Thái Thanh - tiếng hát muôn đời ở lại

19/03/2020 08:07 GMT+7

Danh ca Thái Thanh đã qua đời vào trưa 17.3 tại Mỹ (giờ địa phương), hưởng thọ 86 tuổi.

Các cô ca sĩ thời trước 1975 thường chẳng ai khen ai. Nhất là “mặt trời” Khánh Ly và “mặt trăng” Lệ Thu. Nhưng cả hai mặt trời và mặt trăng ấy đều nhất mực một lòng kính nể người đứng ngoài vòng “thái dương hệ ca sĩ”: Thái Thanh.

Thái Hằng là chị, em là Thái Thanh

Nhại theo hai câu trong Truyện Kiều để nói về hai ái nữ của ông Phạm Đình Phụng với bà vợ sau. Ông bà có dòng máu âm nhạc trong người, kẻ chơi đàn nguyệt kẻ chơi tỳ bà, sinh được hai nàng Thái: Hằng và Thanh. Cô em tên thật là Phạm Thị Băng Thanh sinh năm 1934 tại làng Bạch Mai (Hà Nội), sống và lớn lên trong tiếng đàn của song thân nhạc cổ.
Hà Nội năm 1946 tiêu thổ kháng chiến. 12 tuổi, Thái Thanh cùng gia đình lên Sơn Tây tản cư. Rồi sau đó, gia đình lên vùng Việt Bắc, mở quán phở Thăng Long (vì nhớ Hà Nội) tại chợ Đại. Quán phở chắc ngon (vùng Việt Bắc có phở là ngon rồi), lại có hai cô gái bắt đầu nở nụ tầm xuân, thu hút nhiều văn nghệ sĩ kháng chiến. Trong số này có đại kỳ tài nhạc sĩ tương lai Phạm Duy, mỗi khi ghé quán lại “ngấp nghé” Thái Hằng.
Muốn cò cưa cô chị thì nhờ cô em bắc cầu Ô Thước (sách o gái thường dạy thế). Đây là gia đình âm nhạc “chính chủ”, nên Phạm Duy viết lời Việt bản Danube Bleu thành Dòng sông xanh cho cô em gái Thái Thanh 14 tuổi hát để lấy lòng cô chị. Cô em gái hát càng hay và hay đến nỗi Phạm Duy chấm dứt sự cò cưa bằng một hôn lễ giữa chàng và cô chị Thái Hằng vào năm 1948.
Cứ tưởng sau khi lấy được vợ thì cô em gái “hết xôi rồi việc”. Nhưng không, Phạm Duy càng khám phá ra giọng hát cô em vợ “rằng hay thì thật... quá xá là hay” nên sáng tác rất nhiều nhạc cho cô hát trong thời kỳ này. Nhạc anh rể Phạm Duy do cô em vợ Thái Thanh hát và cô em chỉ hát nhạc của ông anh rể - một quy trình khép kín của gia đình Thăng Long. Trải qua 60 năm, Phạm Duy cho rằng chỉ có Thái Thanh mới đủ khả năng nâng bổng nhạc của Phạm Duy lên và chỉ có nhạc của Phạm Duy mới đáng để Thái Thanh hát. Nhiều ca khúc của Phạm Duy được Thái Thanh thể hiện đúng chất và đúng tầm hơn hẳn những ca sĩ khác cùng thời. Nhạc sĩ Phạm Duy còn “hạ mình” trước giọng ca cô em: “Nếu không có Thái Thanh thì nhạc Phạm Duy cũng không được hay và nổi lên được như vậy”. Ông nhận xét: “Thái Thanh là giọng ca duy nhất hát nổi hai cao độ chạy dài tới 2 bát âm trong nhạc của tôi. Không những thế, cô có giọng hát rất truyền cảm”.
Thái Thanh - tiếng hát muôn đời ở lại1

Thái Thanh (giữa) cùng Hoài Trung (trái) và Hoài Bắc trong Hợp ca Thăng Long

Ban Thăng Long và “Thái Hành, Thái Tiêu”...

Cho quá giang thời kỳ hồi đó của tôi một chút. Ba tôi mua được cái máy quay đĩa nhựa nhỏ xíu. Không hiểu sao trong cơ số đĩa cải lương lại lọt vào một cái đĩa của hãng Việt Nam có bài Tình ca với giọng ca của một nữ ca sĩ cứ hằng ngày vang ra “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời...”.
Lớn lên khi bắt đầu hiểu cái sự đau đớn vì... yêu tôi lại càng thấm thía Kiếp nào có yêu nhau, Đừng nhìn nhau nữa qua giọng ca cao vút đến não lòng, tôi mới biết đấy là giọng ca Thái Thanh.
Có một cơ duyên, tôi được đến phòng trà Đêm Màu Hồng vào cuối năm 1971 tại đường Nguyễn Huệ, Sài Gòn tôi đã thấy, tôi đã nghe nữ ca sĩ Thái Thanh hát theo yêu cầu của tôi bài Tình ca (ghê chưa!). Tại sao Thái Thanh hát Tình ca hay đến như vậy? Có phải là vì như bà từng thổ lộ: “Người ca sĩ phải biết yêu tiếng nói của nước mình, phải yêu tiếng Việt của mình. Người ca sĩ còn phải yêu đất nước mình nữa...”.
Theo tôi được biết, năm 1967, nhạc sĩ Hoài Bắc (Phạm Đình Chương) nhận tổ chức và điều khiển phòng trà Đêm Màu Hồng (cũng là tên của một ca khúc mà ông phổ nhạc từ thơ của Thanh Tâm Tuyền). Những sáng tác nổi danh của ông và sự trình diễn điêu luyện của ban Hợp ca Thăng Long đã biến phòng trà này một chỗ nổi tiếng nhất và là nơi tụ tập của những nghệ sĩ hàng đầu đô thành Sài Gòn.
Thoạt đầu ban Hợp ca Thăng Long gồm Hoài Trung - Phạm Đình Viêm, Hoài Bắc - Phạm Đình Chương, Thái Hằng (vợ nhạc sĩ Phạm Duy) và Thái Thanh và sau này có thêm giọng ca của Khánh Ngọc (vợ của Phạm Đình Chương). Nghệ thuật hợp ca của họ dựa trên kỹ thuật già dặn, lối diễn tả linh hoạt và truyền cảm. Họ hợp ca bản nào là bản đó nổi lên một sắc thái đậm đà như những món gia vị bỏ vào tô phở. Có phải vì vậy chăng mà giới ca nhạc phòng trà đã gọi họ bằng những cái biệt hiệu thật ngộ nghĩnh: Hoài Chanh, Hoài Ớt, Thái Tiêu, Thái Hành. Trong hai Thái nầy nầy thì Thái Thanh là giọng ca vơ đét. Nhà văn Hồ Trường An (mới mất) đã viết về Thái Thanh như sau: “Hơn 15 năm phục vụ ca nhạc, nàng đã tạo nhiều thành tích rực rỡ. Tiếng hát của Thái Thanh trong và tỏa ngời ánh sáng. Bản chất giọng hát của nàng là kim cương quý báu: Âm lượng dồi dào, âm sắc bén ngót và ngọt ngào, làn hơi dũng mãnh, phong phú... Giọng hát đó cộng thêm sự diễn tả truyền cảm đã làm nên một tên tuổi Thái Thanh” (Báo Sinh Hoạt Nghệ Thuật - Sài Gòn 71).
Hoàng Trúc Ly đã làm thơ về tiếng hát Thanh Thúy “Từ em giọng hát lên trời” nhiều người đã trích dẫn câu thơ này để nói về giọng hát của Thái Thanh khi hay tin bà đã đi vào cõi vĩnh hằng. Không, giọng hát của bà không về trời đâu. Giọng hát của bà vẫn ở lại với chúng ta nhờ đĩa, nhờ băng, nhờ ký ức của một thời Sài Gòn luôn hát Tình ca. Với tôi, một thằng nhỏ đã được nghe Tình ca, bây giờ già vẫn không thể quên được “Tiếng nước tôi...”. Không, giọng hát của Thái Thanh vẫn muôn đời ở lại. Dù bà đã lên trời! 
60 tuổi vẫn muốn hát bài mới
Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng, người bạn thân với gia đình ca sĩ Ý Lan (con gái danh ca Thái Thanh) kể: “Năm 1994, khi tôi chuyển ngữ nhạc phẩm Mong manh và dành cho Ý Lan hát đầu tiên, tôi bất ngờ khi danh ca Thái Thanh đã gọi điện để nói lời cảm ơn vì đã dành nhạc phẩm cho Ý Lan hát đầu tiên. Bà cũng đề nghị tôi viết cho mình một bài hát nhưng tôi chưa kịp viết thì bà đã bị bệnh”.
Hiện tại mọi kế hoạch về tang lễ đang được Ý Lan cùng gia đình sắp xếp và sẽ thông báo đến mọi người ngay khi quyết định.
Dạ Ly
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.