Tháng 7 âm lịch: Cúng ‘cô hồn’ ngày nào và mâm cúng thế nào mới đúng?

12/08/2019 09:12 GMT+7

Theo quan niệm của người Việt, rằm tháng bảy là rằm lớn trong năm vì là ngày “xá tội vong nhân”. Lễ cúng như một hình thức làm phúc, an ủi những vong linh không nơi trú ngụ, không người thăm cúng (thường gọi là ‘cô hồn’).

Người Việt tin rằng, con người ai cũng gồm hai phần, đó là phần xác và phần hồn. Khi chết đi, phần xác trở về với cát bụi, xem như không còn tồn tại nhưng phần hồn thì vẫn còn đó. Linh hồn này đi đâu, về đâu là tùy thuộc vào nghiệp của từng người khi sống tạo nên.
Theo đó, nếu khi sống làm nhiều việc phúc đức, thiện lành thì sẽ sớm được đầu thai kiếp khác. Ngược lại, sống giả tạo, không lương thiện, tạo nhiều nghiệp thì linh hồn không thể siêu thoát mà vất vưởng ở trần gian. Hoặc những người khi chết không nhà cửa, không được cúng kiếng đàng hoàng cũng lang thang vất vưởng và trở thành “cô hồn”.

Vì sao lại cúng ‘cô hồn’ vào rằm tháng bảy?

Mọi người truyền miệng với nhau rằng, ngay từ ngày mùng 1 đến hết ngày 14 tháng 7 âm lịch, Diêm Vương cho lệnh mở Quỷ Môn Quan, sau 12 giờ đêm ngày 14 cửa được đóng lại, ma quỷ sẽ trở về lại âm ti. Do đó, người ta thường cúng từ mùng 1 tới 14.7 âm lịch.

Tháng 7 nhiều người đi lễ chùa để cầu an cho người sống, cầu siêu cho người đã khuất

Độc Lập

Theo một sư thầy tại chùa ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết, mọi gia đình đều sắm sửa mâm cúng cô hồn để cầu phúc cho gia đình mình, ban phát bố thí cho những linh hồn không nơi trú ngụ với mục đích không để những linh hồn này quấy nhiễu gia đình. Nhiều người còn cho rằng dịp này nên đến chùa phóng sinh cá, chim, rùa… như làm phước để giải bớt nghiệp.
Vị sư thầy cho biết, mọi người thường cúng cô hồn từ mùng 1 tới 14.7 âm lịch. Tuy nhiên, theo quan điểm của Phật giáo, điều quan trọng nhất là sự thành tâm của người cúng chứ không quan trọng chuyện cúng đúng ngày hay mâm cúng có gì.

Mâm cúng cô hồn nên có những gì?

Như đã nói ở trên, sự thành tâm của người cúng mới là điều quan trọng nhất. Theo TS Dương Hoàng Lộc (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM), phong tục cúng cô hồn ở mỗi nơi mỗi khác, đó là sự khác biệt về văn hóa. Nhưng mâm cúng cô hồn ở đâu cũng đều phải có cháo trắng nấu loãng. Sở dĩ như vậy là vì Phật giáo cho rằng cô hồn ngạ quỷ có yết hầu nhỏ như lỗ kim nên chỉ ăn được cháo loãng. Ngoài ra, mâm cúng còn có thêm muối, gạo, hạt nổ, bánh kẹo…

Một cảnh giật đồ cúng cô hồn ở TP.HCM

Mã Phong

Dịp này ở các chùa thường tổ chức nghi thức Trai đàn chẩn tế để bố thí thực phẩm, vật dụng cho cô hồn ngạ quỷ, đồng thời cho họ thính pháp văn kinh để nhờ đó hiểu lẽ vô thường của cuộc đời mà nhanh chóng siêu thoát: “Hễ ai lấy Phật làm lòng, Bỗng dưng siêu thoát ở trong luân hồi” như trong Văn tế Thập loại chúng sinh của Nguyễn Du đã nói.
"Trong Phật giáo, mục đích cúng cô hồn là để cho những vong linh được "thọ tài hưởng thực, thính pháp văn kinh, tốc xả u đồ, siêu sanh lạc quốc" tức cho họ trước được ăn uống để khỏi đói khát và sau thì nghe kinh được siêu thoát", TS Lộc cho biết.
Điều này cũng thể hiện tinh thần từ bi nhà Phật là thương xót những vong linh không nơi nương tựa nên rằm tháng bảy là dịp để giúp đỡ, cứu vớt họ. Tuy nhiên, dân gian cúng cô hồn để mong cho cô hồn sau khi ăn uống xong sẽ không còn quấy phá dương gian.
Phong tục cúng cô hồn ngày nay có khác hơn trước do đời sống kinh tế của con người ngày càng khấm khá hơn, làm ăn buôn bán càng lớn thì càng sợ rủi ro sẽ ảnh hưởng không tốt đến công việc. Vì vậy, trong tháng này, người ta bày mâm cúng cô hồn trước nhà phổ biến hơn trước.
Nhiều gia đình, công ty, xí nghiệp kinh doanh thì cúng rất lớn có cả heo sữa quay, gà vịt quay và rất nhiều vàng mã. Người ta tin rằng, cúng xong thấy càng nhiều người đến “giật” thì càng may mắn, xua đuổi được cô hồn. Còn mâm cúng ngày trước thì đơn giản hơn, chỉ có trái cây, cháo loãng, một ít muối gạo, nước, vàng mã.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.