Thách thức lớn trong bảo vệ “biên cương văn hóa”

Vũ Thơ
Vũ Thơ
12/05/2022 06:00 GMT+7

Tại hội thảo “Không gian mạng và sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của tuổi trẻ”, các đại biểu cho rằng cần nâng cao nhận thức, định hướng, trang bị kiến thức về văn hóa, lịch sử; thông tin chính thống để thanh niên tự tạo cho mình “sức đề kháng” trước những thông tin xấu, độc...

Sáng 11.5 tại Hà Nội, T.Ư Đoàn chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư Đảng, Bộ VH-TT-DL, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, Đài truyền hình Việt Nam và Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo “Không gian mạng và sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của tuổi trẻ”.

Tham dự và chủ trì hội thảo có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đảng; anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn; ông Đặng Xuân Phương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội; ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL; PGS-TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam; anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư T.Ư Đoàn.

Cảnh báo tình trạng “xâm lăng biên cương văn hóa”

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao những phong trào và hoạt động của tổ chức Đoàn góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ biên cương tư tưởng văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi số.

Tinh thần cống hiến vì đất nước phải trở thành khát vọng cống hiến mà mỗi người dân, nhất là những người trẻ tuổi - thanh niên, sinh viên, trí thức cần được giáo dục và tự giáo dục về văn hóa. Đó là giáo dục lý tưởng, lẽ sống, niềm tin khoa học và hành động sáng tạo.

Giáo sư HOÀNG CHÍ BẢO, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, của chuyển đổi số, chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức trong việc bảo vệ “biên cương tư tưởng văn hóa”. Đó là sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa xuyên quốc gia bên cạnh những điểm tích cực cũng còn có những thách thức khi có những giá trị không phù hợp với văn hóa Việt, thậm chí có cả những sản phẩm “độc hại” đang tác động và ảnh hưởng đến người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Ông Nghĩa nói: “Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng không gian mạng, nhất là các trang mạng xã hội, để tán phát các tài liệu có nội dung xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước, chế độ. Nếu không tỉnh táo, bản lĩnh, có sức đề kháng tốt, rất dễ bị cuốn theo các luồng thông tin tiêu cực”.

Tham luận tại hội thảo, nhiều đại biểu đã nêu ra những khó khăn, thách thức lớn trong việc bảo vệ “biên cương văn hóa” trong bối cảnh hiện nay.

GS-TS Từ Thị Loan, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho rằng không gian mạng với các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới (OTT) đang tạo nên những thách thức lớn đối với việc bảo vệ “biên cương văn hóa tư tưởng” ở Việt Nam.

“Nếu biên cương quốc gia là một thực thể hữu hình, được bảo vệ bởi chủ quyền quốc gia và công pháp quốc tế sẽ khó bị xâm phạm, lấn chiếm, thì “biên cương văn hóa tư tưởng” là ranh giới vô hình, mong manh, rất khó quản lý và ngăn chặn sự “xâm lăng” từ bên ngoài vào. Chính điều đó đang tác động đến những động thái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” âm thầm nhưng rất nguy hiểm, khó lường trên mặt trận văn hóa tư tưởng hiện nay”, bà Loan nói.

Theo bà Loan, hiện các kênh truyền thông cực đoan của các thế lực thù địch được phát hành tự do, thoải mái trên mạng. Việc gỡ bỏ, ngăn chặn các kênh thông tin xấu độc này cực kỳ khó khăn. Điều đó có thể gây lung lạc, ảnh hưởng đến nhận thức, niềm tin của thế hệ trẻ.

Tiến sĩ Đinh Thị Thanh Tâm, Phó trưởng khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và tuyên truyền, cũng cho rằng bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tác động không nhỏ tới việc tiếp cận các sản phẩm văn hóa giải trí của giới trẻ. Đó chính là xu hướng xem nhẹ các giá trị truyền thống của một bộ phận giới trẻ Việt Nam và tiếp nhận những trào lưu văn hóa “lệch chuẩn”.

GS-TS Từ Thị Loan phát biểu tại hội thảo

Cần nâng cao nhận thức của giới trẻ

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng để bảo vệ “biên cương văn hóa tư tưởng” trên không gian mạng cho thế hệ trẻ, cần có một hệ thống các giải pháp toàn diện và đồng bộ, sáng tạo. Trong đó, cần tập trung vào hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách quản lý văn hóa tư tưởng trên không gian mạng; kiện toàn bộ máy quản lý và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác văn hóa; phát huy vai trò của khoa học và công nghệ để quản lý, kiểm soát các sản phẩm không phù hợp.

Các đại biểu cũng cho rằng cần nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ và phát huy vai trò của văn nghệ sĩ, nhất là văn nghệ sĩ trẻ trong định hướng văn hóa cho thanh thiếu nhi; tăng cường trang bị kiến thức, kỹ năng nền tảng, vốn kiến thức văn hóa, lịch sử và thông tin chính thống để thanh niên tự tạo cho mình “sức đề kháng” trước những thông tin xấu, độc...

GS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng cần phải hết sức chú ý tới sức mạnh mềm của văn hóa; nâng cao trình độ và bản lĩnh sáng tạo của con người, nhất là thế hệ trẻ để bảo vệ “biên cương văn hóa” bằng sức mạnh nội sinh của văn hóa, con người Việt Nam.

“Tinh thần cống hiến vì đất nước phải trở thành khát vọng cống hiến mà mỗi người dân, nhất là những người trẻ tuổi - thanh niên, sinh viên, trí thức cần được giáo dục và tự giáo dục về văn hóa. Đó là giáo dục lý tưởng, lẽ sống, niềm tin khoa học và hành động sáng tạo”, ông Bảo nhấn mạnh.

Nội dung của hội thảo là chất liệu vô cùng quý giá

Kết luận hội thảo, anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, cho biết những nội dung của hội thảo là chất liệu vô cùng quý giá đối với tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nhất là trong quá trình xây dựng văn kiện Đại hội Đoàn các cấp và văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII. Ban Bí thư T.Ư Đoàn sẽ tiếp thu, bổ sung các nội dung, giải pháp, công việc của Đoàn, của tuổi trẻ vào dự thảo văn kiện, chương trình hành động. Đồng thời, Ban Bí thư T.Ư Đoàn sẽ xây dựng báo cáo kết quả của hội thảo, một số đề xuất, kiến nghị với Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan có liên quan để góp phần tham gia thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam trong thời gian tới.

“Để thanh niên sẵn sàng tham gia vào công cuộc chấn hưng văn hóa trong giai đoạn hiện nay, cần nâng cao nhận thức và năng lực số cho thanh thiếu nhi, thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động văn hóa; tăng cường truyền thông xã hội và tận dụng trí tuệ nhân tạo để triển khai các hoạt động giáo dục, bồi đắp văn hóa cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, hỗ trợ, tạo môi trường để thanh niên khởi nghiệp trên lĩnh vực văn hóa”, anh Huy nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.