Thảm họa động đất tại Afghanistan

24/06/2022 07:05 GMT+7

Trận động đất vào ngày 22.6 là thảm họa to lớn giáng xuống Afghanistan, quốc gia vốn đang trong cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo trầm trọng.

Tính đến tối qua 23.6, nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn vẫn tiếp tục diễn ra tại miền đông Afghanistan sau trận động đất trước đó một ngày làm hơn 1.000 người thiệt mạng và hơn 1.500 người khác bị thương. Con số thương vong dự kiến còn tăng thêm vì nhiều khu vực bị ảnh hưởng nằm ở những vùng xa xôi.

Nhà cửa bị thiệt hại tại tỉnh Paktika

AFP

3.000 ngôi nhà bị phá hủy

Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), trận động đất mạnh 5,9 độ Richter có tâm chấn ở độ sâu 10 km tại vị trí cách TP.Khost khoảng 46 km. Người dân tại thủ đô Kabul cách đó khoảng 200 km và hai nước láng giềng IranPakistan cũng cảm nhận được sự rung lắc nhưng khu vực chịu ảnh hưởng lớn nhất là hai tỉnh Khost và Paktika ở miền đông Afghanistan, giáp với Pakistan. Động đất xảy ra vào rạng sáng 22.6 khi nhiều người còn đang ngủ trong nhà. Reuters đưa tin ước tính có khoảng 3.000 ngôi nhà bị phá hủy. Nhiều ngôi nhà trong khu vực được xây dựng rất thô sơ bằng bùn đất và gỗ nên dễ bị sập, đặc biệt là trận động đất xảy ra trong mùa mưa.

Những hình ảnh từ hiện trường cho thấy vô số những ngôi nhà bị đổ sập ở những vùng đồi núi và người dân tại một ngôi làng đào những cái hố dài để chôn cất nạn nhân, theo AFP. Tại nhiều vùng, người dân phải ngủ ngoài trời lạnh vì không còn chỗ trú trong khi các bệnh viện trở nên quá tải vì thiếu thốn nhiều thứ.

Afghanistan tang thương khi 1.000 người thiệt mạng vì động đất

Ông Mohammad Yahya Wiar, Giám đốc Bệnh viện Sharan tại Paktika, cho biết: “Đất nước nghèo và thiếu nguồn lực. Đây là một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Nó giống như trận sóng thần”.

Afghanistan và các vùng ở Nam Á thường xảy ra động đất vì là khu vực chịu tác động của hai mảng kiến tạo va vào nhau, theo Reuters. Các trận động đất thường gây thương vong lớn do xảy ra ở những vùng xa xôi, cơ sở hạ tầng kém phát triển. Theo số liệu của chính phủ Mỹ, đây là trận động đất gây nhiều người chết nhất tại Afghanistan trong 20 năm qua.

Ông Mohammad Anwar Haneef, điều phối viên của Tổ chức Chăm sóc quốc tế tại Afghanistan, mô tả tình hình rất tệ khi hầu hết các cơ quan viện trợ quốc tế đã rời đi từ khi Taliban lên nắm quyền hồi tháng 8.2021, trong khi nguồn lực trong nước lại rất hạn chế và xe cứu thương cùng trực thăng không dễ tiếp cận được các vùng bị ảnh hưởng do địa hình và thời tiết. Phát ngôn viên Mohammad Ismail Muawiyah của chỉ huy quân sự Taliban tại Paktika nói không thể liên lạc với khu vực bị ảnh hưởng vì sóng điện thoại quá yếu.

Trong động thái hiếm hoi, lãnh đạo tối cao Haibatullah Akhundzada của Taliban, người gần như chưa từng xuất hiện trước công chúng, kêu gọi cộng đồng quốc tế và các tổ chức nhân đạo giúp đỡ nhân dân Afghanistan bị ảnh hưởng bởi thảm họa lớn này.

Khủng hoảng trầm trọng

Trận động đất xảy ra giữa thời điểm Afghanistan đang chìm sâu trong cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo tồi tệ sau nhiều năm xung đột và hạn hán. Từ khi Taliban quay lại cầm quyền, Mỹ và đồng minh đóng băng khoảng 7 tỉ USD dự trữ ngoại hối của Afghanistan và cắt luôn nguồn tài trợ quốc tế, theo CNN. Nền kinh tế Afghanistan do đó càng thêm khủng hoảng với hàng triệu người thất nghiệp, nhân viên chính quyền không được trả lương, giá cả gia tăng và ước tính có 20 triệu người hứng chịu nạn đói nghiêm trọng.

Giới chuyên gia và quan chức cho biết nhu cầu cấp thiết nhất lúc này là thiết bị y tế và phương tiện vận chuyển người bị thương, chỗ trú và nhu yếu phẩm, lương thực, nước uống cho người bị mất nhà cửa. Các tổ chức của LHQ đã gửi 10 tấn trang thiết bị y tế và đưa các đội chăm sóc đến, nhưng nguồn lực có hạn và không có khả năng tìm kiếm cứu nạn. Theo Phó đại diện đặc biệt của LHQ tại Afghanistan Ramiz Alakbarov, cần ít nhất 15 triệu USD để viện trợ ngay lập tức và con số dự kiến còn tăng thêm.

CNN dẫn lời một người phát ngôn của Taliban hôm qua cho biết đã nhận được viện trợ nhân đạo từ Qatar, Iran, Pakistan trong khi các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng nói đang viện trợ. Liên minh Châu Âu thông báo sẵn sàng hỗ trợ khẩn cấp cho người bị ảnh hưởng, còn Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Tổng thống Joe Biden đã chỉ thị Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) cùng các cơ quan liên bang xem xét phương án hỗ trợ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.