Thách thức chờ tân Tổng giám đốc ABBank

10/02/2023 09:46 GMT+7

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) vừa công bố bổ nhiệm Tổng giám đốc đối với bà Lê Thị Bích Phượng. Như vậy, trong vòng 5 năm qua, ngân hàng này đã 5 lần thay tổng giám đốc.

5 năm thay 5 tổng giám đốc  

ABBank được thành lập năm 1993 với số vốn điều lệ 165 tỉ đồng. Trải qua 30 năm phát triển, ABBank đạt được nhiều thành tựu, kết quả đáng khích lệ.

Thương hiệu ABBank gắn với tên tuổi của doanh nhân Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Geleximco, được rất nhiều người biết đến và ghi dấu trên thương trường. Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây, ABBank có khá nhiều thay đổi, đặc biệt ở vị trí người đứng đầu ban điều hành. Từ năm 2018 đến thời điểm hiện tại, ngân hàng 5 lần thay tổng giám đốc.

Thách thức chờ tân Tổng giám đốc ABBank  - Ảnh 1.

Tân Tổng giám đốc Lê Thị Bích Phượng dự báo sẽ gặp nhiều "sóng gió" khi chèo lái "con thuyền" ABBank thời gian tới

VIỆT ANH

Ngày 30.1, HĐQT của ABBank đã có quyết định cử bà Lê Thị Bích Phượng, Phó tổng giám đốc đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng giám đốc ABBank kể từ ngày 30.1. Ông Nguyễn Mạnh Quân thôi đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng giám đốc ABBank theo nguyện vọng cá nhân, nhưng sẽ tiếp tục tham gia công tác điều hành ở vị trí Phó tổng giám đốc thường trực.

Bà Lê Thị Bích Phượng (46 tuổi), có 19 năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, có kinh nghiệm chuyên sâu trong mảng kinh doanh bán lẻ và phát triển kênh phân phối; từng đảm nhận nhiều vị trí chuyên môn và quản lý của ngân hàng, như: Giám đốc khu vực ở Hà Nội, giám đốc khu vực, Giám đốc Bán hàng và kênh phân phối miền Nam, Giám đốc Khối dịch vụ ngân hàng tài chính cá nhân, thành viên Ban Điều hành Techcombank giai đoạn chuyển đổi 2016 - 2020… Trước đó, bà Phượng đã được HĐQT tuyển dụng và bổ nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc tại ABBank từ ngày 2.12.2022.

Trước bà Phượng, ông Quân được HĐQT bổ nhiệm vào vị trí này, sau khi chấp thuận đơn từ nhiệm chức danh tổng giám đốc theo nguyện vọng của ông Lê Hải kể từ ngày 3.3.2022. Như vậy, ông Quân chỉ điều hành ABBank trong khoảng gần 11 tháng.

Trước đó, vào tháng 1.2018, ABBank đã chấp thuận đơn từ nhiệm chức danh tổng giám đốc của ông Cù Anh Tuấn sau gần 2 năm đảm nhiệm vì lý do cá nhân. Ngay sau đó, nhà băng này đã giao ông Nguyễn Mạnh Quân nhiệm vụ và quyền hạn của tổng giám đốc.

Tuy nhiên, chỉ 4 tháng sau, tức vào tháng 5.2018, ABBank có tổng giám đốc mới là bà Dương Thị Mai Hoa, cựu CEO Tập đoàn Vingroup. Đến tháng 10.2018, ABBank lại có tân tổng giám đốc mới là ông Phạm Duy Hiếu. Tháng 4.2020, vị trí CEO tại ABBank được chuyển sang ông Lê Hải. Sau chưa đầy 2 năm, ông Lê Hải đã có đơn từ nhiệm vị trí này.

Với việc bổ nhiệm bà Lê Thị Bích Phượng, ABBank có vẻ sẽ ưu tiên tăng cường công tác điều hành kinh doanh theo chiến lược bán lẻ, chuyển đổi số

Thách thức chờ tân Tổng giám đốc ABBank  - Ảnh 2.

Khách hàng giao dịch tại ABBank

VIỆT ANH

Thách thức chờ tân Tổng giám đốc

Tuy nhiên, áp lực đối với nữ tổng giám đốc không hề nhỏ. Báo cáo tài chính của ABBank cho biết, hết năm 2022, ngân hàng có vốn chủ sở hữu hơn 13.000 tỉ đồng, trong đó vốn điều lệ 9.049 tỉ đồng. Tổng tài sản đến cuối năm 2022 đạt hơn 130.000 tỉ đồng, tăng 7,5% so với mức gần 121.000 tỉ đồng cuối năm 2021.

Tài sản tăng, nhưng có một điểm đáng chú ý là "tài sản có khác" của ngân hàng là 5.183 tỉ đồng vào cuối năm 2022. Trong đó, đặc biệt các khoản phải thu hơn 3.000 tỉ đồng (tăng 115,6% so với năm 2021). Ngoài ra, các khoản lãi, phí phải thu là hơn 1.050 tỉ đồng, tăng 36,5%. Các khoản này được hạch toán vào tổng tài sản nhưng có khả năng không thu được nếu khách hàng khó khăn không trả được, khi đó cũng sẽ mang lại rủi ro không nhỏ.

Về kết quả kinh doanh năm 2022, ngân hàng thu nhập lãi thuần 3.734 tỉ đồng, tăng gần 21,8%. Thu từ hoạt động dịch vụ tăng 52,8% so với năm 2021, đạt 931 tỉ đồng. Song, do chi phí tăng quá mạnh 171,3% nên lãi từ hoạt động dịch vụ cuối năm 2022 của ngân hàng chỉ đạt 232 tỉ đồng, giảm 33,7% so với năm 2021.

Đáng chú ý, mảng đầu tư năm 2022 gặp nhiều khó khăn. Về kinh doanh ngoại hối, năm 2021 lãi hơn 412 tỉ đồng, năm 2022 chỉ còn gần 193 tỉ đồng (giảm hơn 53%). Mua, bán chứng khoán kinh doanh, năm 2021 lãi 249 tỉ đồng, năm 2022 lỗ 57 tỉ đồng. Mua, bán chứng khoán đầu tư, năm 2021 lãi 202 tỉ đồng, năm 2022 lỗ 22 tỉ đồng.

Mặc dù thu nhập tăng nhưng do chi phí hoạt động lớn, lợi nhuận ngân hàng sụt giảm so với năm 2021, chỉ đạt 1.356, giảm 13% so với năm 2021.

Rủi ro đối với ABBank nằm ở chất lượng tài sản. Theo báo cáo, ngân hàng cho vay khách hàng hơn 82.000 tỉ đồng, tăng 18,8% so với năm 2021. Tuy nhiên, nợ xấu năm 2022 đến 2.365 tỉ đồng, chiếm 2,88% tổng dư nợ cho vay khách hàng và tăng 46,3% so với năm trước đó. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn của nhà băng này là 1.404 tỉ đồng, chiếm hơn 59% tổng nợ xấu và tăng 62,6% so với năm 2021. Trong khi đó, ngân hàng mới trích lập dự phòng rủi ro hơn 1.026 tỉ đồng, chỉ tăng có 26,5% so với năm 2021.

Trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn như hiện nay, việc nợ xấu tăng mạnh, nợ có khả năng mất vốn tăng đột biến, còn dự phòng rủi ro lại tăng nhẹ, cho thấy bộ đệm dự phòng, khả năng xử lý khi có biến cố xảy ra của ngân hàng là điểm cần chú ý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.