Thả lưới trên hiên nhà, gỡ cá dưới bếp mùa nước nổi

15/11/2022 14:32 GMT+7

Mùa nước nổi miền Tây không còn lạ với nhiều người. Nhưng hình ảnh dân địa phương thả lưới bắt cá ngay bên hiên nhà, thậm chí trong phòng khách, nhà bếp, là chuyện kỳ thú, một lần chứng kiến khó mà quên.

Vào mùa nước nổi, người miền Tây lại đến kỳ thu hoạch bao sản vật thiên nhiên ban tặng, khách du lịch được trải nghiệm nhiều câu chuyện sông nước độc đáo.

Trời nước mênh mông ở khu vực trung tâm Đồng Tháp Mười mùa nước nổi. Hơn một nửa diện tích của vùng đất ngập nước này nằm trên địa phận tỉnh Long An, phần còn lại thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang

trí minh

Căn nhà ở xã Tân Lập, H.Mộc Hóa, tỉnh Long An ngập giữa nước lũ. Chòm xóm có việc đến nhà nhau thay vì đi xe máy hoặc cuốc bộ như thông thường, giờ đây phải giong xuồng. Chủ nhà đang làm việc sau bếp, tiếp chuyện hai người hàng xóm đi thăm đồng ghé ngang qua

trí minh

Người đàn ông thả lưới bắt cá ngay trên hàng hiên nhà mình. Chủ nhà mang thau nhôm thả nổi trên mặt nước, đi lần dọc theo đường lưới gỡ cá. Chỉ một lúc sau, số cá mắc lưới, chủ yếu là cá linh nhỏ, đủ nấu nồi canh chua dọc mùng đãi khách

trí minh

Sinh hoạt đời thường của người miền Tây mùa lũ, không phải cảnh “dàn dựng” để làm du lịch nhưng hấp dẫn nhiều du khách tìm đến. Giám đốc một công ty du lịch ở TP.HCM cho biết, mùa nước nổi không còn lạ với nhiều người, nên việc thiết kế tour được các đơn vị chú trọng điểm nhấn, trong đó có tình huống đi vào câu chuyện thường nhật độc đáo của người địa phương

trí minh

Du khách thử tự tay gỡ cá dính lưới được thả ngay dưới sàn nhà bếp ngập trong nước lũ. Cá mùa lũ thường gặp có cá rô, cá sặc, cá thác lác…

trí minh

Cá vừa gỡ lưới bên tay phải được thả vô thau bên tay trái để làm sạch và chế biến ngay tại chỗ, trong căn bếp nổi nước. Vệc làm cá không cầu kỳ mà rất nhanh gọn, chỉ lấy ruột, rửa lại nước sạch rồi sắp lên đĩa để chuẩn bị làm món

trí minh

Mớ cá linh tươi rói từ dưới sông vừa lên, bên cạnh rổ bông điên điển cũng mới hái ngoài đồng nước về. Bộ đôi “song kiếm hợp bích” này làm nên món lẩu cá linh bông điên điển nức tiếng, không thể thiếu trong mùa nước lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long

trí minh

Nhổ xà di bắt cá rô. Xà di là ngư cụ đánh bắt của người vùng sông nước, làm bằng tre, đặt ở bờ mẫu có nhiều cỏ. Nước lũ về nhiều, mực nước cao, nếu mỗi nhà có vài chục cái xà di đi đặt, thu nhập từ số cá rô đồng bắt được đủ trang trải chi tiêu

trí minh

Mùa lũ cũng là quãng thời gian người dân nơi đây đi dỡ chà bắt chuột đồng. Chà là cách thức dùng cây, chủ yếu là cây ớt, chất đống trên đồng, rải lúa, bắp để dụ chuột chui vô. Sau khoảng chục ngày, người dân dỡ chà một lần, số chuột thu được có khi đến hàng chục ký

trí minh

Có khi chà được làm nhanh gọn bằng cách chặt cành cây tràm chất đống, quây lưới lại, sau thời gian ngắn có thể gom được khá nhiều chuột. Không chỉ chuột, dỡ chà ra có khi còn bắt gặp vài chú rắn núp bên dưới, coi như có thêm sản vật để bán hoặc món đặc sản thưởng thức

trí minh

Đôi vợ chồng chèo xuồng đi hái bông súng. Cứ nước lên đến đâu, bông súng lại vươn cao lên đến đó nên cọng dài hàng mét. Bông súng là một trong nhiều đặc sản được thiên nhiên ưu đãi cho miền Tây mùa nước nổi. Nguyên liệu này đi vào nhiều món đặc thù như canh chua, mắm kho, gỏi…, giúp người địa phương thêm thu nhập mà gần như không bỏ vốn, chỉ tốn công đi hái

trí minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.