài sản; có hướng dẫn cụ thể về quy định, quy trình đề xuất, thực hiện việc sắp xếp, xử lý công sở, nhà đất dôi dư.

Thành lập Ban chỉ đạo các cấp để xử lý

Tại kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Thanh Hóa diễn ra từ ngày 12 - 14.12, trong phần giải trình về các vấn đề còn tồn tại, ý kiến, kiến nghị của đại biểu HĐND và của cử tri, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, thừa nhận tình trạng để công sở, nhà đất dôi dư kéo dài gây lãng phí đã gây bức xúc cho người dân. Tuy nhiên, việc sáp nhập đơn vị hành chính thì sẽ không tránh khỏi việc dôi dư công sở.

"Đây là nội dung mà cử tri trong tỉnh hết sức quan tâm. Quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính sẽ không tránh khỏi chuyện dôi dư. Mặc dù chúng ta đã cố gắng nhưng số dôi dư đang còn nhiều. Điều này cũng gây bức xúc và để lại lãng phí", ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng cho biết sẽ triển khai thành lập ngay các Ban chỉ đạo xử lý công sở, nhà đất dôi dư từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Và đến ngày 31.12.2024 sẽ cơ bản sắp xếp xong công sở, nhà đất dôi dư.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 16.12

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.