Thái Nguyên đặt mục tiêu vào top 10 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số

31/12/2021 12:00 GMT+7

Sau 1 năm triển khai chuyển đổi số , Thái Nguyên đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Thái Nguyên đặt mục tiêu vào top 10 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số trong năm 2030.

Đó là chia sẻ của Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31.12.2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về Chương trình Chuyển đổi số Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, hướng đến năm 2030, do Tỉnh ủy Thái Nguyên tổ chức chiều 30.12, có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng.

Nhiều thành tựu đột phá từ chuyển đổi số

Theo báo cáo của Sở TT-TT tỉnh Thái Nguyên, chỉ sau 1 năm triển khai nghị quyết về chuyển đổi số, Thái Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu, dấu ấn nổi bật trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp thông tin và truyền thông cho 5 cá nhân tại Thái Nguyên

Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên

Điểm nhấn nổi bật trong xây dựng chính quyền số là Thái Nguyên đã đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành thông minh (IOC), triển khai tiếp nhận, xử lý phản ánh của người dân trực tuyến qua ứng dụng C-ThaiNguyen, đến nay đã có hơn 200.000 tài khoản cài đặt và sử dụng.

Thái Nguyên cũng nằm trong số ít địa phương cung cấp 100% thủ tục hành chính công mức độ 4 trên cổng dịch vụ công của tỉnh. Đặc biệt, hệ thống quản lý văn bản đi đến và điều hành tỉnh Thái Nguyên đã gửi, nhận trên 2,3 triệu văn bản xử lý bằng giao thức điện tử đã giúp tiết kiệm được khoảng 8 tỉ đồng so với gửi, nhận qua bưu điện.

Thái Nguyên cũng hoàn thành triển khai chuyển đổi số tại xã Sảng Mộc (H.Võ Nhai) và xã La Bằng (H.Đại Từ) giúp người dân ứng dụng hạ tầng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý, phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng theo Sở TT-TT tỉnh Thái Nguyên, địa phương này đầu tư mạnh thí điểm và xây dựng giải pháp đô thị thông minh tại TP.Thái Nguyên, TX.Phổ Yên và TP.Sông Công. Trước đó, ngày 20.12, TP.Thái Nguyên được Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) vinh danh là Thành phố thông minh Việt Nam trên các tiêu chí: Điều hành, quản lý thông minh; Dịch vụ công thông minh; Thành phố hấp dẫn về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Nhiều hợp tác xã nông nghiệp tại Thái Nguyên được đào tạo, hỗ trợ chuyển đổi số trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử

Thu Hương

Trong xây dựng kinh tế số, các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội đều được thực hiện thanh toán qua ngân hàng. Bên cạnh đó, sàn thương mại điện tử được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực nông nghiệp thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 biến biến phức tạp. Thống kê trong năm vừa qua, Sở TT-TT phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên đào tạo, tập huấn cho 1.354 hộ sản xuất, kinh doanh; tạo tài khoản bán hàng cho 653 hộ và đưa 1.029 sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.

Cũng theo Sở TT-TT tỉnh Thái Nguyên, ở lĩnh vực Xã hội số, địa phương này đưa vào ứng dụng công dân số “Thái Nguyên ID” giúp định danh chính xác cá nhân trên không gian số, kết nối người dân với các dịch vụ, ứng dụng số trong giải quyết thủ tục hành chính, tìm kiếm cơ hội việc và các dịch vụ tiện ích. Đến ngày 5.11, Thái Nguyên khởi tạo dữ liệu trên hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử cho trên 1,3 triệu người dân và gần 300.000 hộ gia đình triển khai nền tảng khám chữa bệnh từ xa.

Ứng dụng C-ThaiNguyen đang là kênh liên lạc, kết nối hiệu quả của người dân các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên

Thu Hương

Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, ứng dụng C-ThaiNguyen kết nối hàng chục nghìn công dân Thái Nguyên với các cơ quan chức năng để xác minh các thủ tục hành chính, để chuyển khoản trực tiếp 23 tỉ đồng hỗ trợ trực tiếp cho công dân Thái Nguyên có hoàn cảnh khó khăn trong vùng dịch Covid-19.

Chuyển đối số toàn diện để bứt phá vươn lên

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận, Thái Nguyên có sự thay đổi rõ rệt, với nhiều dấu ấn nổi bật chỉ sau một năm chuyển đổi số. Trong đó, nhiều chỉ số xếp hạng chuyển đổi số của Thái Nguyên vươn lên tốp đầu cả nước.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng tặng bằng khen cho Sở TT-TT tỉnh Thái Nguyên ghi nhận thành tích xuất sắc trong triển khai chuyển đổi số tại Thái Nguyên

Ảnh Báo Thái Nguyên

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ TT-TT chọn năm 2022 sẽ là năm trọng tâm thúc đẩy phát triển các nền tảng số quốc gia và hiện tại đã công bố 35 nền tảng chuyển đổi số quốc gia. Ông Hùng bày tỏ mong muốn, Thái Nguyên tiên phong lựa chọn sử dụng các nền tảng số, hướng tới phổ cập toàn tỉnh trong năm 2022 theo tinh thần của chuyển đổi số là “việc 5 năm chỉ làm trong 1 năm”.

“Chỉ có dùng sớm, phổ cập nhanh, Thái Nguyên mới có cơ hội bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng để thực hiện khát vọng về một tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc và phát triển”, ông Hùng nói.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải khẳng định, với thành tựu sau 1 năm chuyển đổi số, Thái Nguyên sẽ quyết tâm phấn đấu trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía bắc. “Mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số”, bà Hải nói.

Cũng tại hội nghị, Bộ TT-TT trao tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp thông tin và truyền thông cho 5 cá nhân; Bộ trưởng Bộ TT-TT tặng bằng khen cho một tập thể và 3 cá nhân của tỉnh Thái Nguyên có đóng góp tiêu biểu trong công tác chuyển đổi số. Dịp này, Thái Nguyên khai trương và đưa vào sử dụng mạng di động 5G.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.