Thẳng thắn của từ chức

Lê Hiệp
Lê Hiệp
25/06/2020 04:32 GMT+7

Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có đơn gửi Bộ Chính trị và Ban Bí thư xin “thôi giữ chức vụ”, “nghỉ hưu trước tuổi”. Đó là chuyện xưa nay hiếm.

Hiếm bởi đây có lẽ là lần đầu tiên, cả bí thư tỉnh ủy lẫn chủ tịch UBND một tỉnh cùng lúc nộp đơn xin từ chức. Hiếm còn là bởi lý do mà cả bí thư lẫn chủ tịch đưa ra để xin từ chức là “nhằm tạo điều kiện để kiện toàn công tác nhân sự cho Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2020 - 2025 tổ chức vào thời gian tới”, theo khẳng định của chính ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi và lãnh đạo tỉnh này.
Chuyện sẽ chẳng có gì ồn ã nếu như không phải cả ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy, lẫn ông Trần Ngọc Căng vừa bị các cơ quan có thẩm quyền kỷ luật cảnh cáo với hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong công tác cán bộ, các dự án đầu tư, việc giao đất cho doanh nghiệp… xảy ra ngay tại địa phương này.
Quy định của T.Ư về trách nhiệm nêu gương nêu rõ, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành T.Ư phải gương mẫu đi đầu, chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ. Với những sai phạm và hình thức kỷ luật đã có, việc ông Chữ và ông Căng từ chức là đáng hoan nghênh, khi rõ ràng là các ông không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để đảm trách nhiệm vụ của mình. Thế nhưng, lý do mà ông bí thư và ông chủ tịch Quảng Ngãi đưa ra lại khiến dư luận rất khó cảm thông.
Thực tế thì lý do từ chức của các quan chức sau khi bị kỷ luật từ lâu đã trở thành câu chuyện gây nhiều tranh cãi.
Trước đó, vào năm 2018, sau khi bị Ban Bí thư quyết định kỷ luật Đảng bằng hình thức cách hết các chức vụ, bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, cũng đã gửi đơn xin thôi làm đại biểu Quốc hội vì “lý do sức khỏe”.
Tương tự, vào năm 2019, sau khi Ủy ban Kiểm tra có kết luận về những sai phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa, ông Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy, người được xác định phải chịu trách nhiệm chính, cũng có đơn xin nghỉ trước tuổi vì lý do “sức khỏe yếu”.
Cả bà Mỹ Thanh và ông Quang sau đó đều được đáp ứng nguyện vọng. Tuy nhiên, câu chuyện quan chức “xin nghỉ vì lý do sức khỏe sau khi bị kỷ luật” khiến nhiều người không đồng tình. Thậm chí, nhiều đại biểu Quốc hội ngay tại nghị trường còn khẳng định “bị kỷ luật mà lấy lý do sức khỏe để xin nghỉ là không trung thực với nhân dân”.
Thế nhưng, lý do sức khỏe có vẻ còn dễ thông cảm hơn là lý do được đưa ra trong trường hợp của ông Bí thư và ông Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi. Việc viện dẫn lý do “tạo điều kiện để kiện toàn công tác nhân sự đại hội Đảng bộ” giống như một cách bỡn cợt với dư luận, và chỉ chứng tỏ những cán bộ này thiếu sự thẳng thắn, không chỉ với nhân dân mà cả với bản thân mình.
Có lẽ, để từ chức trở thành một văn hóa, trước hết các quan chức phải có đủ dũng khí và sự thẳng thắn để viết một lá đơn xin từ chức với lý do không còn đủ năng lực, uy tín để đảm nhiệm nhiệm vụ mỗi khi bị kỷ luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.