'Thánh địa' của nghề ghép cây

17/11/2016 14:50 GMT+7

Cây giống ghép ở Chợ Lách (Bến Tre) nổi tiếng cả nước nhưng ít người biết nghề này ra đời đã hơn trăm năm tại 'thánh địa' Lộ Đất (ấp Tây Lộc, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách).

Học từ người Pháp
Theo lời kể của ông Nguyễn Hoàng Minh (Chín Minh, 60 tuổi), khoảng cuối thế kỷ 19, nghề trồng cây ăn trái ở Chợ Lách bắt đầu phát triển. Lúc đó, các ông Hai Trí, Sáu Trị, Sáu Vinh được một giáo sư dạy học ở Sài Gòn nhưng quê quán Chợ Lách giới thiệu rồi nhờ một linh mục ở Sài Gòn giúp đỡ để được học ngành nông nghiệp tại một trường dạy nghề của Pháp ở Phan Thiết (Bình Thuận). Sau khi học xong, 3 ông đã về khu vực Lộ Đất mua đất lập vườn, hành nghề ghép cây mướn và hình thành làng nghề cho đến ngày nay.
Cũng theo lời ông Chín Minh, những thập niên đầu thế kỷ 20, kỹ thuật ghép cây còn phức tạp, tốn kém nhưng tỷ lệ thành công rất thấp, trong khi năng suất của cây ghép và cây không ghép chưa chênh lệch nhiều nên một thời gian dài không ai thuê, rồi một số đệ tử theo học ghép cây cũng bỏ nghề. Chỉ duy nhất có ông Hai Thanh (chú của ông Chín Minh) là thuần thục về kỹ thuật ghép, trở thành truyền nhân duy nhất của 3 “vị sư tổ” và quyết tâm giữ nghề. Cũng vì giai đoạn dài khó khăn như thế nên những người được xem là đại diện cho thế hệ ghép cây ở giai đoạn trước ông Chín Minh cách nhau đến mấy chục tuổi đời.
Hoàn thiện kỹ thuật ghép
Theo ông Chín Minh, nghề ghép cây ở Lộ Đất được chia thành 3 giai đoạn phát triển. Sơ khai là kỹ thuật ghép băng nhựa gồm sáp đèn cầy phơi khô, vải trắng nhúng dầu bọc xung quanh mầm cây để không bị sâu bọ đục phá, mầm cây để vào bo, lấy dây băng đen quấn lại. Tuy nhiên, kỹ thuật ngày đó chưa biết cắt đầu bo để tích tụ chất hữu cơ hỗ trợ cho mầm nên mất thời gian cả 3 tháng, tỷ lệ thành công khoảng 30% và cũng chỉ ghép được các loại cây thuận lợi như chôm chôm, xoài. Đến thời của ông Hai Thanh vẫn làm như vậy. Sau đó đến anh em ông Chín Minh cũng làm theo cách này một thời gian nhưng sự cực nhọc buộc các ông nghĩ ra cách lấy dây thun loại lớn thay cho băng đen, lá dừa thay cho vải trắng. Cách này tuy đỡ tốn chi phí nhưng cũng mất nhiều thời gian, làm mỗi ngày chưa tới 200 bo giống, sống được với nghề cũng rất gian nan. “Tuy cuộc sống khó khăn nhưng anh em tôi quyết giữ nghề vì vừa có thể nâng cao năng suất cây trồng, vừa tận dụng các cây kém phát triển làm bo và các chồi tốt bị dư rồi tổng hợp lại thành những cây giống mới”, ông Chín Minh nói.
Khoảng 25 năm trở lại đây, nông nghiệp phát triển, nghề trồng cây ăn trái trở nên thịnh hành, diện tích vườn già cỗi phải trồng mới rất nhiều nhưng cây giống nguyên thủy không đủ cung cấp. Trong khi đó, cây ghép phát triển tốt, nhanh cho trái nên một số thương lái bắt đầu về Lộ Đất tìm cây giống mang đi xứ khác bán khiến nghề ghép cây ăn nên làm ra. Theo ông Chín Minh, lúc này, sự chậm chạp của kỹ thuật ghép bằng lá dừa, dây thun lớn không còn phù hợp, buộc ông phải đào tạo thêm một số người cùng làm tiếp nhưng vẫn không hết việc. “May mắn là khi đó, nhà nước cho tập huấn kỹ thuật ghép mới mà bà con quen gọi là ghép “xương khúc” rất nhanh, tỷ lệ thành công gần như tuyệt đối nên chúng tôi áp dụng đến tận bây giờ”, ông Chín Minh nhớ lại.
Hôm chúng tôi đến thăm, ngồi trong nhà chỉ ra vườn cây giống xanh um, ông Chín Minh nói đó là thành quả của đám “đệ tử”, bởi ông lớn tuổi không còn nhanh nhẹn nên thỉnh thoảng làm cho đỡ nhớ nghề. Nhờ có uy tín mà hàng ngàn cây sầu riêng, xoài giống trong vườn của ông đã được thương lái đặt mua giá cao. Ngoài ra, ông cũng hay nhận những “sô” lớn lên đến hàng triệu cây. Nhìn cách ghép cây điêu luyện, thuần thục của các học trò ông Chín Minh, chúng tôi mới hiểu vì sao chỉ một vài xã ít ỏi ở Chợ Lách nhưng lại có thể cung cấp hơn 15 triệu cây giống mỗi năm cho thị trường cả nước. Ngoài ra, những người thợ ghép cây ở Chợ Lách được các chủ trang trại ở miền Đông, Tây nguyên, duyên hải miền Trung săn đón như những “người đặc biệt”. “Nghề ghép cây đã giúp gia đình tôi sống sung túc, lo cho 3 con học tới nơi tới chốn. Bây giờ, chỉ cần nhìn hàng chục thanh niên ở Lộ Đất phấn khởi miệt mài ghép cây ai cũng biết nghề này ngon lành như thế nào”, ông Chín Minh tâm sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.