Thạc sĩ gì kỳ vậy?

Theo sự phát triển tự nhiên của xã hội, người ta phải tiếp tục học để lấy bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ mới mong đáp ứng được yêu cầu.

Ví dụ, nếu là giảng viên các trường đại học tại VN, bắt buộc tối thiểu phải có bằng thạc sĩ. Tùy theo ngành nghề và chuyên môn, thi vào cao học chỉ có vài môn thôi, trong đó có ngoại ngữ, phổ biến hiện nay là tiếng Anh. Một khi đã mất căn bản từ bậc học phổ thông, khi lên đại học (cả chính quy và tại chức) bạn sẽ vô cùng vất vả khi muốn theo kịp giáo trình Anh văn.
Nhiều người tốt nghiệp đại học ở VN, có tấm bằng cử nhân, kỹ sư (hoặc tương đương) nhưng khi gặp người nước ngoài là… ngọng, đớ lưỡi, chẳng nói được câu nào ra hồn. Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc để tốt nghiệp đại học, vậy thử đặt câu hỏi: Làm thế nào để họ vượt qua được môn này? Câu trả lời nằm ở chỗ người ấy học thiệt hay học dỏm.
Những ai có thực học, sau khi ra trường tiếp tục rèn luyện ngoại ngữ theo chuyên ngành mình công tác thì ắt sẽ thành công, tối thiểu biết giao tiếp bằng tiếng Anh khi đối mặt với người nước ngoài. Đó là học thiệt. Còn học dỏm là trường hợp của một nữ công chức thuộc ngành thanh tra tỉnh Bình Thuận, bị phát hiện sử dụng tài liệu trái phép khi làm bài thi môn tiếng Anh trong kỳ thi cao học của Trường ĐH Luật TP.HCM.
Trong kỳ thi này, tỉnh Bình Thuận “dính” 2 người. ngoài công chức thuộc ngành thanh tra nói trên, còn có một nữ Trưởng ban Pháp chế thuộc HĐND tỉnh, bị phát hiện đem tài liệu môn lý luận vào phòng thi (các báo đã đăng). Khỏi phải nói thì chúng ta đều biết nếu không bị phát hiện gian lận trong thi cử, nữ công chức ngành thanh tra rất có thể bằng cách nào đó lấy được bằng thạc sĩ với trình độ tiếng Anh B1 theo quy định hiện hành.
Trình độ ngoại ngữ B1 (theo khung châu Âu) là bạn đủ khả năng để có thể sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh để giao tiếp với người bản ngữ trong đời sống hằng ngày; đọc sách giáo khoa, tạp chí có nội dung đơn giản hoặc tự ghi chép trong một cuộc họp mà không cần phiên dịch. Thử hỏi có bao nhiêu thạc sĩ hiện nay của VN làm được điều này?
Tôi có anh bạn thế hệ 8X rất chăm học. Cách đây nhiều năm, khi đang theo học ngành du lịch của một trường ĐH ở TP.HCM, anh này đồng thời học tại chức cử nhân Anh văn. Sau 4 năm “mài” ghế giảng đường, anh ta tốt nghiệp cùng lúc 2 bằng ĐH: cử nhân du lịch và cử nhân Anh văn, được giữ lại làm giảng viên của trường ĐH do tốt nghiệp loại giỏi. Vì giảng viên bắt buộc tối thiểu phải có bằng thạc sĩ, sau đó bạn tôi tiếp tục thi vào cao học của Trường Đại học KH-XH-NV TP.HCM. Kỳ thi đó, riêng môn tiếng Anh có tổng cộng 100 câu trắc nghiệm, bạn tôi - tuy đã có bằng cử nhân Anh văn (tại chức) - vẫn làm sai 2 câu. Thế mới biết môn thi ngoại ngữ (đầu vào và đầu ra) không hề đơn giản chút nào, vậy mà thiên hạ vẫn tốt nghiệp thạc sĩ ào ào. Khiếp!
Cách đây không lâu, tôi tình cờ được dự một buổi tiệc “ăn mừng tốt nghiệp thạc sĩ” tại một nhà hàng. Tân thạc sĩ là một công chức. Trong không khí “bia bọt”, có người nói vui một chuyện gì đó liên quan đến tiếng Anh. Thế là chàng tân thạc sĩ nọ cũng hào hứng tham gia, chỉ có điều anh ta phát âm trật lất, thậm chí không hiểu luôn cả mấy từ tiếng Anh phổ thông. Rất thất vọng!
Với trình độ ngoại ngữ loàng xoàng như vậy, không hiểu bằng cách nào anh ta lại có thể tốt nghiệp thạc sĩ được. Hình như cả “đầu vào” và “đầu ra” của các lớp cao học hiện nay “có vấn đề”.
Nói đến thạc sĩ, tôi rất ngưỡng mộ ông Phạm Duy Khiêm, anh ruột của nhạc sĩ Phạm Duy. Ông Phạm Duy Khiêm là người VN đầu tiên lấy bằng thạc sĩ văn phạm Pháp văn tại Paris năm 1935, dạy người Pháp học tiếng Pháp. Thạc sĩ như vậy mới đáng nể, mới xứng đáng với danh xưng. Còn ngược lại, sẽ ứng với câu dân gian hài hước, rằng: Đầu đường tiến sĩ vá xe/Cuối đường thạc sĩ bán chè đậu đen.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.