'Thành công bằng sự tử tế' vào đề thi học sinh giỏi quốc gia

28/12/2019 14:03 GMT+7

Đề thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2019-2020 môn văn yêu cầu thí sinh bày tỏ suy nghĩ về 'con đường đi đến thành công bằng sự tử tế'.

Ngày 27.12 đã diễn ra kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT môn ngữ văn. Theo đó, đề thi học sinh giỏi gồm 2 câu: Câu 1 (nghị luận xã hội): yêu cầu thí sinh bày tỏ suy nghĩ về "con đường đi đến thành công bằng sự tử tế"- nhan đề bản dịch tiếng Việt cuốn sách của Inamori Kazuo - một doanh nhân người Nhật. Câu 2 (nghị luận văn học) đề cập đến: Trong thời đại ngày nay, con người phải đối mặt với nhiều áp lực trong đời sống tinh thần. Liệu văn học có khả năng giúp con người hóa giải được những áp lực đó.
Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên ngữ văn Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội đã chia sẻ với Báo Thanh Niên về đề thi này:
Cả hai câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học đều đặt ra những vấn đề quen thuộc mà không bao giờ nhàm chán của cuộc sống và văn chương, đều không có điểm tựa nào ngoài vốn sống, vốn văn chương và năng lực nhận biết, lý giải vấn đề của thí sinh.

Đề thi thú vị vì nhiều lẽ

Câu nghị luận xã hội khá thú vị bởi nhiều lẽ. Trước hết là cách nhìn ra vấn đề khá độc đáo từ nhan đề một cuốn sách dịch “Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế” thay vì những danh ngôn, quan niệm, hay những câu chuyện… như phần lớn các đề quen thuộc trước nay. “Thành công” và “tử tế” là hai vấn đề thường xuất hiện độc lập trong rất nhiều đề thi, rất nhiều bài viết -sự kết nối giữa chúng với nhau trong mối quan hệ nhân quả chính là góc nhìn tạo hứng thú cho học trò trong thời đại của các trào lưu Startup và “việc tử tế” - đăc biệt khi người ta nói nhiều tới “việc tử tế” như một tín hiệu cho thấy cuộc sống đang thiếu vắng sự tử tế, và nhiều thành công bất chấp cả đạo lý lẫn pháp lý! Câu lệnh yêu cầu trình bày “suy nghĩ của anh/chị về “con đường” này” sẽ mở ra khá nhiều khả năng kiến giải - dù có thể thấy trước hướng khẳng định sẽ chiếm tuyệt đại đa số khi làm bài bởi học trò sẽ không khó khăn để nhận ra hướng làm bài an toàn dựa vào điểm tựa an toàn bởi tính đúng đắn muôn đời của sự tử tế!
Đề bài vẫn mở ra những khoảng trống của thử thách dành cho những học sinh có kiến thức đời sống xã hội sâu rộng, năng lực lý giải và nhất là bản lĩnh tự chủ của mình để bộc lộ những trăn trở suy tư thấu đáo trước mối quan hệ giữa lẽ phải với thực tế cuộc sống nhiều khi trái ngược; các em hoàn toàn có thể đặt ra vấn đề về nghịch lý và hướng giải quyết nghịch lý khi sống tử tế, trung thực thường thua thiệt, thậm chí thất bại! Tuy nhiên, cũng vì nghịch lý này đang trở thành lẽ đương nhiên trong thực tế cuộc sống, triết lý giáo dục đổi mới nhưng chưa thực sự đồng bộ với thực tiễn giáo dục, học trò vẫn phải tìm kiếm sự an toàn trên đường ray tư tưởng của một bộ phận không nhỏ giáo viên, nên nếu học sinh không có tầm nhìn sâu rộng, không có khả năng lý giải, lập luận, nhất là không có bản lĩnh tự chủ, đề bài dễ đưa tới những bài văn viết như giáo dục công dân!

Cách xử lý vấn đề sẽ phân loại học sinh 

Câu nghị luận văn học đề cập vấn đề quen thuộc của lý luận văn học là chức năng văn học, đặt vấn đề cụ thể về khả năng của văn học nhằm “giúp con người hóa giải những áp lực” trong cuộc sống. Với yêu cầu này của đề bài, học trò phải nắm chắc và đề cập được tất cả các chức năng của văn học, từ nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ, cho tới giao tiếp, giải trí… Thử thách của đề bài không chỉ dừng lại ở phần kiến thức khá nặng của lý luận văn học vốn trừu tượng với các em mà còn hiện hữu chủ yếu ở cách các em xử lý mảng kiến thức ấy khi kết hợp với những minh chứng qua văn chương; thậm chí, khó khăn còn xuất hiện ngay trong mảng kiến thức đời sống khi các em đề cập tới những áp lực của đời sống tinh thần!

Đề thi học sinh giỏi, về cơ bản có khả năng khơi gợi hứng thú và suy nghĩ độc lập cho học sinh, dù vẫn hoàn toàn có khả năng tạo ra một loạt những bài viết ... như chân lý!

Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết

Khoảng trống trong dư địa vấn đề của câu nghị luận văn học có phần rộng hơn câu nghị luận xã hội khi học sinh hoàn toàn có thể đặt vấn đề phản biện về khả năng hóa giải áp lực tinh thần của văn chương, trong khi vấn đề về sự tử tế để thành công rất khó phản biện mà không chạm tới hàng rào đạo lý! Thậm chí, nếu một số em cảm thấy sự bất lực của văn học với những áp lực ngày càng nặng nề trong cuộc sống thời hiện đại, các em có thể đặt ra những vấn đề lớn hơn về môi trường sống - cội nguồn của văn học!
Vả lại xưa nay, dù được coi là phương tiện “chở đạo/đâm gian”, văn chương vẫn chỉ là sự ánh chiếu cuộc sống, có thể phản ánh, khơi thức, dự báo..., nhưng thật khó để “hóa giải”! Đây cũng là sự thật mà không nhiều học trò có thể đề cập! Chưa kể, bản thân một số nhà văn khi phản ánh và lý giải hiện thực chỉ dừng lại minh họa cho chính thực tại đang tiềm tàng những vấn đề cần hóa giải - vậy liệu tác phẩm/sản phẩm tinh thần của họ có thể hóa giải được áp lực của thực tại đó hay không?
Đề thi học sinh giỏi, về cơ bản có khả năng khơi gợi hứng thú và suy nghĩ độc lập cho học sinh, dù vẫn hoàn toàn có khả năng tạo ra một loạt những bài viết ... như chân lý! Do vậy, khả năng phân loại và tìm ra học sinh giỏi thực sự không xuất hiện ở vấn đề mà chính là ở cách xử lý vấn đề.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.