Thách thức với tiền kỹ thuật số của Trung Quốc

31/08/2022 20:00 GMT+7

Việc Trung Quốc mở rộng sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY) đi kèm với cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức không nhỏ đối với tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Bắc Kinh.

Tại một cuộc họp vào đầu tháng 8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tuyên bố sẽ mở rộng hơn nữa việc thử nghiệm đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY). Hiện tại, đồng tiền này đang được thử nghiệm tại 23 thành phố và khu vực thuộc 15 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Ông Mạc Trường Xuân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tiền Kỹ thuật số của PBoC, cho biết mục đích chính của chương trình thử nghiệm là xây dựng niềm tin vào độ tin cậy và dễ sử dụng của đồng e-CNY. Ông Mạc cũng nhấn mạnh, đây là một loại tiền hợp pháp do PBoC phát hành và được chính phủ hỗ trợ, mục tiêu đặt ra là làm cho đồng e-CNY nhanh chóng đạt được trải nghiệm tương tự như tất cả các công cụ thanh toán khác trên thị trường.

Trung Quốc đang mở rộng sử dụng đồng e-CNY

Reuters

PBoC đang thúc đẩy quảng bá đồng e-CNY. Ngay từ tháng 10.2020, Thâm Quyến, một trong những thành phố thí điểm đầu tiên, đã phân phát 10 triệu e-CNY cho công chúng để có thể chi tiêu tại các nhà hàng và cửa hiệu. Các thành phố thí điểm khác cũng áp dụng theo mô hình này và thu được hiệu quả cao.

Đến tháng 5.2022, Thâm Quyến lại phân phối thêm 30 triệu e-CNY cho người dân địa phương trong một chương trình khuyến mại chung với nền tảng mua sắm trực tuyến Meituan Dianping. Trong thời gian diễn ra chương trình, có tới hơn 520.000 người bán trên nền tảng này chấp nhận e-CNY đã báo cáo rằng số lượng đơn đặt hàng tăng 58,9% và số lượng giao dịch tăng 64,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu công bố, trong 3 năm thử nghiệm vừa qua, PBoC đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc phát triển đồng tiền kỹ thuật số này. Chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị các giao dịch bằng đồng e-CNY của Trung Quốc đã lên tới 83 tỉ nhân dân tệ (khoảng 12,33 tỉ USD) và có tới gần 4,6 triệu người bán trên khắp Trung Quốc đã chấp nhận thanh toán bằng đồng tiền này. Người dân sử dụng đồng e-CNY để mua sắm, thanh toán chi phí ăn uống, tài chính cá nhân và một số chi phí kinh doanh khác như đóng thuế và trả tiền lương cho nhân viên.

Việc sử dụng tiền kỹ thuật số cũng được mở rộng ra một số lĩnh vực khác. Tháng 12.2021, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc và Công ty Huawei Technologies đã ra mắt nền tảng giám sát cho thuê căn hộ dựa trên e-CNY đầu tiên ở Thâm Quyến. Từ tháng 6, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước đã cho phép khách hàng sử dụng e-CNY để mua các sản phẩm quản lý tài sản. Vào ngày 10.6 vừa qua, một khách hàng đã mua hợp đồng bảo hiểm ô tô đầu tiên bằng e-CNY. Tháng 7, Ngân hàng Giao thông Trung Quốc đã ký một thỏa thuận dịch vụ lưu ký học phí trả trước bằng đồng e-CNY với một công ty đào tạo tiếng Anh có trụ sở tại Bắc Kinh. Việc thanh toán bằng đồng e-CNY giúp giảm thiểu nguy cơ chủ doanh nghiệp có thể ôm tiền và biến mất.

Tuy nhiên, những kết quả được trong thời gian triển khai đồng e-CNY trong thời gian qua vẫn là chưa đủ. Để đạt được mục tiêu chiếm lĩnh thị trường và vươn ra thị trường quốc tế, PBoC vẫn còn một chặng đường dài phía trước với các thách thức không nhỏ trong dự án tiền kỹ thuật số đầy tham vọng.

Thách thức đối với đồng e-CNY

Một là, thói quen thanh toán của người dân: Việc sử dụng e-CNY trong các chương trình thử nghiệm vẫn chưa đáng kể là bao so với khối lượng thương mại được thực hiện bằng hai hệ thống thanh toán trực tuyến đang thống trị thị trường Trung Quốc là Alipay của Ant Group và WeChat Pay của Tencent.

Theo tiết lộ của Ant Group, trong năm 2020, chỉ riêng giao dịch hàng tháng qua nền tảng Alipay đã đạt trung bình 10 nghìn tỉ nhân dân tệ. Hơn nữa, người tiêu dùng Trung Quốc đã quen với sự tiện lợi của Alipay và WeChat Pay nên việc thay đổi sang một nền tảng mới cần phải mất nhiều thời gian. Việc miễn phí đối với đồng e-CNY trong giai đoạn thí điểm cũng sẽ không kéo dài lâu. Điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến sức hút của đồng e-CNY.

Mặc dù đồng e-CNY được chính phủ hậu thuẫn nhưng nó sẽ phải đối mặt với những vấn đề tương tự mà bất kỳ ứng dụng nào cũng gặp phải khi cố gắng phát triển cơ sở người dùng của mình. Do đó, thách thức đặt ra là làm thế nào để khuyến khích người dùng chuyển đổi ứng dụng, đồng thời cải thiện việc sử dụng và sự gắn bó của đồng e-CNY với người dùng và người bán.

Hai là, về công nghệ: Để thu hẹp khoảng cách với hệ thống thanh toán của hai gã khổng lồ Ant Group và Tencent, PBoC cần một khoản đầu tư lớn vào công nghệ.

Để hoàn thiện khả năng xử lý thanh toán khối lượng giao dịch khổng lồ đồng nghĩa với việc chi hàng tỉ nhân dân tệ để xây dựng trung tâm dữ liệu, thêm máy chủ và băng thông. Bên cạnh đó, việc mở rộng các chương trình thí điểm và các kịch bản ứng dụng của PBoC đòi hỏi phải nâng cấp phần mềm và phần cứng tại các tổ chức tài chính.

Ba là, cần phải ban hành các quy định và quy tắc mới cần thiết: Vì e-CNY là đơn vị tiền tệ chính thức của Trung Quốc nên sẽ được áp dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế hiện hành và luật pháp Trung Quốc về chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố cũng như bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng trong hệ thống e-CNY cũng giống như đối với tiền mặt.

Tuy nhiên, các biện pháp và yêu cầu pháp lý hiện nay vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển của đồng e-CNY, do đó, yêu cầu đặt ra là cần sớm có những điều chỉnh về mặt quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động và an ninh cho đồng tiền này.

Ký hiệu chấp nhận thanh toán bằng e-CNY tại một trung tâm thương mại tại Thượng Hải

Reuters

Cơ hội cho các công ty công nghệ

Việc xây dựng hệ thống đồng e-CNY đòi hỏi huy động nhiều nhân tài và công nghệ tiên tiến, từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh cho các công ty công nghệ. Một số nhà phân tích kinh tế Trung Quốc cho biết so với các ngân hàng lớn và các công ty internet, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ việc mở rộng đồng e-CNY trong ngắn hạn.

Thâm Quyến Techo Telecom Co, một doanh nghiệp tài chính của Trung Quốc dựa trên nền tảng điện toán đám mây, là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong vấn đề này. Họ đã thành lập công ty con Phương Viên Thần Châu (Shenzhou Fangyuan) để phát triển các đổi mới dựa trên các ứng dụng khác nhau cho e-CNY.

Hơn nữa, việc mở rộng sử dụng đồng e-CNY sẽ mở ra các cơ hội kinh doanh lớn. Điểm mấu chốt là đồng e-CNY sẽ hoạt động như một chất xúc tác cho sự đổi mới trong ngành tài chính. Các ngân hàng sẽ phải chuyển đổi mô hình kinh doanh và thay đổi lợi thế cạnh tranh để chiếm ưu thế trên thị trường. Khi các ngân hàng Trung Quốc tiếp tục mở rộng ra nước ngoài, họ sẽ có lợi thế đầu tiên trong việc cạnh tranh trên trường quốc tế. Do đó, các nền tảng thanh toán di động như Alipay, Wechat Pay và các giải pháp thanh toán như VISA và Mastercard sẽ phải tiếp tục đổi mới để duy trì tính phù hợp và tránh mất thị phần vào tay đồng tiền được chính phủ hậu thuẫn.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng đang tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài sử dụng đồng e-CNY để đầu tư vào trái phiếu và cổ phiếu của Trung Quốc. PBoC kỳ vọng đồng tiền này sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc định giá dầu thô, quặng sắt và các hàng hóa khác cũng như trong việc giải quyết các giao dịch khác.

Hướng phát triển tiếp theo của đồng e-CNY

Ông Phạm Nhất Phi, Phó Thống đốc PBoC nói rằng bước tiếp theo, Ngân hàng Trung ương sẽ thúc đẩy tích hợp e-CNY sâu hơn cho công chúng và các doanh nghiệp; hỗ trợ quản lý quỹ và dịch vụ trả lương cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; đồng thời hỗ trợ các dịch vụ ở khu vực công như thuế và các giao dịch của chính phủ. Các khoản thanh toán theo lương và các giao dịch khác của công ty có thể giúp mở rộng việc sử dụng đồng e-CNY. Khi mọi người được trả bằng đồng tiền này, họ sẽ phải chi tiêu nó.

Hơn nữa, trong tương lai, người tiêu dùng có thể sử dụng tiền trả trước trong ví kỹ thuật số để mua các sản phẩm quản lý tài sản và các ngân hàng có thể cung cấp các khoản vay và tài chính khác cho người bán.

Để giảm bớt sự cạnh tranh với các khoản tiền gửi ngân hàng truyền thống, các quỹ e-CNY không phải trả lãi suất và lưu hành theo cách tương tự như tiền tệ vật chất trong một hệ thống hai cấp. Theo đó, PBoC phát hành tiền tệ và các ngân hàng thương mại trao đổi e-CNY với công chúng. Hiện PBoC cũng không tính phí đối với các ngân hàng và các tổ chức khác trong việc chuyển đổi và lưu hành đồng e-CNY. Tương tự, các tổ chức ngân hàng cũng không tính phí chuyển đổi của khách hàng. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đánh giá, việc không tính phí khi sử dụng đồng e-CNY trong thời gian dài là phi thực tế.

Ông Mạc Trường Xuân cho biết PBoC hiện đang miễn phí sử dụng đồng e-CNY đối với người dùng là cá nhân nhưng ngân hàng có thể tính phí đối với các tổ chức hoạt động khác như các công ty bảo hiểm và nền tảng trực tuyến, sau đó có thể tính phí đối với người bán.

Hơn nữa, để đảm bảo tính ẩn danh của đồng e-CNY, các nhà chức trách Trung Quốc có kế hoạch điều chỉnh các quy định, bao gồm thiết lập cơ chế điều chỉnh việc sử dụng thông tin khách hàng để các tổ chức điều hành có thể đăng ký quyền truy cập thông tin người dùng nhằm mục đích phân tích và giám sát rủi ro khi có nghi ngờ về các giao dịch bất hợp pháp nghi ngờ.

Đồng e-CNY sẽ thách thức đồng đôla Mỹ?

Trong hai thập niên qua, Trung Quốc đã đầu tư nhiều nỗ lực và vốn để cố gắng đưa đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu. Một số chuyên gia tin rằng đồng e-CNY là một thành tựu hoàn hảo cho thấy sức mạnh và ưu thế của Trung Quốc trong công nghệ tài chính. Đồng e-CNY hiện nay dường như là bước mới nhất trong một loạt các bước đi kéo dài hàng thập niên nhằm quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và cuối cùng là nhằm kiềm chế sự thống trị toàn cầu của hệ thống thanh toán bằng đồng USD.

Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ trong những năm qua trong động thái được cho là tăng tính cạnh tranh với đồng USD

REuters

Mỹ cũng đã nhận ra nguy cơ này từ đồng e-CNY của Trung Quốc. Theo một số nguồn tin, Nhà Trắng coi đồng tiền này có thể là một nỗ lực của Trung Quốc nhằm làm suy yếu đồng USD, từ đó gia tăng tính cạnh tranh với Mỹ hơn. Mỹ coi sáng kiến Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số (DSR), một phần của sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI) chính là cách để Trung Quốc khiến các quốc gia tham gia phải chấp nhận đồng e-CNY, từ đó giúp tăng sự kiểm soát của Trung Quốc trong hệ thống tài chính của phương Tây.

Ông Michael Hasenstab, người điều hành Quỹ trái phiếu toàn cầu Templeton, đánh giá một hệ thống thanh toán kỹ thuật số xuyên biên giới có nghĩa là Trung Quốc đang tạo tiền đề cho khả năng chuyển đổi đồng nhân dân tệ đầy đủ hơn và sẽ giúp đẩy nhanh việc sử dụng đồng tiền này trong các thanh toán ngoại hối.

Rõ ràng là đồng e-CNY sẽ gây rủi ro cho sự thống trị của đồng USD trong dài hạn. Trong tương lai, Trung Quốc sẽ nỗ lực mở rộng đồng e-CNY ở châu Phi, Trung Đông, châu Á và các nơi khác, nhất là đối với các quốc gia tham gia BRI. Điều này sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều, nhưng nếu có đủ sự thâm nhập và sự chấp nhận của các nước khác, chúng ta có thể tưởng tượng về một tương lai khi mà đồng e-CNY soán ngôi đồng USD.

Ngày nay, một kỷ nguyên mới trong kinh tế toàn cầu đang ló dạng mà không thể đoán trước được như kỷ nguyên trước. Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, một phần để hạn chế bất kỳ tác động nào đối với nền kinh tế của chính nước này khỏi việc gia tăng căng thẳng với Mỹ và trong đó, đồng e-CNY chính là một thành phần quan trọng của một giải pháp thay thế cho trật tự dựa trên đồng USD. Tuy nhiên, đồng e-CNY có thành công được hay không và mức độ thành công đến đâu sẽ còn phụ thuộc rất lớn vào sự chấp nhận của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.