Tết Việt xưa trong mắt người phương Tây: Thời gian vui chơi, chè chén...

02/02/2024 07:39 GMT+7

Trong những trang bút ký của nhà du hành vĩ đại William Dampier (Anh), người vòng quanh thế giới 3 lần, từng dành 40 năm trải nghiệm các hải trình giữa Âu - Mỹ, Âu - Á, thì Đàng Ngoài năm 1688 có nhiều nét lạ kỳ.

"Tháng giêng là tháng ăn chơi"

Hình như quan niệm "tháng giêng là tháng ăn chơi" của người Việt quá khó hiểu đối với một nhà du hành phương Tây đến Đàng Ngoài để khảo sát điều kiện, tiềm năng thị trường làm ăn cho Công ty Đông Ấn Anh (EIC). William Dampier nói về ngày tết VN trong cuốn Voyages and Discoveries rằng: "Trong thời gian ấy (nghỉ tết), họ rong chơi mất 10 hay 12 ngày và lúc này người ta không làm việc, mỗi người đều ăn mặc hết sức sạch sẽ có thể được, nhất là hạng dân thường. Những người này bỏ thì giờ ra để đánh bạc hay chơi mọi trò chơi mà người ta thấy ngoài đường phố đông nghịt những người. Cả ở thành thị cũng như nông thôn, người ta hết sức chăm chú đứng xem tất cả các thứ trò chơi ấy. Có những người dựng cây đu ngoài phố và lấy tiền của những ai muốn lên đánh đu" (Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688; Hoàng Anh Tuấn dịch, Nguyễn Văn Kim hiệu đính, NXB Thế giới, 2007).

Tết Việt xưa trong mắt người phương Tây: Thời gian vui chơi, chè chén...- Ảnh 1.

Những trò chơi trong hội xuân ở Đàng Ngoài (1685). Tranh Samuel Baron

TL

Tác giả cho rằng đánh đu là trò nguy hiểm, dễ dẫn tới mất mạng. Nhưng điều mà nhà du hành vòng quanh thế giới này thấy kỳ lạ nhất là thói quen chè chén ngày tết diễn ra khắp nơi. Ông tỏ vẻ dị ứng với thứ rượu ngâm rắn, bọ cạp, hoa quả đãi khách quý trong dân gian; coi đó là thứ men say tầm thường. Nói chè chén vì "chè là thức uống thông thường của họ", và rượu (chén) là không thể thiếu: "Họ còn uống cả rượu nóng, thứ rượu mà đôi khi họ đem pha lẫn với nước chè. Nhưng dù người ta uống bằng cách nào đi nữa thì mùi vị của nó rất tồi cho dẫu nó không phải là quá nặng. (...) Những nhà quyền quý thết đãi bạn bè. Những lúc ấy thì của ngon cùng rượu nóng thượng hạng không thiếu, tuy rằng, tôi nói thật, tất cả thứ rượu của họ chẳng đáng giá gì cả. Nhưng, như tôi được biết, họ rất chuộng nó và coi đó là một thứ thuốc bổ có công dụng đặc biệt, nhất là khi người ta đã bỏ vào đấy rắn và bọ cạp".

Ông William Dampier còn mô tả tục ăn trầu trong khi người ta đến thăm nhau ngày tết, cả những lời chúc mà với người ngoài có khi khách sáo, nhưng đó lại là tập quán không thể thiếu.

Đông như chợ tết

Là một người Ý, đến Bắc kỳ từ khoảng cuối thập niên 1640 và lưu lại trong 14 năm, cố Giovanni Flippo de Marini từng trải nghiệm nhiều cái tết truyền thống của người Việt và có ghi chép trong cuốn Relation nouvelle et curieuse des royaumes de Tunquin et de Lao (F. Le Comte dịch từ tiếng Ý, in tại Paris, 1666).

Cha cố người Ý thuật lại chợ tết ở Bắc kỳ diễn ra vào khoảng 15 hôm trước khi hết năm. Đó là phiên chợ miễn thuế (foire franche) mở khắp trong xứ, mọi người mọi nhà tha hồ mang đồ đạc, nông sản loại tốt nhất ra bán. Người tứ xứ đến tranh nhau bán, mua. "Quý tộc, dân dã, giàu nghèo mỗi người theo sức mình cũng muốn tiêu tiền; hàng đem đến tuy có đắt, người mua tuy có nghèo nhưng không ai là không muốn nhân dịp đầu năm trang hoàng bằng một vật gì mới và lạ. Vì suốt năm không có phiên chợ nào đẹp và lắm tiền như thế nên cuộc tụ hội của dân chúng quá sức tưởng tượng".

Nhưng chợ đông, buôn bán sôi động trong khi các cơ quan công quyền cũng giãn việc, nhiều nơi đóng cửa nên nạn trộm cướp dễ hoành hành. "Trên đường thì cướp bộ mà dưới thủy thì cướp sông", người buôn bán đi lại trên các ngả ngược xuôi nếu không thận trọng thì phải đối diện với nhiều hiểm nguy dẫn tới mất của, mất mạng.

Chuyện biếu xén quà cáp thể hiện hiếu nghĩa thì phổ biến trong dân. Việc quà cáp lấy lòng trong hệ thống hành chính quan liêu cũng có từ thế kỷ 17: "Các quan tùy theo phẩm trật của mình (có người lại tùy theo phẩm trật mình muốn đạt) mỗi năm gửi phẩm vật quý giá về dâng vua... Hạ quan gửi tặng vật về biếu thượng quan; học trò tết thầy, con cháu biếu gia trưởng, và như thế người dưới biếu người mà mình nhận là đứng ngay trên mình. Vì lễ vật nhận được rất nhiều và đủ các thứ, nên các quan có tục vào những ngày tất niên đem thết bà con thân hữu một phần to; còn lại thì cho lính tráng, đầy tớ để cho ai cũng có cảm tưởng là được dự vào tết và mọi người được vui mừng sung sướng".

Về dân sự, các vụ kiện cáo được gác lại trong thời gian 15 ngày giáp tết, những tù nhân phạm tội nhẹ được tha về, còn mắc tội nặng thì bị hành hình trước tết. Cơ quan công quyền cũng cố không để việc năm cũ vướng mắc sang năm mới.

Ngày tết, ngoài việc dựng nêu trước nhà thì người dân đem vôi tôi, quét trắng lên trên ngạch và đầu cột cửa, vẽ chi chít chung quanh hình thù mèo, đức Phật và treo những câu chú để ngăn đuổi tà ma. Sau giao thừa, nhiều nhà mở cửa vì cho rằng ông bà ông vải sẽ về, cũng có nhà sửa soạn giường chiếu, guốc dép tươm tất chu đáo để ông bà tổ tiên sử dụng, cả gậy để ông bà đi... "Cúng ông bà ông vải xong thì trong ba hôm tết họ không quét nhà…", cố Marini viết.

Ngày xuân, khắp phố phường đông vui, "muốn xem một quang cảnh tò mò và đẹp đẽ nhất thì phải vào hoàng thành". Sáng mùng một, sau ba cỗ đại bác, trong triều đình, trăm quan đến chúc tụng vua. Trong dân gian, thì người dân đi du xuân, thăm nhau, mừng tuổi mới.

Tục cho tiền mừng tuổi (lì xì) được viết ngắn gọn: "Bọn trai trẻ thì suốt đêm đi chơi, nhảy hát và chẳng sợ hãi gì cả, vào mọi nhà chúc mừng năm mới để lấy thưởng. Được tiền thì họ giữ lấy để tiêu dùng suốt trong dịp tết". (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.