Thái Bình đánh giá thi đua của cán bộ bằng… nước sạch

23/07/2018 08:01 GMT+7

Chủ tịch tỉnh về tận thôn để đấu nước vào nhà dân, đưa chỉ tiêu nước sạch vào tiêu chí đánh giá cán bộ… là những việc làm quyết liệt giúp Thái Bình dẫn đầu toàn quốc về cấp nước sạch .

Thái Bình có 276 xã vùng nông thôn. Năm 1998, tỉnh này chỉ có khoảng 16.000 khẩu vùng nông thôn được sử dụng nước máy, đạt tỉ lệ gần 20% dân số vùng nông thôn được dùng nước sạch, còn lại đều phải sử dụng nước ngầm, nước sông. Kiểm tra cho thấy, chất lượng các nguồn nước này không đảm bảo vì độ nhiễm phèn cao, nhiều tạp chất, tỉ lệ người dân mắc các bệnh do sử dụng nước không hợp vệ sinh lên tới trên 20%.
Tuy nhiên, đến năm 2017, số liệu của Trung tâm nước sạch quốc gia cho biết, Thái Bình có trên 429.000 người dân nông thôn đang sử dụng nước sạch, đạt tỉ lệ 77,8% và nằm trong nhóm dẫn đầu toàn quốc. Hết tháng 6.2018, Thái Bình chính thức dẫn đầu toàn quốc với tỉ lệ phủ sóng nước sạch lên tới trên 95%.
Theo ông Trịnh Quốc Lập, Chủ tịch Hội nước sạch tỉnh Thái Bình, năm 2006, Thái Bình là tỉnh đầu tiên của toàn quốc có 100% số xã có đường ống cấp nước cấp 1 vào trung tâm xã. Hết năm 2018, Thái Bình tiếp tục ghi kỷ lục mới là sẽ trở thành tỉnh đầu tiên của cả nước đạt mức 100% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch.
"Không có nước sạch cho dân dùng, không thi đua gì hết"
Chủ tịch Hội nước sạch Thái Bình Trịnh Quốc Lập cho biết, nguyên nhân giúp Thái Bình vươn từ vị trí cuối lên dẫn đầu toàn quốc về cấp nước sạch nông thôn là tỉnh này đã có cơ chế riêng, ưu đãi đặc biệt để người dân được tiếp cận với nước sạch.
“Chỉ tính từ năm 2012, là năm bắt đầu phát động cấp nước sạch nông thôn đến năm 2015, tỉnh Thái Bình có hàng chục nghị quyết, quyết định về cấp nước sạch như ưu tiên vốn, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thuế cho doanh nghiệp đầu tư nước sạch nên đã hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư 30 dự án với tổng vốn trên 2.000 tỉ vào lĩnh vực này. Thái Bình cũng có cơ chế hỗ trợ để người dân, nhất là hộ nghèo, được tiếp cận nước sạch như giảm, dãn thời gian nộp tiền, hỗ trợ thiết bị đường ống, tec đựng nước…”, ông Lập thông tin.
Cũng theo ông Lập, cùng với ban hành cơ chế ưu đãi, tỉnh Thái Bình có nhiều động thái khiến doanh nghiệp, người dân tin tưởng và đồng hành.
“Năm 2015, nhiều doanh nghiệp khó khăn về vốn nên buộc phải dừng thi công và kiến nghị lên tỉnh. Ngay sau đó, HĐND tỉnh triệu tập họp bất thường để ban hành cơ chế hỗ trợ. UBND tỉnh chỉ đạo các tài chính giải ngân, yêu cầu các ngân hàng hỗ trợ vay vốn. Tôi nghĩ toàn quốc chắc chỉ có Thái Bình triệu tập họp HĐND bất thường vì nước sạch. Nhưng từ hành động này, doanh nghiệp yên tâm tiếp tục đầu tư vào tỉnh”, ông Lập nói.
Ông Nguyễn Ngọc Thiện, một người dân ở xã Hồng Minh, H.Hưng Hà, cho biết tháng 9.2017, người dân ở 17 xã trong huyện làm đơn kiến nghị về việc Công ty CP nước sạch Hưng Hà nhận tiền nhưng chậm lắp đường ống và đấu nối cấp nước khiến dân "dở khóc, dở cười" vì nhiều nhà đã lấp giếng, đập bể.
"Ngay sau khi đọc đơn, đích thân ông Chủ tịch tỉnh Nguyễn Hồng Diên đã về tận làng kiểm tra và chỉ đạo, nếu đến ngày 16.11.2017, nếu công ty này không lắp xong sẽ điều chỉnh quy hoạch cấp nước, giao dự án cho doanh nghiệp khác. Tôi nhớ, ngay tại nhà tôi, ông Diên yêu cầu lãnh đạo huyện, lãnh đạo doanh nghiệp là "Không thể để nước sạch chỉ vào đến cổng làng mà phải vào tận nhà dân. Nếu không vào được thì do các anh thiếu trách nhiệm", ông Thiện kể.
Xác nhận việc tỉnh này “đặc biệt” quan tâm đến nước sạch, ông Nguyễn Hồng Diên, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, cho biết chỉ tiêu về nước sạch trở thành tiêu chí đánh giá thi đua của cán bộ tỉnh này. Hàng năm, UBND tỉnh ra chỉ tiêu về nước sạch cho từng địa phương. Nếu huyện nào, xã nào không đạt, sẽ tổ chức thanh tra công vụ và thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu tại cấp xã, huyện. Người đứng đầu địa phương sẽ không được xem xét thi đua, phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
“Họp với các địa phương, tôi nêu rõ là nếu không có nước sạch cho dân dùng, không thi đua gì hết”, ông Diên nói.
Để đạt mục tiêu trong năm 2018 sẽ đạt đích 100% hộ dân nông thôn có nước sạch, UBND tỉnh Thái Bình đã ra tối hậu thư cho các doanh nghiệp về việc phải đảm bảo tiến độ. Nếu doanh nghiệp nào chậm tiến độ sẽ bị xem xét điều chỉnh mạng lưới, thậm chí, rút giấy chứng nhận đầu tư. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.