‘Thanh gươm diệt quỷ’ giúp điện ảnh Nhật Bản 'hồi sinh' giữa Covid-19

Phương Phương
Phương Phương
26/12/2020 18:30 GMT+7

Tờ Japan Times nhận định, điện ảnh Nhật Bản chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng phục hồi mạnh mẽ vào cuối năm nhờ nhiều chiến lược khéo léo, trong đó có đóng góp của tác phẩm Thanh gươm diệt quỷ .

Rạp chiếu Nhật Bản khởi động năm 2020 với doanh thu 4,7 tỉ yên (khoảng 45,3 triệu USD) chỉ sau ngày đầu tiên giới thiệu Parasite (Ký sinh trùng) - bom tấn Hàn Quốc đoạt giải Oscar của đạo diễn Bong Joon Ho. Nhưng mọi việc không diễn ra êm xui vì dịch Covid-19 bùng phát. Chính phủ Nhật Bản yêu cầu rạp chiếu phim dừng hoạt động vào đầu tháng 4, khiến ngành công nghiệp điện ảnh cả nước gần như “đóng băng”. Rất may còn có Thanh gươm diệt quỷ: Chuyến tàu vô tận (Demon Slayer: Kimetsu no Yaiba the Movie: Mugen Train)
Quy định đóng cửa phòng vé ở Nhật Bản kéo dài đến cuối tháng 5, nhưng việc đưa ngành kinh doanh này trở lại bình thường vẫn là điều bất khả. Vì phải tuân thủ giãn cách xã hội và lo ngại nguy cơ lây lan Covid-19, khán giả dè dặt hơn trước lựa chọn ra ngoài xem phim. Nhà phân phối cũng trì hoãn ngày phát hành hàng chục tác phẩm nội địa lẫn quốc tế. Không còn cách nào khác, nhiều chủ rạp chiếu đưa ra giải pháp “chữa cháy” tức thời bằng cách chiếu lại các tựa phim của hãng Ghibli hoặc một số bom tấn kinh điển, nhằm hy vọng thu hút người hâm mộ đến xem. Dù vậy, tổng doanh thu phòng vé Nhật Bản vẫn ở mức rất thấp.
Tháng 7 và tháng 8 hằng năm thường là mùa cao điểm hoạt động của rạp chiếu, doanh thu phòng vé có thể tăng khoảng 30% - 40% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đại dịch ập đến khiến Toho - nhà phân phối phim hàng đầu Nhật Bản chỉ kiếm được vỏn vẹn 16,58 tỉ yên (gần 160 triệu USD) trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 8. Ước tính trong 9 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận của hãng sụt giảm gần như một nửa so với năm 2019. Thê thảm hơn cả số phận của Toho là hệ thống rạp chiếu phim độc lập hay còn gọi là “rạp chiếu phim mini”, nơi giới thiệu hàng trăm bộ phim độc lập nội địa mỗi năm (trong số 689 phim Nhật Bản ra rạp vào năm 2019, phần lớn đều là phim độc lập). Thường ngày vốn hoạt động cầm chừng, Covid-19 càng khiến các đơn vị này trực tiếp đối mặt với nguy cơ phá sản.

Đạo diễn Akiko Ohku (trái) thắng giải thưởng duy nhất tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo 2020 nhờ tác phẩm Hold Me Back. Cô và nữ diễn viên chính trong phim đứng cách xa nhau, có tường kính ngăn giữa khi lên bục phát biểu

ẢNH: TIFF

Thanh gươm diệt quỷ và phim nội địa 'bùng nổ' dịp cuối năm

Đại dịch Covid-19 tuy gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động nghệ thuật, song cũng lóe lên cơ hội cho phim nội địa trỗi dậy. Hàng loạt bom tấn của kinh đô điện ảnh Hollywood nối tiếp dời lịch chiếu sang năm 2021 hoặc thậm chí xa hơn. Một số tác phẩm không vội ấn định thời điểm phát hành, bởi bầu không khí ảm đạm vẫn bao trùm rạp chiếu ở Mỹ và châu Âu. Trong khi đó ở nhiều quốc gia châu Á, việc vắng bóng phim ngoại chính là thời điểm thích hợp cho tác phẩm nội địa vươn lên.
Không bỏ lỡ cơ hội vàng này, Nhật Bản đẩy mạnh chiến lược quảng bá phim nội địa. Tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo 2020 vừa diễn ra vào tháng 11, ban tổ chức giới thiệu nhiều bộ phim đến từ đất nước mặt trời mọc, thông qua hạng mục lần đầu tiên xuất hiện là Tokyo Premiere 2020. Giải thưởng duy nhất được trao tại sự kiện mang tên Audience Award do khán giả lẫn ban tổ chức bình chọn, thuộc về tác phẩm hài lãng mạn Hold Me Back của nữ đạo diễn Akiko Ohku. Giữa lúc nhiều nơi căng thẳng chiến đấu với Covid-19, liên hoan phim còn làm tốt nhiệm vụ khích lệ tinh thần cho những người làm việc trong ngành điện ảnh Nhật Bản.

Nhiều sáng kiến vực dậy ngành công nghiệp phim ảnh xứ mặt trời mọc

Đứng trước cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra, các nhà làm phim Nhật Bản không đứng im chịu trận mà bắt đầu sáng tạo nhiều giải pháp cứu vãn tình thế. Ngày 13.4, hai đạo diễn phim độc lập có tiếng vang ở xứ Phù tang là Koji Fukada và Ryusuke Hamaguchi mở chiến dịch huy động vốn cho cộng đồng “Mini Theater Aid” (Cộng đồng rạp chiếu phim độc lập). Sau hơn một tháng kêu gọi, họ nhận về 331 triệu yên (hơn 3 triệu USD) từ gần 30.000 người quyên góp. Con số này cao gấp 3 lần kỳ vọng ban đầu. Nguồn tiền sau đó chuyển đến cho 118 rạp chiếu phim và 103 tổ chức nghệ thuật trên khắp đất nước.
Chính phủ Nhật Bản cũng tích cực tham gia “giải cứu” phim ảnh, thông qua việc thành lập quỹ cứu trợ hệ thống rạp chiếu phim độc lập. Cơ quan Văn hóa Nhật Bản tài trợ cho chương trình Korea Japan Collaboration Films, giới thiệu 5 bộ phim Hàn Quốc được quay tại Nhật Bản ở các rạp chiếu tại Osaka, Fukuoka, Nagoya và Yokohama. Giới chức nước này còn tập hợp 56 bộ phim để gửi đến các liên hoan phim quốc tế, hoặc trình chiếu tại phòng vé nội địa dưới nhãn dán Liên hoan phim Cannes. Trong số đó có nhiều phim nổi bật như True Mothers tham dự Liên hoan phim Cannes năm 2020, The Real Thing hay Earwig and the Witch - phim hoạt hình sử dụng công nghệ đồ họa CG (Computer Graphic - thuật ngữ được các nước phương Tây sử dụng để chỉ công nghệ đồ họa web kỹ thuật số của Nhật Bản) đầu tiên của Ghibli. Đây được xem là nước cờ khéo léo và “thức thời”, giúp điện ảnh xứ hoa anh đào lôi kéo sự chú ý trong bối cảnh nhiều liên hoan phim nội địa và quốc tế bị huỷ bỏ hoặc chuyển sang tổ chức trực tuyến.

Thanh gươm diệt quỷ bội thu ở Nhật Bản. Thành tích này hứa hẹn có thể soán ngôi vương của Vùng đất linh hồn

ẢNH: UFOTABLE

Theo dữ liệu của Pick Scene, có đến 8 tác phẩm nội địa xuất hiện trong danh sách 10 phim đạt doanh thu cao nhất phòng vé Nhật Bản năm 2020. Gần đây, điện ảnh Nhật Bản liên tiếp đón nhận tin vui từ bom tấn Thanh gươm diệt quỷ: Chuyến tàu vô tận (Demon Slayer: Kimetsu no Yaiba the Movie: Mugen Train) của đạo diễn Haruo Sotozaki. Chỉ 10 ngày kể từ thời điểm xuất xưởng 16.10, tác phẩm thống trị rạp chiếu quê nhà với kỷ lục doanh thu lên đến 10,75 tỉ yên (hơn 102,4 triệu USD). Theo các chuyên gia dự đoán, Thanh gươm diệt quỷ nhiều khả năng vượt qua thành tích 31,68 tỉ yên (hơn 305 triệu USD) của Vùng đất linh hồn (Spirited Away) để trở thành bộ phim sở hữu doanh thu cao nhất lịch sử phòng vé Nhật Bản.
Tuy thành công của Thanh gươm diệt quỷ không đủ sức bù đắp thiệt hại nặng nề mà điện ảnh Nhật Bản phải gánh chịu trong năm 2020, song nó là tín hiệu lạc quan cho thấy mọi thứ đang dần “hồi sinh”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.