Tham khảo quy hoạch thành phố thông minh Singapore

Mai Hà
Mai Hà
10/02/2023 07:33 GMT+7

Chiều 9.2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm Triển lãm quy hoạch quốc gia thông minh Singapore.

Thủ tướng tham quan mô hình toàn cảnh Singapore (Island-wide model) và nghe lãnh đạo Cơ quan Phát triển đô thị Singapore (URA) giới thiệu về quá trình phát triển của Singapore với tư cách là một quốc gia thành phố; các vấn đề quan trọng như quy hoạch và sử dụng đất, phát triển nhà ở cho người dân.

Tham khảo quy hoạch thành phố thông minh Singapore - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan quy hoạch thành phố thông minh của Singapore

NHẬT BẮC

Hiện có khoảng 90% người dân Singapore sở hữu nhà ở; phần lớn sống trong các căn hộ chung cư. Trong 20 năm qua, Singapore cố gắng không tập trung hóa các khu văn phòng. Các khu văn phòng, sản xuất được kết nối qua mạng lưới tàu điện ngầm dày đặc. Singapore có hệ thống đường sắt 200 km, kế hoạch mở lên 380 km. Nếu đạt được mục tiêu này, 85% khu dân cư nhà ở sẽ được kết nối với đường sắt.

Thủ tướng cũng tham quan Triển lãm thành phố thông minh Singapore và nghe lãnh đạo Cơ quan Quốc gia thông minh Singapore giới thiệu về việc ứng dụng công nghệ cho thành phố và cung cấp các dịch vụ cho người dân. Với diện tích hơn 700 km2 và dân số trên 5,5 triệu người, Singapore giữ vị trí mô hình "thành phố thông minh" nhất thế giới trong nhiều năm liên tiếp.

Theo "Sáng kiến quốc gia thông minh" do Thủ tướng Lý Hiển Long đề ra cuối năm 2014, Singapore bắt tay xây dựng "thành phố của tương lai". Cơ quan Quốc gia thông minh Singapore được thành lập theo sáng kiến này nhằm khai phá và phát huy các tiềm năng trong lĩnh vực số, phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số, mang lại lợi ích cho người dân.

Trao đổi với lãnh đạo URA và Cơ quan Quốc gia thông minh Singapore, Thủ tướng nêu 2 câu hỏi về triết lý quy hoạch của Singapore, cũng như yếu tố quyết định để xây dựng thành công thành phố thông minh.

Về triết lý quy hoạch, lãnh đạo URA cho biết trong quy hoạch, Singapore xác định tầm nhìn dài hạn, có những quy hoạch tính tới mục tiêu xa 50 năm và cả bộ máy sẽ phải làm gì, vận động thế nào để đạt mục tiêu đề ra. Thủ tướng cho biết VN cũng đang thực hiện theo hướng này; với quan điểm quy hoạch phải có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, dài hạn, đồng thời phải hết sức linh hoạt, phù hợp tình hình, không cứng nhắc.

Lãnh đạo Cơ quan Quốc gia thông minh Singapore chia sẻ thêm, yếu tố quyết định thành công là phải giải quyết được những vấn đề của người dân, xem họ cần gì; công nghệ đã có nhưng phải làm thế nào để người dân muốn sử dụng và sử dụng được. Tán thành quan điểm này, Thủ tướng cho biết VN xác định người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực trong quá trình phát triển; căn cứ nhu cầu của người dân để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, xây dựng chính phủ số, phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số.

Việt Nam khuyến khích phát triển tài chính xanh


Chiều 9.2, Thủ tướng đã tiếp ông Simon Cooper, Tổng giám đốc phụ trách khối doanh nghiệp, thương mại và các định chế; ông Patrick Lee, Tổng giám đốc khu vực Singapore, thị trường ASEAN và các văn phòng đại diện của Ngân hàng Standard Chartered.


Ông Cooper bày tỏ mong muốn hợp tác với VN thực hiện thành công thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), phối hợp với Liên minh tài chính Glasgow về phát thải ròng bằng 0… Ông đánh giá VN là một trong những quốc gia cam kết mạnh mẽ nhất về biến đổi khí hậu. Các đối tác rất quan tâm và tin tưởng vào VN, vấn đề là biến sự quan tâm này thành các dự án cụ thể. Ông Cooper cũng bày tỏ nhất trí với các ý kiến của Thủ tướng về phát triển năng lượng tái tạo, nhất là về giá điện phù hợp với người dân.


Thủ tướng cho biết, trong giai đoạn tới, Chính phủ VN ưu tiên và khuyến khích phát triển tài chính xanh, bền vững, đặc biệt là thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh nhằm hỗ trợ thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 của VN và thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. VN cũng đã đạt được thỏa thuận JETP với các quốc gia đối tác phát triển. Đây là thỏa thuận rất quan trọng với nỗ lực của các bên.


Theo Thủ tướng, VN có nhiều lợi thế để phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Tuy nhiên, vấn đề điện cần xem xét tổng thể 5 nội dung, gồm: nguồn điện, tải điện, phân phối, sử dụng và giá điện phù hợp.


Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Standard Chartered và các đối tác tiếp tục nghiên cứu giải pháp huy động, thúc đẩy và cung cấp các sản phẩm tài chính cho các dự án xanh, năng lượng tái tạo tại VN trong thời gian tới. Trong đó, có lãi suất ưu đãi cho các nhà đầu tư vào VN, phù hợp với điều kiện VN là một nước đang phát triển, còn nhiều khó khăn, nền kinh tế đang chuyển đổi nhưng phải gánh vác các nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu như các nước phát triển.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.