Thả muỗi vằn mang Wolbachia phòng chống sốt xuất huyết

24/03/2022 18:38 GMT+7

Lần đầu muỗi vằn mang Wolbachia được thả tại khu vực phía nam - địa bàn được xem là những điểm nóng về dịch sốt xuất huyết hằng năm.

Trong hai ngày (24-25.3), Viện Pasteur TP.HCM cùng Chương trình Muỗi thế giới (World Mosquito Program - WMP) và các đơn vị tại Việt Nam tổ chức “Lễ triển khai thả muỗi vằn mang Wolbachia” trong khuôn khổ Dự án Wolbachia khu vực phía nam, nhằm giảm thiểu lây lan của sốt xuất huyết.

Lần đầu thả muỗi Wolbachia tại phía nam

Muỗi mang Wolbachia sẽ được thả tại TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang và TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Đây là lần đầu muỗi vằn mang Wolbachia được thả tại khu vực phía nam - là địa bàn được xem là những điểm nóng về dịch sốt xuất huyết hằng năm.

Triển khai thả muỗi vằn mang Wolbachia tại TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương ngày 24.3

CTV

Dự án này được Bộ Y tế phê duyệt và do Viện Pasteur TP.HCM, Chương trình Muỗi thế giới và tổ chức Action on Poverty tại Việt Nam phối hợp thực hiện.

“Là đơn vị triển khai dự án này, chúng tôi rất vui mừng chào đón phương pháp Wolbachia từ Chương trình Muỗi thế giới tại khu vực phía nam. Dữ liệu nghiên cứu ở một số khu vực trên thế giới cho thấy đây là một phương pháp an toàn, tự nhiên và hiệu quả trong việc giảm thiểu sự lây lan của các bệnh do muỗi truyền, đặc biệt là các bệnh như sốt xuất huyết, Zika và chikungunya”, đại diện Viện Pasteur TP.HCM cho biết.

Theo tiến sĩ Claudia Surjadjaja, Giám đốc Chương trình Muỗi thế giới khu vực châu Á, Thái Bình Dương, sốt xuất huyết là bệnh nhiệt đới có tốc độ lây lan nhanh nhất, với 40% dân số thế giới có nguy cơ bị ảnh hưởng. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy phương pháp Wolbachia có hiệu quả trong việc giảm số ca mắc sốt xuất huyết.

Một kết quả khả quan khác là tại khu vực Bắc Queensland, Úc. Tại đây, sốt xuất huyết không còn là một mối lo ngại trong lĩnh vực y tế công cộng. Số liệu tại Brazil, Việt Nam... cũng cho thấy số lượng ca mắc sốt xuất huyết giảm đáng kể tại những nơi thả muỗi vằn mang Wolbachia.

Theo đại diện của Chương trình Muỗi thế giới tại Việt Nam, Chương trình Muỗi thế giới trước đây đã từng thả muỗi tại TP.Nha Trang, Khánh Hòa, nay mở rộng tại TP.Thủ Dầu Một và TP.Mỹ Tho; hy vọng có thể tiếp tục mở rộng ở những nơi khác để góp phần phòng sốt xuất huyết.

Indonesia lấy muỗi trị sốt xuất huyết

Đưa vi khuẩn Wolbachia vào muỗi vằn

Wolbachia là một loài vi khuẩn tự nhiên, có mặt trong khoảng 60% các loài côn trùng, bao gồm một số loài quen thuộc như ruồi giấm, bướm và chuồn chuồn. Phương pháp Wolbachia của Chương trình Muỗi thế giới (World Mosquito Program - WMP) đưa vi khuẩn Wolbachia vào muỗi vằn (Aedes aegypti - tác nhân lây truyền một số loại bệnh như sốt xuất huyết, Zika, chikungunya và sốt vàng da). Vi khuẩn Wolbachia sẽ ngăn chặn sự xâm nhập và nhân lên của một số loại vi rút gây bệnh. Do đó, các vi rút gây bệnh này hầu như không còn khả năng truyền từ muỗi sang người.

Bà Claudia Surjadjaja - Giám đốc Chương trình Muỗi thế giới khu vực châu Á, Thái Bình Dương, phát biểu tại sự kiện

CTV

Muỗi vằn mang Wolbachia sẽ được thả ở những điểm nóng của dịch bệnh bằng các “hộp thả muỗi” được treo trong khu vực dân cư. Khi được thả, muỗi vằn mang Wolbachia sẽ kết đôi với muỗi tự nhiên tại địa phương. Theo thời gian, số lượng muỗi mang Wolbachia sẽ tăng dần cho tới khi lượng muỗi mang Wolbachia đủ nhiều không cần thả thêm.

Phương pháp Wolbachia có khả năng tự duy trì. Đây là phương pháp an toàn, có hiệu quả lâu dài trong ngăn ngừa lây lan của sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền khác như Zika, chikungunya và sốt vàng. Chương trình này hiện đang thực hiện tại 11 quốc gia.

Chương trình Muỗi thế giới, tên trước đây là Dự án loại bỏ sốt xuất huyết, là một tổ chức phi lợi nhuận do Đại học Monash của Úc thành lập với mục tiêu bảo vệ cộng đồng khỏi các bệnh do muỗi truyền.

Sốt xuất huyết là một trong những bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan nhanh nhất trên thế giới. Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận trung bình khoảng 90.000 ca mắc với khoảng 70% số ca ghi nhận ở khu vực phía nam. Ước tính hằng năm có hàng trăm ngàn ca mắc không có triệu chứng không được phát hiện, nhưng họ vẫn có thể lây bệnh cho người khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.