Thảm họa của bóng đá Indonesia: Bài học từ sự cố đau lòng

03/10/2022 08:57 GMT+7

Hơn 120 người đã chết vì ngạt thở hoặc giẫm đạp lên nhau ở cửa thoát hiểm trong thảm họa của bóng đá Indonesia tối 1.10, được xem là một trong những thảm họa tại sân bãi tang thương nhất trong lịch sử bóng đá thế giới .

Trước mắt, giải VĐQG Indonesia phải tạm ngưng cho đến khi giới hữu trách điều tra xong vụ việc này. Đội Arema FC sẽ bị cấm tổ chức trận đấu tại sân nhà cho đến hết mùa bóng. Ban đầu, người ta khuyến cáo trận đấu nên được tổ chức vào buổi chiều và chỉ phát hành 38.000 vé. Nhưng cuối cùng, trận đấu vẫn diễn ra vào buổi tối, giữa các khán đài đầy ắp với sức chứa tối đa 42.000 người.

Cảnh sát bắn hơi cay vào đám đông cổ động viên

Bolatimes.com

Cảnh sát Indonesia gọi đây là một vụ “bạo động” và cho biết họ phải bắn hơi cay sau khi 2 viên cảnh sát thiệt mạng. Số lượng khán giả tràn xuống mặt sân là khoảng 3.000 người. Ngoài gây rối, người ta còn đập phá, với hàng chục xe cảnh sát bị phá hủy. Còn theo thông tin từ bệnh viện thì trong số những nạn nhân qua đời, nhiều người đã bị tổn thương não. Có cả trẻ em 5 tuổi thiệt mạng. Đó đều là những chi tiết quan trọng sẽ được điều tra. Nhưng trước mắt, ngay cả cảnh sát cũng đã thừa nhận việc bắn hơi cay, và theo hình ảnh của giới truyền thông thì đó là hơi cay với số lượng lớn. Đây là bài học đầu tiên, quá rõ ràng và đau thương: không nên, thậm chí không được bắn hơi cay nhiều như vậy.

Luật bóng đá của FIFA cấm bắn hơi cay tại sân vận động, kể cả khi đó là biện pháp để trấn áp đám đông, kiểm soát an ninh. Thông thường, bắn hơi cay là “hạ sách” chỉ được dùng đến khi không còn biện pháp nào khác, để giải quyết những vụ bạo động thật sự nghiêm trọng, ở không gian mở. Bắn hơi cay tại sân vận động là điều cực kỳ tai hại, là biện pháp không bao giờ được dùng đến, vì hậu quả khôn lường. Trước mắt, chính quyền đã công bố những khoản tiền sẽ được bồi thường cho gia đình nạn nhân. Nhưng người ta còn chờ đợi kết quả điều tra, xem ai phải chịu trách nhiệm gì, đến mức độ nào, trong thảm họa sân bãi này.

Theo kinh nghiệm của một số chuyên gia, nếu như không cấm khán giả đem nước vào sân thì hậu quả của việc cảnh sát bắn hơi cay sẽ không nghiêm trọng đến vậy (nước có tác dụng rửa bớt hơi cay mà người ta bị dính). Đây cũng là một bài học mới cho bóng đá Indonesia, một nền bóng đá thường xuyên bị kết nối với tình trạng bạo lực, khán giả rất dễ nổi nóng và quậy phá mỗi khi đội bóng ưa thích của họ thất bại. Cổ động viên của các đội kình địch rất hay va chạm với nhau. Tính từ thập niên 1990 đến nay, đã có hàng chục người Indonesia thiệt mạng vì tình trạng bạo lực trong bóng đá, nhưng chưa khi nào lại lên đến con số thảm họa như vừa qua. Sự cố này sẽ khiến hình ảnh của Indonesia bị ảnh hưởng và gây lo ngại cho khán giả sẽ đổ về đây nếu FIFA vẫn tiếp tục cho họ đăng cai World Cup U.20 năm 2023.

Indonesia thông tin chính thức về thảm kịch bóng đá tại sân Kanjuruhan
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.