Tết - Về nhà đi con

Thúy Hằng
Thúy Hằng
20/01/2020 08:01 GMT+7

Sắc hoa bung nở khắp phố phường, người đi lại như mắc cửi, lòng người chộn rộn phương xa vì tết. Những lúc như thế này, chỉ mong nhớ nhất gia đình, nơi lúc nào cũng mở rộng vòng tay “ Tết - Về nhà đi con ”.

Gia đình là trên hết

Anh Phạm Hà Phú, 31 tuổi, nhà khởi nghiệp Memory Wedding (trú Q.Thủ Đức, TP.HCM) mồ côi mẹ đã nhiều năm, lớn lên cũng không thấy bóng dáng cha, bao nhiêu năm một mình bươn chải giữa đời, tết lại càng là lúc bao nhớ thương về người thân của mình trỗi dậy. Những ngày này, bạn bè lần lượt rời khỏi thành phố về với mái ấm của mình, Phú cũng nhớ về những ngày còn mẹ, dù nghèo nhưng hơi ấm của mẹ đủ bù đi tất cả thiếu thốn của bánh chưng bánh tét, hoa đào hoa mai. Anh bộc bạch: “Một năm bận bịu cuốn người ta vào những cuộc mưu sinh, những nỗi nhớ cũng dằn lòng, nhưng tết là thời gian đặc biệt. Người ta luôn muốn về quê hương, với những người thương yêu của mình”.
Dù Gia Lai là nơi sinh ra và lớn lên, có những người thân ở đó, nhưng Quy Nhơn, Phạm Hà Phú lại coi như quê hương bởi có những người mong chờ anh và coi anh như con cháu ruột thịt trong nhà. “Quê hương, với tôi không nhất thiết phải là nơi mình sinh ra, hay nơi có bà con của mình. Chỉ cần nơi đó đủ yêu thương, có người mong ngóng mình”.

"Em sẽ là mùa xuân của mẹ"

Ảnh: Nguyễn Hoàng Tú

Những ngày trước tết, Phú chộn rộn những cảm xúc nhớ về bữa cơm với người bác. Dù chỉ là bác của bạn mình, không máu mủ nhưng bác luôn coi Phú như con trai và chờ đợi Phú về nhà những ngày tết. Anh hào hứng kể về những ngày anh đang mong đợi: “Trước tết tôi lên chùa cúng cho mẹ đẻ của mình, rồi về Củ Chi và tới Bến Tre thăm hai mẹ nuôi. Tôi dạo thăm chợ nổi, mua trái cây về TP.HCM về cúng tại nhà mình rồi bắt đầu hành trình về Quy Nhơn. Tôi thích nhất những ngày trước tết, cùng với bác đi chợ, mua hoa về trang trí nhà cửa, quây quần nấu nướng, ăn bữa cơm gia đình. Tết không ở đâu xa, chính là lúc ngồi cùng nhau trong những bữa cơm ấm áp đó”.

Tết, là bận rộn trong yêu thương

Nguyễn Hoàng Tú (25 tuổi, nhân viên bưu điện Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) thấy thương mẹ nhiều hơn, trong những ngày tết. Bao công việc dồn vào tay mẹ, nào giặt giũ mùng mền, sửa sang nhà cửa, buôn bán ngoài chợ từ sáng sớm, do đó cả cha và các con cùng mỗi người một chân một tay cùng làm, để tết là bận rộn trong yêu thương. “Tôi không quên được những ngày ấu thơ, nhà mình ở sát một con sông, những ngày cuối năm hay thấy cha mang đồ ra giặt. Cha nói phụ mẹ một tay kẻo mẹ đã đi làm buôn bán cả ngày, giờ còn làm thêm thì xỉu mất”, Tú kể.

Người TP.HCM đi chợ tết

Ảnh: Thúy Hằng

Tú làm việc ở Cần Thơ, em gái học ở Trường ĐH An Giang (ĐH QG TP.HCM), cả nhà cũng đều ngóng chờ em về nhà để sum vầy. Giờ thì Tú càng hiểu hơn câu hát “Dù đi đâu ai cũng nhớ. Về chung vui bên gia đình”. Tết nào, mẹ Tú cũng bán hoa ở chợ từ 4 giờ sáng, hơn 9 giờ sáng, cha chở mẹ về, đánh thức bầy con dậy cùng dọn dẹp nhà, nấu nướng, cùng ăn bữa cơm và dọn tiếp phần còn lại. “Mỗi người làm một ít sẽ thấy vui hơn, việc dọn dẹp là nét đẹp của gia đình, là nơi gia đình quây quần cùng nhau làm việc chung sau một năm bôn ba bên ngoài. Những tiếng cười nói rộn ràng vang lên, tuy mệt nhưng vui, vì lâu rồi gia đình không sum vầy như vậy”.

Nào cùng trở về nhà…

Anh Nguyễn Chức, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, cho hay ý nghĩa thiêng liêng nhất của tết truyền thống ở chỗ nó là dịp để người Việt nhớ về cội nguồn, ông bà, tổ tiên. Ngày tết đem lại một sự khởi đầu mới, rũ bỏ những gì không hay đẹp của năm qua nên mọi người đều cố gắng vui vẻ độ, lượng với nhau, bỏ qua hiềm khích cũ. Lòng người tràn đầy hoài bão về hạnh phúc và thịnh vượng cho năm mới. Đối với bất cứ người Việt nào, tết cũng rất quan trọng về mặt tinh thần. Đây cũng là dịp nhiều sẽ bận bịu hơn, người mẹ người vợ trong gia đình sẽ vất vả và nhiều âu lo hơn, cần lắm những san sẻ từ các thành viên khác để tết thật sự là khoảnh khắc được mong chờ”.

Bàn trà gia đình ngày tết

Ảnh: Thúy Hằng

TP.HCM những ngày này đường sá đông nghẹt, nhất là trong các trung tâm thương mại, tại các bến xe, nhà ga, sân bay. Sinh viên xa nhà, công nhân ở các khu công nghiệp, công chức làm việc ở xa, người nào cũng lỉnh kỉnh túi quà, hộp bánh, cành mai, cặp dưa hấu… và ngóng chờ hành trình của mình được khởi hành. Tết, là đoàn viên, là mong đợi được về với mái ấm của mình, dẫu giàu có hay chỉ là mái nhà đơn sơ giữa những rặng dừa. Vang đâu đây những lời yêu thương “tết rồi, về nhà đi con…”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.