‘Thần dược’ giúp tuyển Ma Rốc trước cuộc đụng độ Tây Ban Nha

Tây Nguyên
Tây Nguyên
06/12/2022 19:19 GMT+7

Bí quyết thành công của tuyển Ma Rốc tại World Cup 2022 được cho là đến từ cha mẹ cầu thủ đã tham gia cùng họ tại giải đấu, theo tờ Al Jazeera .

Sau khi Ma Rốc gây chấn động thế giới bóng đá bằng cách đánh bại ứng viên vô địch sáng giá Bỉ với tỷ số 2-0 trong lượt trận 2 bảng F, hậu vệ cánh của PSG, Achraf Hakimi, đã tiến đến chỗ mẹ anh trên khán đài. Cái ôm và cái véo má Hakimi sau đó của cha mẹ anh đã lan truyền khắp các nền tảng mạng xã hội. Cầu thủ bóng đá 24 tuổi sau đó đã đăng lên Instagram một bức ảnh anh hôn lên trán mẹ mình với chú thích: “Con yêu mẹ”. Nhưng cha mẹ của Hakimi không phải là “phụ huynh bóng đá” Ma Rốc duy nhất tới Qatar để cổ vũ cho con trai mình tại World Cup 2022.

Hậu vệ tuyển Ma Rốc Achraf Hakimi (phải) được mẹ ôm và hôn khi kết thúc trận đấu bảng F World Cup 2022 với Bỉ

AFP

Tình yêu gia đình

Theo chỉ thị của HLV Walid Regragui và chủ tịch Liên đoàn bóng đá Hoàng gia Ma Rốc Fouzi Lekjaa, các người thân gia đình được tất cả các thành viên đội tuyển Ma Rốc chọn sẽ được hưởng một chuyến đi trọn gói tới Qatar. Do đó, nơi ở của tuyển Ma Rốc tại khách sạn Wyndham Doha West Bay đôi khi giống như một trại hè đáng yêu do cha mẹ các cầu thủ điều hành. Đối với một số người, như mẹ của HLV Regragui, Fatima, chuyến đi là cơ hội ngàn năm có một.

“Trong suốt sự nghiệp cầu thủ và HLV của con trai, tôi chưa bao giờ đến xem con thi đấu. Tôi đã sống ở Pháp hơn 50 năm nay và đây là giải đấu đầu tiên mà tôi rời Paris để tham gia cổ vũ cho con”, bà Fatima nói với kênh thể thao Arriyadia của Ma Rốc.

Tuyển Ma Rốc gây ấn tượng ở vòng bảng

AFP

Cha mẹ của tiền vệ Abdelhamid Sabiri là kiểu người thích chụp ảnh. Họ dành vài ngày lang thang quanh khách sạn, chụp ảnh lưu niệm với tiền vệ Hakim Ziyech của Chelsea, thủ môn Yassine Bono của Sevilla, và tất nhiên, cả HLV Regragui.

Ngoài các bài đăng ấm áp trên mạng xã hội, việc tạo ra năng lượng tích cực là một phần trong chiến lược của HLV Regragui nhằm đạt được những lợi thế vô hình sẽ chuyển hóa trên sân cỏ. Chiến lược gia này đã nói như vậy: “Thành công của chúng tôi không thể đạt được nếu không có hạnh phúc của cha mẹ chúng tôi”.

Tuyển Ma Rốc không phải là ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch tại World Cup 2022, nhưng với việc lọt vào vòng 16 đội lần đầu tiên kể từ năm 1986, đã mang lại cho người hâm mộ và gia đình vô cùng phấn khích. Họ đã nổi lên như một đội mà nhiều người trung lập cũng ủng hộ khi chứng kiến những cảnh thể hiện tình cảm của mẹ con nnà Hakimi. Nhưng có một yếu tố khác được xem là liều thuốc kỳ diệu của tuyển Ma Rốc: những đoàn người hâm mộ Ma Rốc đã biến các sân vận động tại Qatar thành ngôi nhà thứ 3 của họ.

Có lợi thế như trên sân nhà

Ít nhất 15.000 người Ma Rốc sống ở Qatar và vài nghìn người khác, từ khắp nơi trên thế giới, đã tham dự kỳ World Cup đầu tiên do một quốc gia Ả Rập đăng cai tổ chức, tạo ra bầu không khí áp đảo đối với các nhóm CĐV đối thủ trong mỗi trận đấu vòng bảng của họ.

Đông đảo CĐV tại Qatar là liều thuốc tinh thần cho tuyển Ma Rốc

AFP

Có lẽ ví dụ thích hợp nhất về sự cổ vũ của đội nhà giúp đỡ “Những chú sư tử Atlas” đến trong những phút cuối của trận đấu với Bỉ. Sau khi dẫn trước 1-0 ở thời điểm trận đầu còn 15 phút, Ma Rốc chuẩn bị hứng chịu áp lực từ Bỉ và tổ chức phản công. Nếu World Cup diễn ra ở châu Âu hoặc Nam Mỹ, nơi sẽ có ít CĐV quê nhà tham dự hơn rõ rệt, thì 15 phút còn lại có thể giống như 1 giờ đồng hồ. Thay vào đó, một loạt tiếng huýt sáo và hô dội xuống các cầu thủ Bỉ tại sân Al Thumama bất cứ khi nào họ kiểm soát bóng. Và những tiếng gầm vang nổ ra từ khán đài mỗi khi bóng được phá ra. “Nếu không CĐV ở đây, chúng tôi đã không thể tiến vào vòng tiếp theo!”, HLV Regragui thốt lên sau trận đấu cuối cùng của vòng bảng (thắng Canada 2-1 để đứng đầu bảng F).

Kết hợp áp lực mà những người hâm mộ Ma Rốc đã giảm bớt đối với phe CĐV đối lập ở Qatar với bằng chứng khoa học chỉ ra mức testosterone cao hơn mà các đội chủ nhà được hưởng, và phía đội Bắc Phi đã có rất nhiều lời cảm ơn cho những người hâm mộ của họ. Chắc chắn, điều đó không làm mất đi chất lượng của chính các cầu thủ, những người đã vượt trội so với các đội Ả Rập khác tại World Cup lần này. Nhưng trước cuộc đụng độ ở vòng 16 đội với Tây Ban Nha diễn ra lúc 22 giờ tối nay (6.12), nhu cầu mua vé cao đến mức Liên đoàn Bóng đá Ma Rốc đã mua thêm 5.000 vé cho những người hâm mộ.

Khoác trên mình những lá cờ quốc gia và trang bị trống cốc darbuka, những CĐV Ma Rốc có thể sẽ biến sân Education City thành một thánh địa của mình trước Tây Ban Nha.

Dựa vào người di cư

Sau khi đối đầu với Bỉ, Ma Rốc sẽ đấu với một quốc gia Tây Âu thứ 2 có cộng đồng người Ma Rốc đông đảo. Tổng cộng, 137 cầu thủ tại World Cup 2022 đại diện cho một quốc gia khác với quốc gia mà họ sinh ra. Điều đó cũng xuất hiện trong tuyển Ma Rốc, 14 trong số 26 cầu thủ trong đội của HLV Regragui, khiến họ trở thành quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào tài năng người nước ngoài trong số 32 đội tuyển thi đấu tại Qatar.

HLV Regragui đang thành công với cách cầm quân của mình

AFP

Tuy nhiên, trong khi về mặt lý thuyết, một kịch bản như vậy có thể làm phức tạp hóa phản ứng về giao tiếp trong đội, vì các cầu thủ có nền tảng giáo dục khác nhau, nhưng sự khác nhau về nơi sinh này dường như lại phát huy tác dụng đối với tuyển Ma Rốc. Theo cha mẹ của các cầu thủ, một lý do là: Những người ở hải ngoại có thể thậm chí còn hâm mộ tuyển Ma Rốc hơn một số người ở quê nhà. Tại Wyndham (Úc) tuần trước, nhiều bậc cha mẹ của các cầu thủ đã khoe khoang về niềm đam mê của con cái họ đối với đội tuyển quốc gia và quyết định đại diện cho Ma Rốc thay vì tìm cách chơi cho đất nước nơi họ sinh ra.

Cha của tiền đạo Zakaria Aboukhlal, ông Tarek, cho biết: “Con tôi sinh ra ở Hà Lan, và có mọi thứ cần ở đó, nhưng dòng máu của chúng tôi là Ma Rốc”. Cha của tiền vệ Bilal el-Khannouss thậm chí còn sắc sảo hơn khi giải thích lý do tại sao cậu con trai sinh ra ở Bỉ của ông lại chọn chơi cho Ma Rốc: “Trái tim của con tôi đã mách bảo nó”.

Ngay sau khi giành quyền vào vòng 16 đội, HLV Regragui, người sinh ra ở Pháp, thừa nhận rằng ông đã nghĩ đến World Cup 1986, khi đội lần cuối cùng vượt qua vòng bảng. “Lúc đó tôi đang sống ở vùng ngoại ô nước Pháp, và khi Ma Rốc đánh bại Bồ Đào Nha, đó là điều hạnh phúc nhất mà tôi từng có trong đời”, nhà cầm quân này chia sẻ. Bây giờ đội của ông đang trên đà leo lên một tầm cao mới: Một suất vào tứ kết World Cup sẽ là điều chưa từng có.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.