Thảm nạn ở vùng cao Quảng Nam: Cuộc tìm kiếm đẫm nước mắt

31/10/2020 06:38 GMT+7

Thêm một ngày lực lượng cứu hộ cứu nạn căng mình tìm kiếm những nạn nhân mất tích sau vụ sạt lở kinh hoàng ở vùng cao Quảng Nam.

Sáng sớm 30.10, nhóm PV Thanh Niên quay trở lại hiện trường vụ sạt lở tại thôn 1, xã Trà Leng, H.Nam Trà My (Quảng Nam), sau một đêm tạm “rút quân” về trung tâm H.Bắc Trà My, nơi đặt Sở chỉ huy tiền phương.
Nhưng khi vừa qua khỏi đập thủy điện Sông Tranh 2 hướng về hiện trường được chừng 1 cây số, lối đi bị chặn ngang bởi vừa có thêm điểm sạt lở mới. Điểm này vừa được giải phóng hôm trước, chỉ sau một đêm đã sạt lở trở lại…

Những nước mắt tuyệt vọng đầy ám ảnh trong thảm nạn sạt lở ở Trà Leng

“Nhẹ tay nhé các đồng chí !”

Con đường dẫn vào ngôi làng nhỏ dưới nóc Ông Lục (thôn 1, xã Trà Leng) như bị “san bằng” bởi khối đất đá khổng lồ. Vượt qua vực sâu đầy bùn lầy ngập đến đầu, nơi lũ ống vừa quét qua, chúng tôi không dám bước mạnh chân vì bên dưới vẫn còn nhiều người mất tích… Hàng chục ngôi nhà, từng bình yên dưới chân núi đẹp, giờ đây là đống đổ nát. Nhiều người thoát chết, gương mặt thất thần, lại đang ngồi chờ tin từ lực lượng cứu hộ cứu nạn (CHCN) đang tất bật ngoài kia.
Lực lượng cứu nạn cật lực đào bới đất đá tìm nạn nhân bị vùi lấp ở xã Trà Leng, H.Nam Trà My ẢNH: HOÀNG SƠN

Lực lượng cứu nạn cật lực đào bới đất đá tìm nạn nhân bị vùi lấp ở xã Trà Leng, H.Nam Trà My

ẢNH: ĐỘC LẬP

Trả lời PV Thanh Niên khi đang trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm, CHCN tại hiện trường, thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến (Phó tư lệnh Quân khu 5) cho biết các phương án mới liên tục được đề ra vì yếu tố thời tiết. Tham gia CHCN có 500 cán bộ, chiến sĩ gồm các lực lượng như Công binh, Thông tin, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam, Ban chỉ huy quân sự các huyện Nam Trà My, huyện Bắc Trà My cùng lực lượng công an, dân quân tự vệ và người dân địa phương.

Sáng 31.10, nỗ lực tìm kiếm những người mất tích vì sạt lở ở Trà Leng

Lẫn trong tiếng động cơ xe cơ giới, thi thoảng có tiếng gọi nhắc: “Cẩn thận, nhẹ tay nhé các đồng chí!”. Dùng tay cẩn thận móc từng viên gạch vùi trong bùn đất, chiến sĩ Trần Minh Hiếu (21 tuổi, quê H.Núi Thành, công tác ở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam) cùng đồng đội không dám dùng đến cuốc khi phát hiện có thi thể. Lúc 10 giờ 50, thi thể thứ 2 trong ngày tìm kiếm hôm qua được tìm thấy trong tình trạng gỗ lớn đè lên, đất đá vùi lấp sâu. Như vậy, hiện vẫn còn 12 nạn nhân mất tích… “Chúng tôi dùng tay không để từ từ nâng những cục đá cũng như cào những lớp đất nhão nhoẹt sang một bên. Đào bới nhẹ nhàng, vì ở dưới lớp đất ấy là người dân gặp nạn, tội nghiệp”, chiến sĩ Hiếu chia sẻ.
Hàng trăm bàn tay đã cùng đào bới liên tục để đưa thi thể lên cáng. Họ cũng làm vệ sinh cho những người xấu số. Thay đôi găng tay vải đẫm bùn đất, chiến sĩ Hiếu cùng 5 đồng đội trẻ khác thay găng tay cao su để rửa tử thi. Họ nhẹ nhàng “chăm sóc” nạn nhân lần cuối trước khi chuyển đến phần mộ chờ sẵn…

Toàn cảnh thiệt hại thảm khốc vì bão số 9 càn quét miền Trung

Nỗi đau câm lặng

Lực lượng hậu cần cũng dựng ngay bếp công vụ giữa rừng. Họ là tuyến sau của lực lượng CHCN, họ cũng vào vai của những người an ủi các thân nhân đang hoảng loạn hoặc nạn nhân may mắn thoát chết. Trung tá Võ Chí Bắc, Phó chủ nhiệm hậu cần, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam, cho hay ngoài việc nuôi quân, lực lượng hậu cần còn phân công những chiến sĩ bưng cơm khắp làng để chăm sóc người dân. “Thương tâm nhất là những đứa nhỏ ánh mắt ngây ngô không biết thảm họa vừa quét qua làng mình. Người lớn thì thất thần vì nỗi mất mát quá lớn. Chúng tôi chia phần ăn, bánh chưng để họ chống đói chờ tin người thân. Cũng chỉ có thể làm được như vậy…”, trung tá Bắc nghẹn ngào.
Cùng chồng thắp nhang lên từng ụ đất trong vô vọng, đôi chân nữ giáo viên Lê Thị Duyên (trú H.Bắc Trà My) run run vì không biết ở đâu bên dưới lớp đất đá này là nơi anh trai của chị (ông Lê Hoàng Việt, Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng) bị chôn vùi. Chị Duyên kể ngày bão số 9 đổ bộ (28.10 - PV), sau khi thông báo cho bà con trong xã di tản tìm nơi an toàn trú ẩn, ông Việt đón thêm nhiều người dân trong làng đến nhà mình để trú bão. Lúc lũ ống khủng khiếp bắt đầu xé núi đổ về, ông Việt còn vội chạy ra khỏi nhà ghi hình ảnh để báo cáo lên cấp trên. Cũng chính lúc này, ông bị lũ cuốn
Đến khoảng 18 giờ hôm qua, mưa bắt đầu nặng hạt. Dù đã chuẩn bị nhiều phương án xuyên đêm thứ 2, nhưng theo yêu cầu của Sở chỉ huy tiền phương, lực lượng CHCN rút khỏi hiện trường để hôm nay (31.10) tiếp tục tìm kiếm.

Nín thở vì sự khủng khiếp của siêu bão Goni - cơn bão mạnh nhất thế giới năm 2020

Báo Thanh Niên tiếp tục hỗ trợ khẩn cấp các nạn nhân

Chiều 30.10, đại diện Báo Thanh Niên tại Quảng Nam đã đến Trung tâm y tế H.Bắc Trà My (Quảng Nam) trao 24 triệu đồng cho 8 nạn nhân (3 triệu đồng/người) may mắn thoát chết trong vụ sạt lở núi ở thôn 1, xã Trà Leng. Trong số 8 nạn nhân đang được điều trị, có trường hợp chị Hồ Thị Diệu (28 tuổi) mất cùng lúc 3 người con (con lớn nhất 13 tuổi, nhỏ nhất mới hơn 2 tháng tuổi); các con của chị bị đất đá chôn vùi khi đang được gửi bên nhà hàng xóm.
Vợ chồng chị cùng đứa con gái hơn 2 tuổi may mắn thoát chết. PV Thanh Niên cũng đã trao 5 triệu đồng hỗ trợ cho cụ Hồ Văn Đề trước mất mát đặc biệt lớn (gia đình có 8 người chết và mất tích). Đây là khoản hỗ trợ khẩn cấp do bạn đọc đóng góp với mong muốn góp phần xoa dịu nỗi đau.
Mạnh Cường - Hoàng Sơn 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.