Thận trọng tăng cán bộ, công chức phường ở TP.HCM

20/02/2024 08:25 GMT+7

Việc tăng cán bộ, công chức tại phường, xã đông dân, kinh tế sôi động ở TP.HCM là cần thiết; nhưng cần tính đến việc sáp nhập phường để tránh tình trạng dôi dư.

NHỮNG PHƯỜNG, XÃ NÀO ĐƯỢC THÊM NGƯỜI ?

UBND TP.HCM vừa phê duyệt đề án cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức (CBCC), người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn (gọi chung là phường) theo quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn.

Thận trọng tăng cán bộ, công chức phường ở TP.HCM- Ảnh 1.

Công chức làm việc tại UBND P.Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức, TP.HCM), địa bàn có khoảng 110.000 dân

Nguyên Vũ

Toàn TP.HCM có 312 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 249 phường, 58 xã và 5 thị trấn. Trong đó, có 52 phường, xã, thị trấn trên 50.000 dân, tập trung ở TP.Thủ Đức, Q.Bình Tân, Q.12, Q.Gò Vấp, H.Bình Chánh, H.Hóc Môn. Dân số tại các địa bàn này liên tục biến động, tỷ lệ dân số tăng cơ học hằng năm cao hơn tăng tự nhiên. Đây cũng là những nơi tập trung các khu công nghiệp, khu chế xuất và hoạt động kinh tế diễn ra với cường độ cao.

Theo UBND TP.HCM, các địa phương này cần tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, thoát nước, trường học, bệnh viện, khu lưu trú công nhân và quỹ đất dành cho xây dựng. Như vậy, đội ngũ CBCC, người hoạt động không chuyên trách công tác tại đây phải đủ số lượng để đảm đương nhiệm vụ quản lý nhà nước, giải quyết các yêu cầu của người dân và đảm bảo công tác an sinh - xã hội, trật tự xây dựng và an ninh trật tự.

Về hoạt động kinh tế, theo niên giám thống kê năm 2022, số cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp đang hoạt động trên địa bàn 312 phường, xã, thị trấn hơn 434.000. Trong đó, các ngành nghề có nhiều cơ sở nhất gồm bán buôn, bán lẻ, kinh doanh bất động sản, dịch vụ lưu trú và ăn uống… Bình quân mỗi phường trên địa bàn TP.HCM có 1.328 cơ sở kinh doanh, cá biệt như tại Q.1 có P.Bến Nghé (10.142 cơ sở), P.Đa Kao (7.956 cơ sở), P.Bến Thành (5.918 cơ sở); P.Võ Thị Sáu thuộc Q.3 (5.933 cơ sở); P.25 thuộc Q.Bình Thạnh (6.172 cơ sở).

Về số lượng tăng thêm cụ thể, ngoài số lượng theo quy định chung tại Nghị định 69/2020 của Chính phủ, TP.HCM tăng thêm 1 phó chủ tịch UBND đối với phường từ 50.000 dân trở lên, tối đa không quá 3 phó chủ tịch. Đối với phường từ 30.000 dân trở lên tăng 1 công chức; từ 50.000 dân trở lên tăng 2 công chức và 2 người hoạt động không chuyên trách; từ 100.000 dân trở lên thì tăng thêm 3 công chức và 3 người hoạt động không chuyên trách.

Ngoài ra, TP.HCM cũng sẽ tăng thêm 1 công chức và 1 người hoạt động không chuyên trách đối với phường đáp ứng được một trong các tiêu chí: đủ 2.000 cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trở lên; đủ 200 cơ sở kinh doanh ngành nghề có điều kiện trở lên; diện tích tăng thêm đủ 100% tiêu chuẩn. Với đề án này, TP.HCM sẽ tăng thêm 52 phó chủ tịch cấp xã, tăng 260 công chức và 198 người hoạt động không chuyên trách.

THÊM NGƯỜI, BỚT ÁP LỰC

Việc tăng phó chủ tịch phường và CBCC, người hoạt động không chuyên trách là một trong các cơ chế được Quốc hội cho phép TP.HCM áp dụng tại Nghị quyết 98/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Đến tháng 9.2023, HĐND TP.HCM thông qua nghị quyết triển khai việc bổ sung một phó chủ tịch UBND TP.Thủ Đức, H.Nhà Bè, H.Hóc Môn, H.Củ Chi, đồng thời tăng thêm một phó chủ tịch UBND đối với phường, xã, thị trấn trên 50.000 dân.

Theo khảo sát của PV Thanh Niên, nhiều địa phương đã bổ sung nhân sự thông qua bổ nhiệm đối với TP.Thủ Đức và các quận, hoặc bầu cử thông qua cơ chế HĐND đối với các huyện. Đơn cử như tại H.Bình Chánh, 4 xã đông dân gồm Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Hưng và Tân Kiên đã hoàn thành bầu phó chủ tịch UBND xã. Ông Phan Văn Lý, Phó chủ tịch UBND xã Tân Kiên, được bầu từ đầu tháng 12.2023 khi đang là chuyên viên Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bình Chánh. Xã Tân Kiên có hơn 60.000 dân, quy định chung được 2 phó chủ tịch UBND phụ trách kinh tế - đô thị và văn hóa - xã hội. Sau khi được bầu làm phó chủ tịch, ông Lý được phân công mảng kinh tế và môi trường.

Hiệu quả thấy rõ nhất sau hơn 2 tháng, theo ông Lý, đó là các nhân sự chủ chốt của xã được san sẻ công việc, có thêm thời gian đi cơ sở, giải quyết nhanh hồ sơ, người dân ít phải chờ đợi hơn trước.

TP.Thủ Đức cũng bổ sung 7 phó chủ tịch phường từ cuối năm 2023, trong đó có P.Hiệp Bình Chánh hơn 110.000 dân. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND P.Hiệp Bình Chánh, cho biết phó chủ tịch phường được bổ sung nguyên là Phó bí thư Thành đoàn Thủ Đức. Sau khi nhận nhiệm vụ, nhân sự mới đã bắt tay ngay vào công việc, tiếp cận địa bàn và công việc mới.

Chủ tịch UBND P.Hiệp Bình Chánh cũng cho biết phường đang chờ được bố trí thêm biên chế công chức và người làm việc không chuyên trách theo đề án mới được UBND TP.HCM thông qua. Có thêm nhân sự giúp phường giải quyết kịp thời hồ sơ của người dân, đồng thời có thêm nhân sự về công nghệ thông tin giúp công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết hồ sơ công việc được hiệu quả hơn.

Ở khu vực ngoại thành, Q.Bình Tân có 10 phường thì đến 9 phường trên 50.000 dân, trong đó có 6 phường trên 75.000 dân và 1 phường trên 100.000 dân. Ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND Q.Bình Tân, cho biết đến nay quận đã hoàn thành việc bổ nhiệm phó chủ tịch đối với các phường trên 50.000 dân. Nguồn cán bộ bổ nhiệm từ phòng ban chuyên môn của quận, các ban Đảng thuộc quận ủy và từ nguồn tại chỗ. "Các nhân sự được bổ nhiệm nắm bắt công việc rất tốt", ông Nhựt nói thêm.

Riêng việc tăng CBCC và người hoạt động không chuyên trách tại các phường đông dân, ông Nhựt cho biết đang chờ thông báo mới của UBND TP.HCM rồi sẽ thực hiện.

Trao đổi với Thanh Niên về thời điểm bổ sung biên chế cho phường, xã đông dân, hoạt động kinh tế sôi động, đại diện Sở Nội vụ cho biết dự kiến UBND TP.HCM sẽ trình đề án cho HĐND TP.HCM xem xét thông qua và áp dụng ngay trong quý 1/2024.

TÍNH ĐƯỜNG DÀI KHI SÁP NHẬP PHƯỜNG

Cũng tại TP.HCM, sắp tới có nhiều phường thuộc diện sáp nhập nên một số quận khá thận trọng trong việc tăng thêm nhân sự. Đơn cử như tại Q.Gò Vấp, dù có 8 phường trên 50.000 dân nhưng địa phương chưa bổ nhiệm thêm phó chủ tịch UBND phường.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND Q.Gò Vấp, cho biết trong phương hướng của quận về việc tăng phó chủ tịch phường sẽ đề xuất thực hiện chậm lại để tính luôn việc bố trí lãnh đạo các phường trong đợt sáp nhập phường sắp tới. Cụ thể, trong giai đoạn 2023 - 2030, Q.Gò Vấp có 8 phường không đủ diện tích và dân số thuộc diện sáp nhập. Quận đã xây dựng phương án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã còn 4 phường phải sắp xếp trong giai đoạn này.

Ông Dũng nhìn nhận việc chưa tăng thêm một phó chủ tịch phường ở thời điểm hiện tại không ảnh hưởng nhiều đến việc điều hành, giải quyết hồ sơ của người dân, doanh nghiệp do các phường đông dân có 2 phó chủ tịch vẫn làm tốt nhiệm vụ trong thời gian qua.

Chưa kể, nếu muốn tăng thêm phó chủ tịch cho phường trên 50.000 dân thì cần phải trống biên chế hoặc được giao thêm vào đầu năm 2024. Nhưng nếu trước mắt chỉ bổ nhiệm phó chủ tịch mới mà không tính đến chuyện để dành vị trí bố trí lại cho lãnh đạo các phường diện sáp nhập thì cũng sẽ có nhiều khó khăn trong công tác cán bộ ở các phường vốn đang rất cần được quan tâm cả về tình và lý. Tương tự, việc tăng công chức và người hoạt động không chuyên trách cũng cần đặt trong tổng thể chung về kế hoạch sáp nhập các phường sắp tới.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND Q.Gò Vấp, cho biết trong buổi làm việc gần đây với Sở Nội vụ, Q.Gò Vấp cũng đã báo cáo việc chưa tăng phó chủ tịch phường do đã hết biên chế và gắn với đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính. Do vậy, quận đề xuất trong dịp đầu năm 2024, UBND TP.HCM giao biên chế cho UBND quận thì quận sẽ giao lại biên chế cho từng phường và có tính đến biên chế cho chức danh phó chủ tịch tăng thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.