Thanh Bùi, Hùng Võ: Giáo dục sáng tạo phải bắt đầu từ gốc rễ

07/10/2021 17:44 GMT+7

Cuộc trò chuyện thú vị và sâu sắc giữa hai người lãnh đạo đa ngành đầy tài năng và tâm huyết xoay quanh chủ đề làm sao để đưa sáng tạo vào trong quá trình hình thành và phát triển tiềm năng cho thế hệ trẻ Việt .

Đây không phải là thời điểm chúng ta còn bàn việc sáng tạo có cần thiết hay không, mà chúng ta nên tập trung vào việc làm sao để đưa sáng tạo trở thành trung tâm và nền tảng của giáo dục cho những thế hệ sau của Việt Nam, ngay từ giai đoạn dưới 6 tuổi

Marketer - Nhà giáo dục - Hùng Võ

…Muốn thay đổi tư duy của các ngành nghề thì phải thay đổi từ gốc rễ của xã hội trước đã, giáo dục sáng tạo cần phải bắt đầu càng sớm càng tốt

Nghệ sĩ quốc tế - Nhà giáo dục - Thanh Bùi

Những chia sẻ chân thật, thẳng thắn nhưng cũng hết sức gần gũi và thân mật, mà qua đó bạn đọc có thể cảm nhận rõ ràng sự nhiệt thành, tâm huyết về câu chuyện phát triển con người nói chung vào giáo dục sáng tạo tại Việt Nam nói riêng mà cả hai con người đầy tài năng trong lĩnh vực mình đang hoạt động đang theo đuổi.

Anh Bùi Vũ Thanh - Chủ tịch hệ sinh thái giáo dục Embassy Education - người được biết nhiều dưới nghệ danh Thanh Bùi. Và anh Hùng Võ thành viên Hội đồng Cố vấn của ĐH Fulbright Vietnam, thành viên Hội đồng điều hành Embassy Education, top 50 CMO châu Á 2021.

Sau khi trải qua rất nhiều lĩnh khác nhau từ khoa học, nghệ thuật, kinh tế và giờ là giáo dục. Cơ duyên nào khiến các anh chọn đây là mảnh đất tiếp theo để cày xới và gieo xuống những hạt mầm tử tế?

Thanh Bùi: Thanh thấy bản thân mình rất may mắn. Thanh không bắt đầu từ giáo dục nhưng bằng một cách nào đó cuộc đời Thanh xoay quanh câu chuyện giáo dục. Thanh nhớ về những ngày mình còn rất trẻ trong chương trình Big Brothers Big Sisters Program, lúc đó Thanh đã có cơ may được hỗ trợ các bạn nhỏ trong lớp về việc học Toán, học Tiếng Anh, học Khoa học… Các em ở mọi độ tuổi, lớn cũng có, nhỏ có, rất nhỏ cũng có. Chính việc chia sẻ lại thông tin mà mình đã học cho mọi người một cách sáng tạo mà thông qua đó các em hiểu được và trở thành phiên bản tốt nhất của mình đã khiến Thanh tin hơn vào con đường mình đã và đang đi.

Nói về con đường học vấn của Thanh, một lần nữa phải dùng từ mình quá may mắn. Nhìn lại cả hành trình dài mấy chục năm từ khi còn nhỏ tới giờ Thanh có thể tóm gọn trong một câu: Bản hoà ca của trí tuệ (Symphony Of The Mind) khi mà Thanh được học trong một trường tư có thể nói là Top 5 ở bên Úc. Mình may mắn khi được học âm nhạc, mỹ thuật, thể thao, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng trình bày quan điểm… rất nhiều lĩnh vực, góc nhìn Thanh có thể tiếp cận. Và điều quan trọng hơn cả là các thầy cô của Thanh mà Thanh hay gọi là mentor luôn khuyến khích Thanh làm bất cứ cái gì mình muốn, cứ thoải mái, tận hưởng và làm với một khả năng tốt nhất có thể mà không sợ bị đánh giá hay phán xét gì cả. Chính vì được nuôi dưỡng trong một môi trường toàn diện như thế nên khi Thanh về Việt Nam chứng kiến cái cách các con đang học, Thanh rất thương các con, Thanh muốn mọi người bỏ đi những quan niệm, những thiên kiến cũ đang kìm nén tiềm năng của một đứa trẻ. Thanh muốn chiến đấu cho các con để có thể có được những cơ hội mà Thanh được nhận. Mình muốn thay đổi thị trường, muốn thay đổi tư duy của các ngành nghề thì mình phải bắt đầu từ rễ của xã hội trước đã. Và Thanh nghĩ rằng, chỉ có giáo dục mới có thể làm được điều đó.

Hùng Võ: Thật ra tất cả công việc của Hùng đều xoay quanh một vài trọng tâm. Đó là đam mê từ tìm hiểu đến thấu hiểu, và phát triển con người. Marketing là một ngành thú vị, kết hợp giữa khoa học của số liệu, khoa học về tâm lý đám đông, về hành vi con người, khoa học về cách thế giới hiện tại vận hành xung quanh các trục giá trị của thời đại, với một chiều kích, thế giới nghệ thuật về vẻ đẹp của thẩm mỹ, của sáng tạo, của cảm xúc, của nhân sinh với một tầm nhìn xa rộng và một trái tim rộng mở. Và không như mọi người hay lầm tưởng, marketing không nghiên hẳn về mặt sáng tạo hay nghệ thuật mà là sự kết hợp mạnh mẽ của hai mảng rất gắn kết này với nhau.

Giáo dục cũng vậy, là kết hợp giữa khoa học về thế giới, về hình dung tương lai, về khoa học về con người, khoa học về cảm xúc, về lịch sử, về giá trị với sự thấu hiểu, sáng tạo, và ứng dụng riêng cho từng đứa trẻ, từng giai đoạn, từng thời kỳ để khai phóng tối đa tiềm năng của mỗi người, phát triển cả chỉ số IQ, EQ, AQ (adversity quote - chỉ số thích ứng) và CQ (creative quote - chỉ số sáng tạo) và chuẩn bị cho mỗi người cách đối mặt và xây dựng tương lai, chọn con đường hạnh phúc của bản thân.

Hùng tự nghĩ mình là một marketer với tư duy giáo dục, cũng đã đi dạy Trường đại học Hoa Sen từ năm 2008, sáng lập Young Marketers từ 2013, và Future Impact Academy từ năm 2020, nên tin là mình vẫn đang tập trung làm đúng một đam mê mình đã có từ nhỏ, chỉ là khai thác những yếu tố khác nhau mà thôi. Và từ năm 2020 đi sâu vào giáo dục nhiều hơn với vai trò là Founding Board Member (Thành viên Hội đồng Sáng lập và Điều hành) của Embassy Education - hệ sinh thái đầu tiên và thúc đẩy xu hướng giáo dục sáng tạo tại Việt Nam, và là Founding Member (Thành viên sáng lập) của Young Advisory Board (Hội đồng Cố vấn) của Đại học Fulbright.

Sự giống và khác nhau giữa sáng tạo mang tính nghệ thuật và sáng tạo trong kinh doanh marketing là gì thưa anh?

Thanh Bùi: Sáng tạo là một tư duy. Sáng tạo có thể xảy ra ở bất cứ các lĩnh vực nào trong xã hội chứ không phân định người làm trong nghề sáng tạo hay không sáng tạo. Trong một buổi chia sẻ với các bậc phụ huynh Thanh có hỏi: “Anh chị ơi, anh chị có sáng tạo không?”. Nhiều người chia sẻ là: “Chị đâu phải người sáng tạo đâu Thanh, chị đâu có biết vẽ hay hát gì đâu?”. Nhưng mà Thanh lại chia sẻ với các anh chị là người sáng tạo nhất mà Thanh từng gặp là người kế toán tài chính của Thanh. Khi nghe như vậy nhiều người cười và không hiểu sao Thanh nói như vậy. Điều quan trọng cần được hiểu ở đây là sáng tạo không phải chỉ nằm ở lĩnh vực nghệ thuật đâu. Nó là một tư duy kết nối những gì đang ở đó, một cách mới để hình thành một kiểu tư duy mới, một giải pháp mới cho một điều mà mọi người chưa suy nghĩ đến hoặc chưa bao giờ làm đến. Thanh nghĩ mình cần thêm nhiều thời gian để mình tái định nghĩa lại chữ “Sáng tạo” tại Việt Nam.

Hùng Võ: Với Hùng chưa bàn đến marketing là công việc đòi hỏi sáng tạo rất cao, ngay cả những lĩnh vực khác liên quan đến kinh doanh cũng cần sáng tạo. Vì trong cuộc sống đang rơi vào trạng thái dư thừa trên nhiều khía cạnh, nếu bạn không sáng tạo, không nhìn khác, nghĩ khác, làm khác, tạo ra giá trị gia tăng, tạo ra khác biệt thì nhanh chóng bạn sẽ trở nên không cần thiết, không thiết yếu rồi sau đó là không còn phù hợp. Nên sáng tạo ở một thời kỳ kinh tế thặng dự thế này là tất yếu mình không cần phải bàn cãi.

Sáng tạo trong kinh doanh, trong marketing và trong nghệ thuật thì khá giống nhau ở việc xoay quanh con người, dồn sự trọng tâm vào thấu hiểu con người để kết nối với họ, để tác động đến họ, chạm đến họ, thay đổi họ, nhưng có thể trong nghệ thuật sáng tạo sẽ mang yếu tố nghệ sĩ, cá nhân, bản sắc riêng cao thể hiện quan điểm nhiều hơn, còn kinh doanh thì sáng tạo sẽ có một mục đích rất cụ thể, giải quyết một vấn đề rõ ràng nào đó và thường sẽ dựa trên quan điểm của đám đông, đám đông càng lớn càng tán thành thì kết quả thu về càng cao. Nhưng chắc bàn giống và khác thì chúng ta phải dành cả 1 ngày để nói về vấn đề này rồi, không sẽ dễ trở nên hời hợt (cười).

Tuy nhiên như Hùng vẫn nói, tư duy kinh doanh, khoa học vốn không tách biệt với nghệ thuật mà gắn kết chặt chẽ với nhau, phát triển thúc đẩy lẫn nhau. Một nhà khoa học, kinh doanh giỏi sẽ có một tinh thần sáng tạo, dám nhìn khác, nghĩ khác, dám đưa ra những giả định táo bạo, dũng cảm để khám phá một sự thật mới; ngược lại một người làm nghệ thuật sáng tạo cũng cần tư duy khoa học, đi sâu vào bản chất, bay bổng nhưng vẫn nắm chắc hiện thực để sáng tạo mà không xa rời, không sáo rỗng. Nhà khoa học cũng cần phát triển cảm xúc, người làm nghệ thuật cũng cần một tư duy khoa học nghiêm túc để đi đến đỉnh cao.

Anh có thể chia sẻ về ý tưởng khởi phát của Embassy Education. Sự ra đời của hệ sinh thái này có phải nhằm giải quyết một vấn đề nào trong ngành giáo dục nói chung và giáo dục cho trẻ em nói riêng?

Thanh Bùi: Khi đi nước ngoài, rất nhiều người hỏi Thanh những câu hỏi kiểu như: Bây giờ Việt Nam đang như thế nào? Còn chiến tranh không? Có internet không? Những sự ấn tượng của người ta về một Việt Nam mới chưa đủ mạnh nên Thanh rất mong mình sẽ có nhiều những lãnh đạo trẻ để đem câu chuyện của chính mình ra tế giới. Thông qua hệ sinh thái giáo dục Embassy Education, điều Thanh muốn giải quyết chính là tư duy về giáo dục. Hệ thống giáo dục truyền thống đang bị một chiều với sự nhồi nhét thông tin cho các con. Trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng từng ngày nếu chỉ học kiến thức hay thiên một mảng nào quá mà thiếu đi sự phát triển toàn diện, các em sau khi từ trường đại học ra đời sẽ rất khó để được nhận vào các công ty vì quá thiếu kỹ năng mềm hay trí thông minh cảm xúc (EQ) thiếu về kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng sáng tạo… Chính vì vậy, Thanh thấy mình cần phải đào tạo con người từ gốc rễ của xã hội và nó sẽ bắt đầu từ giáo dục mầm non.

Đó cũng là lý do Thanh tổ chức buổi trò chuyện Symphony of The Mind tổ chức ngày 8 - 9.10 tới giữa các lãnh đạo, chuyên gia đa ngành trên toàn cầu dành riêng cho phụ huynh Việt. Đây sẽ là cú hích để chúng ta nhìn lại cách thức tiếp cận giáo dục cho con.

Thế giới hiện tại có tính đa chiều và ngày càng khai phóng. Theo anh, thế giới như vậy đang đòi hỏi những yếu tố gì với một người trưởng thành (đã đi làm, đã ra đời) và một đứa trẻ (chưa có nhiều va vấp)?

Tính từ multidimensional càng ngày càng quan trọng. Với sự tiến bộ bây giờ của công nghệ AI… Thanh nghĩ mình khó có thể dự đoán được ngay cả chỉ 10 năm chứ chưa nói tới 50 năm cuộc sống sẽ như thế nào?

Đối với người lớn cần chuẩn bị cho mình khả năng thay đổi (adaptability) và xây dựng một tâm lý vững (ability in mental health).

Với một đứa trẻ thì khả năng phục hồi (resilience) là rất quan trọng. Thanh nghĩ cần phải đào tạo ngay từ sớm. Sớm nhất có thể. Và đó một điều trọng tâm trong tư duy và triết lý giáo dục của Embassy Education: Making changes becoming your best friends, making the unknown becoming your best friends. Khi các con được sống trong không gian được khuyến khích giải quyết vấn đề và mình nhìn mọi việc theo hướng tìm giải pháp và mình hiểu được vấn đề là chuyện bình thường. Thay đổi là bình thường. Thì các con sẽ có cảm giác rất là tự tin khi bước ra đời. Như cái cách mà Tri Giao hay Minh Quân (các bạn trẻ tài năng sẽ xuất hiện trong hội nghị Symphony of the mind) đã đạt được những thành tích đáng kể dựa trên niềm đam mê, mục đích của mình tại các trường hàng đầu trên thế giới (đại học Princeton, đại học California Berkeley).

Hai anh gửi gắm cũng như kỳ vọng gì về một thế hệ người Việt trong tương lai?

Thanh Bùi: Tạo ra một thế hệ các con hạnh phúc có lòng trắc ẩn, có một trách nhiệm với cộng đồng tìm được giá trị của mình. Dũng cảm để theo đuổi mục đich của mình. Sáng tạo và tạo ra những điều chưa bao giờ ai làm đển làm những điều mình tự hào và một đất nước tự hào. VN không còn bị nhìn nhận là một quốc gia đang phát triển mà thực sự đang đóng góp cho nhân loại. Đó là mong muốn của Thanh trong tất cả các lĩnh vực không chỉ trong Toán, hay Nghệ thuật. Và nó sẽ xuất phát từ việc giáo dục sáng tạo. Thanh tin chuyện đó. Cảm ơn.

Hùng Võ: Mình mong đợi thông qua việc thúc đẩy giáo dục sáng tạo với những giá trị nền tảng và trụ cột quan trọng của triết lý tiếp cận này sẽ tạo ra những thế hệ trẻ em sau đó trưởng thành rất khác ở Việt Nam trong 20 năm tới.

Thế hệ trẻ ở những năm 2040 2050 của Việt Nam sẽ là những đứa trẻ tự hào về cội nguồn của mình, tự hào về bản sắc cá nhân, nhưng không bám chấm vào chủ nghĩa dân tộc thuần tuý mà sẽ có tầm nhìn toàn cầu hơn, thấu hiểu các vấn đề ở diện rộng và kết nối của nhân loại hơn, chấp nhận bản thân, tôn trọng sự khác biệt của người khác, thích nghi với sự thay đổi, sáng tạo hơn, luôn biết làm mới bản thân, và nuôi dưỡng trí thông minh cảm xúc (EQ) và trí thông minh thích ứng (AQ- adversity quote) tốt hơn, có khả năng thấu cảm và trắc ẩn, biết yêu thương, biết bảo vệ môi trường, thế giới các em sống hơn.

Và sẽ là những nhà lãnh đạo toàn cầu từ Việt Nam. Tự hào lớn lên từ cái nôi, cội nguồn văn hóa này. Kiên định đeo đuổi các giá trị tốt đẹp.

Hội nghị thường niên về tương lai giáo dục " Symphony Of The Mind” năm 2021 sẽ được hệ sinh thái giáo dục Embassy Education tổ chức theo hình thức trực tuyến trong 2 ngày 8 và 9.10, khung giờ 20:00 - 21:00, với sự tham gia của lãnh đạo đa ngành như Giáo sư Howard Garder, Giáo sư Ngô Bảo Châu, Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh… Quý vị quan tâm vui lòng đăng ký tại website https://embassyeducation.edu.vn/symphony

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.