Tham nhũng ở nhiều nơi nhưng khoanh lại như khoanh dịch thì chưa ổn

09/11/2017 20:14 GMT+7

Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính cho rằng tham nhũng đang xảy ra trong nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành mà chỉ khoanh lại một số vùng để chống là chưa ổn.

Theo ông Phạm Minh Chính, một trong những vấn đề lớn của dự thảo luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đang gây ra sự tranh cãi là nên mở rộng hay thu hẹp diện cán bộ có nghĩa vụ kê khai, mà bản thân ông cũng thấy còn nhiều điểm băn khoăn.
“Tham nhũng diễn ra nhiều cấp, ngành, nhiều lĩnh vực, len lỏi trong cuộc sống và không chừa chỗ nào. Chúng ta thấy rằng biện pháp kê khai chưa hiệu quả, còn hình thức và việc chống tham nhũng thời gian qua không hiệu quả có nguyên nhân lớn do hệ thống chính trị chưa thực sự quyết liệt”, ông Chính nói và đặt vấn đề: “Nếu thu hẹp diện kê khai khi cả hệ thống hoạt động không hiệu quả thì cũng khó mà ngăn chặn và ngược lại mở rộng thì càng sơ hở”.
Đề cập đến việc dự thảo luật đưa ra quy định nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập chỉ áp dụng với đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên ở T.Ư, từ 0,9 trở lên ở địa phương, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư lưu ý bất cứ cán bộ, công chức hay viên chức có quyền thì đều phát sinh nguy cơ tham nhũng, đặc biệt tham nhũng “vặt” đã và đang gây ra bức xúc lớn cho người dân.
“Tham nhũng đang phát triển ở nhiều nơi mà chúng ta khoanh lại như khoanh dịch như thế này là chưa ổn”, ông Phạm Minh Chính nêu, đồng thời cho rằng ông nghiêng về phương án mở rộng các đối tượng phải kê khai theo nguyên tắc luật sẽ phải phủ kín mọi mặt trong cuộc sống. Còn việc quản lý đối tượng sau này sẽ có sự phân cấp trong từng ngành, lĩnh vực.

tin liên quan

Cần cơ chế mới giám sát kê khai tài sản
Việc phát hiện nhiều trường hợp quan chức kê khai tài sản không trung thực cho thấy cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ có rất nhiều vấn đề.
Trưởng Ban Tổ chức T.Ư cũng lo ngại việc dự thảo luật thiết kế trao quyền điều tra tham nhũng cho cơ quan thanh tra, kiểm toán. Theo ông, điều này không phù hợp, bởi hệ thống chính trị đã phân định rõ ràng các cơ quan hành pháp, tư pháp, việc giao quyền sẽ dẫn đến nhiều cơ quan cùng làm, nhưng không ai chịu trách nhiệm chính, trong khi Nghị quyết T.Ư 6 cũng đã nêu rõ một việc chỉ giao cho một cơ quan chịu trách nhiệm chính.
Mặt khác, ông Phạm Minh Chính cũng nêu ra nhiều thông tin qua việc giám sát bộ máy nhà nước cho thấy, mỗi khi có một luật chuyên ngành ra đời quy định về cơ cấu tổ chức khiến bộ máy nhà nước phình ra, cồng kềnh, chồng chéo nhiều tầng nấc. “Sinh ra tổ chức bộ máy lại sinh ra lương bổng, phương tiện, chế độ... đặc biệt không giảm được chi thường xuyên vốn có tác động trực tiếp và gián tiếp đến tình hình tham nhũng. Như vậy, chúng ta sẽ rất khó mà chống”, ông Chính nêu quan điểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.