Thăng trầm người Châu

Phạm Anh
Phạm Anh
26/05/2018 13:05 GMT+7

Tộc người Châu sống ở sườn ngọn núi Ngọc Yang, thuộc dãy Ngọc Linh hùng vĩ. Trải qua dâu bể thời gian, đến nay tộc người này đã có cuộc sống ổn định nhưng vẫn còn lưu giữ nhiều phong tục kỳ lạ.

Ký ức nhà dài
Loay hoay với rừng
Ngồi bên bếp lửa, ông Phạm Quốc Tuấn thổ lộ, người Châu bây giờ còn nhiều khó khăn, dù hết hộ đói, nhưng 86% là hộ nghèo. Hằng ngày họ loay hoay với rừng, trồng cây, làm nông nghiệp nhưng đầu ra rất thấp. Theo ông Tuấn, từng có doanh nghiệp về vùng này nói mua bao tiêu cà phê, với điều kiện cà phê phải chín đạt 80% trở lên. Thế nhưng do vùng đất này mưa gió bất thường, cà phê ra trái đang xanh thì mưa xuống, lại ra hoa mà quả cà phê chưa thu được. Vì vậy, khi cà phê chưa chín rộ, người dân đã vội hái để bán, mà như thế thì không đảm bảo cho doanh nghiệp thu mua.
“Mấy năm nay chính quyền và các hội đoàn thể hỗ trợ trồng giống sâm dây, nhưng chỉ một số hộ làm tạm được, còn lại thì ban đầu xanh tốt, nhưng không hiểu sao sau bị chết héo trên rẫy. Số khác trồng xen vào các rẫy mì, cây bời lời… nhưng tựu trung là chưa đâu vào đâu. Những khó khăn ấy đã níu người Châu khó phát triển kinh tế, làm giàu”, ông Tuấn trăn trở.
Từ TP.Kon Tum, chúng tôi phải vượt 120 km đến TT.Đăk Glei, rồi đi xe máy hơn 60 km đường gập ghềnh sỏi đá, mới đến làng Đăk Rế, xã Mường Hoong, H.Đăk Glei (Kon Tum), nơi có 70 hộ với 250 nhân khẩu người Châu sinh sống.
Họ quanh quẩn bao năm nay với làng Đăk Rế. Số ít ỏi sống ở ngoài làng nhưng cũng không rời xa dãy núi Ngọc Linh huyền bí.
Trước thời kháng chiến chống Pháp, tộc người Châu đông đúc lắm. Họ sống ở nhiều làng, trên lưng chừng núi, dọc theo suối Đắk Mek chảy từ trên núi xuống. Mỗi làng xưa có nhiều nhà dài và mỗi nhà dài thường có 20 - 30 gia đình cùng chung sống, có tộc họ máu mủ với nhau. Cứ thế mỗi gia đình một bếp, nhưng đêm đêm, lũ trai tráng ra nhà rông đốt lửa, uống rượu và ngủ tại đấy.
"Xưa các làng hay gây chiến, bắt nô lệ, cướp tài sản, đàn bà… nên đàn ông ở nhà rông để sẵn sàng ứng chiến", già làng A Vinh nhìn ngọn lửa bập bùng, kể lại chuyện cũ. Rằng ngày đó, làng nào đông đàn ông thì được xem là mạnh mẽ trong vùng, hay "ăn hiếp" các làng khác. Muốn chấm dứt can qua thì già làng hai bên phải họp lại, cắt máu ăn thề, bỏ qua tất cả chuyện cũ, không ai được giữ trong lòng mối hiềm khích, nếu không yàng sẽ phạt tội.
Già làng A Vinh rùng mình kể: Năm tao chừng 10 tuổi, các già làng đời trước kể lại, bệnh dịch tả kinh hoàng gieo rắc 3 làng Đăk Rế, Đăk Blong và Đăk Tam. Ban đầu thì vài người chết, được cúng rồi chôn cất hẳn hoi. Sau thì chết hết nóc nhà này qua nóc nhà khác, nằm la liệt khắp làng, khắp rừng và suối, không ai chôn cất, nằm phơi xác cho muôn thú làm mồi. Người làng chôn không kịp, khóc không nổi, bỏ làng đi vào rừng.
"Các già kể rằng, sau trận dịch đó, người của cả 3 làng này bỏ làng đi, không ở chỗ cũ nữa mà du cư vào rừng sâu. Cả 3 làng ấy sống sót chừng 30 - 40 người nên nhập lại ở chung, thành làng Đăk Rế như bây giờ", giọng già làng A Vinh trầm xuống khi nói về thuở thăng trầm của tộc người Châu.
Ông Phạm Quốc Tuấn, Bí thư Chi bộ làng Đăk Rế, đã ở với người làng hơn chục năm nay, nghe kể nên biết nhiều chuyện làng thuở xưa. "Bây giờ làng cũ của họ (trước khi xảy ra bệnh dịch) vẫn còn lại di tích theo Việt Minh kháng Pháp. Đó là một cái hào đào xung quanh làng, rộng khoảng 5 m". Già làng A Vinh cũng xác nhận: Hồi ấy, chủ làng và người Châu cùng theo Việt Minh, cắt máu gà uống chung chum rượu ghè, cả làng đàn ông, đàn bà đều uống thề, quyết đánh Pháp. Làng được gia cố bằng hàng rào, cắm chông xuống hào, chỉ vừa một lối ra vào làng và lối thoát vào rừng. "Muốn lên lại làng cũ, phải đi đường rừng khoảng 7 km", già làng A Vinh nói.
Một góc làng người Châu

Cấm đàn bà ăn, ở nhà rông
Trải qua các cuộc thăng trầm với những đau thương, người Châu di cư nhiều nơi, mất mát nhiều tài sản nhưng phong tục xưa họ vẫn còn giữ nhiều chuyện lạ lùng. Anh A Thọ (25 tuổi) nói, phong tục làm lễ "cữ nước" được tổ chức quy mô nhất vào dịp cuối tháng 2, đầu tháng 3 (âm lịch).
Những ngày này, già làng họp dân tại nhà rông rồi định ngày làm lễ “cữ nước”. Theo phân công, người làng chia nhau đi chặt cây lồ ô làm cây nêu, cổng làng. Vào một buổi sáng tinh sương, khi đất trời tinh khiết nhất, già làng dẫn đầu nhóm đàn ông mang heo và gà ra đầu nguồn nước. Sau lời khấn thần rừng, thần suối, già làng cắt một ít tiết heo và tiết gà trộn lại, rồi nhỏ xuống đầu nguồn để nước chảy theo ống lồ ô chảy về làng. Khi già làng ra đầu nguồn nước thì 3 - 4 thanh niên khỏe mạnh đánh chiêng, trống tại nhà rông liên tục, đến khoảng 4 giờ sáng, già làng và nhóm đàn ông khiêng heo về đến nhà rông thì hết đánh chiêng trống.

Khi nước mang theo tiết heo, gà chảy về đến làng, đàn bà và con gái lấy ống lồ ô ra hứng mang về nhà nấu cơm. Sau đó, già làng lệnh cho dân làng mổ heo, lấy nội tạng và thịt vùng ngang với xương sống heo để tại nhà rông, thịt còn lại chia cho dân làng.
Khi cơm chín, đàn ông trong gia đình nào cũng mang cơm ra nhà rông ăn chung, cùng chuột khô, cá suối. "Đàn bà tuyệt đối không được ăn ở nhà rông. Ai vi phạm sẽ bị làng phạt vạ", A Thọ kể. Chưa hết, mỗi khi dân làng "cữ nước" thì trong vòng 3 ngày, dân làng không được ra khỏi làng, 7 ngày không được đi làm rẫy. Cũng theo A Thọ, đến nay tục này vẫn duy trì.
Những ngày ở làng Đăk Rế, tôi còn nghe nhiều phong tục nữa, làm nên nét riêng biệt của tộc người Châu. Tục "nướng nếp" tổ chức vào cuối tháng 10 (dương lịch), gần giống như tục ngã rạ của đồng bào Xê Đăng, khi lúa rẫy trên rừng đã thu hoạch xong thì cả làng tổ chức. Thế nhưng khác ở chỗ: suốt 3 ngày diễn ra tục "nướng nếp", người Châu không đánh chiêng, đánh trống, mà nhà nhà đều nấu cơm nếp trong ống nứa vào ban đêm.
Sáng hôm sau tùy điều kiện mỗi gia đình mà mổ heo, gà… mời hàng xóm qua ăn cơm nếp nướng. Sau 3 ngày ăn cơm nếp nướng, người Châu mang cơm này ra rẫy vào buổi sáng, đắp một con đập nhỏ ngăn nước lại, bỏ ống nứa nấu cơm nếp xuống, mời thần lúa, thần suối, thần rừng "ăn", xem như cảm ơn thần đã cho người Châu no ấm.
Một đoạn đường làng nay đã được bê tông hóa
Ông Phạm Quốc Tuấn cho biết thêm, cách đây hơn 10 năm, ở đây còn rất nhiều tục lệ, nhưng đến nay những tục lệ được xem như là tốn kém, hủ tục thì vận động dân làng bỏ dần. Chẳng hạn như tục đâm trâu cúng yàng, cứ nhà có người đau ốm là đâm trâu, rồi hai năm tiếp theo cũng phải đâm trâu cúng yàng để tạ ơn. Mỗi lần đâm 1 con trâu, người Châu còn mổ thêm 2 con heo, vài chục con gà. Cúng xong thì xem như làm cả năm không đủ trả nợ.
Bà Y Thi, Trưởng phòng Dân tộc H.Đăk Glei, cho biết đến nay người Châu đã tiến bộ rất nhiều. Ví như chuyện làng có người chết, ngày trước họ cữ đến 10 ngày mới đi rẫy. Ai đi rẫy, làng có bệnh tật, đau ốm, cháy làng… thì cả làng đổ hết cho người đó. Hoặc như nhà ai có tang gia, thì tự gia đình đó cõng đi chôn cất, dân làng không tham gia. "Giờ tang gia, hay ở cữ người chết, bà con đến giúp gia đình đưa tang, ngày cữ cũng giảm xuống.", bà Y Thi nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.