Thái Lan xét xử đường dây quân đội, cảnh sát buôn người

11/11/2015 08:10 GMT+7

Tòa án ở Thái Lan ngày 10.11 bắt đầu đưa ra xét xử đường dây buôn người liên quan đến nhiều sĩ quan quân đội và cảnh sát cấp cao.

Tòa án ở Thái Lan ngày 10.11 bắt đầu đưa ra xét xử đường dây buôn người liên quan đến nhiều sĩ quan quân đội và cảnh sát cấp cao.

Trung tướng Manas Kongpan (giữa) bị dẫn giải đến phiên tòa ở Bangkok - Ảnh: ReutersTrung tướng Manas Kongpan (giữa) bị dẫn giải đến phiên tòa ở Bangkok - Ảnh: Reuters
Tổng cộng 88 bị cáo, bao gồm một tướng lĩnh cấp cao, đã bị dẫn giải ra trước Tòa hình sự ở Bangkok tại phiên khai mạc hôm qua 10.11. An ninh xung quanh tòa án được siết chặt và nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa được giao cho lực lượng đặc nhiệm thuộc đơn vị trấn áp tội phạm của Thái Lan.
Những người phải ra trước vành móng ngựa bị cáo buộc tham gia hoạt động buôn người Hồi giáo Rohingya đến từ Myanmar và người Bangladesh di cư trong giai đoạn từ tháng 1.2011 - 5.2015. “Toàn bộ 88 bị cáo đã để cho các nạn nhân chết đói, không được điều trị bệnh tật và chôn giấu thi thể của những người đã chết trên núi”, một thẩm phán nói.
Một quan chức tòa án cho biết sẽ có khoảng 500 nhân chứng được xét hỏi trong vụ buôn người gây rúng động dư luận Thái Lan cũng như cộng đồng thế giới thời gian qua. Quá trình xét xử sẽ kéo dài ít nhất 2 năm. Vì vậy, một quan chức tòa án cho hay phải mất nhiều năm nữa phán quyết mới được đưa ra.
Vụ án được chuyển giao cho Tòa hình sự ở Bangkok vào cuối tháng 9 theo yêu cầu của các công tố viên ở tỉnh Songkhla. Giới công tố địa phương lập luận rằng họ không có khả năng xét xử do đây là vụ án liên quan đến băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia, dính líu đến nhiều quan chức nhà nước và thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế.
Trong số các bị cáo xuất hiện tại tòa có trung tướng quân đội Manas Kongpan, người bị cáo buộc cầm đầu đường dây nói trên. Ít nhất 4 sĩ quan quân đội cấp cao khác cũng bị truy tố, trong đó có 2 người vẫn đang lẩn trốn. Ngoài ra còn có nhiều chính trị gia, quan chức và doanh nhân địa phương.
Thái Lan lâu nay bị xem là một trung tâm buôn người lớn ở khu vực và các nhóm hoạt động nhân quyền thường cáo buộc giới chức nước này nhắm mắt làm ngơ hoặc thậm chí đồng lõa với hoạt động phạm pháp trên. Chính quyền Thái Lan đã phát động chiến dịch trấn áp hoạt động buôn người vào tháng 5 và bắt giữ hàng chục nghi can, sau vụ phát hiện 30 thi thể gần lán trại của các nhóm buôn người ở khu rừng gần biên giới với Malaysia.
Giới chức Thái Lan xem các vụ bắt giữ là bằng chứng cho thấy vương quốc này không còn dung túng hoạt động buôn người. Tuy nhiên, một số nhóm nhân quyền đã đặt nghi vấn về cam kết của chính quyền Thái sau vụ từ chức bất ngờ của viên cảnh sát chỉ huy cuộc điều tra - thiếu tướng Paween Pongsirin. Tướng Paween đệ đơn từ chức vào đầu tuần này, sau khi nhận được quyết định điều chuyển công tác đến khu vực miền nam Thái Lan, nơi quân đội gần như đảm trách mọi nhiệm vụ kiểm soát an ninh do hoạt động của các nhóm nổi dậy tại đây.
Trong cuộc phỏng vấn vào tháng trước, tướng Paween than phiền cuộc điều tra của ông bị đóng lại quá nhanh trong khi nhiều nghi can vẫn còn ở ngoài vòng pháp luật. Ông cho biết ông lo sợ mình và thuộc cấp sẽ bị trả thù do vụ án dính líu đến nhiều sĩ quan cấp cao của quân đội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.