Tết về ăn bánh lá, nhớ quê xa

05/02/2022 15:31 GMT+7

Năm nào cũng vậy, dù không thiếu những món bánh thời thượng của con cháu khắp nơi gửi về nhưng trên mâm thờ nhà ngoại không bao giờ thiếu đĩa bánh lá.

Với tôi, bánh lá do chính tay ngoại làm không chỉ là món quà mang sắc tết mà còn thấm đượm hương vị của tình thương.

Mọi người thường bảo, tết bây giờ nhạt lắm. Người ở phố chẳng mấy ai có thời gian, mà nếu có thời gian cũng chẳng có đủ không gian mà quây quần gói bánh, đốt lửa. Có lẽ vì vậy mà người ở phố đến tết đa phần về quê để tìm chút phong vị ngày xưa.

Vui nhất là lúc con cháu ở xa cùng quây quần gói bánh lá phụ ngoại

tú oanh

Với ngoại, tết là một dịp thật sự đặc biệt. Đây là ngày con cháu đoàn tụ, bày tỏ tấm lòng với gia tiên, trời đất nên cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Thứ gì bà cũng muốn tự tay mình làm mới ưng bởi vậy mà mấy món ăn truyền thống “nhà làm” luôn sẵn sàng nơi căn bếp của ngoại.

Tết nào cũng vậy, ngoại luôn dành vài ngày để chuẩn bị mấy rổ bánh lá thật to. Phần lo gửi đi xa cho mấy đứa con cháu không về được, số còn lại ngoại cho vào tủ lạnh cất đợi ngày cúng và mời khách suốt hơn ba mùng.

Ngoại ngồi cặm cụi gói bánh gửi đám con cháu năm nay vì dịch bệnh không về

Tú oanh

Những thứ bánh luôn có trong nhà ngày tết chính là bánh ít lá gai, bánh nếp mặn, bánh răng bừa, bánh lọc lá. Tôi gộp chúng vào gọi bằng cái tên thân thương “bánh lá của ngoại” bởi tất cả đều được bà gói bằng lá chuối sau vườn.

Công việc đầu tiên khi bắt đầu làm bánh chính là đi cắt lá. Ngoại dùng một cái sào tre có gắn con dao cong chẻ một đường dứt khoát dọc theo sống lá để tấm lá chuối mảnh không bị rách. Cứ đến tết là hầu như chuối sau vườn bị bà gọt sạch hết những tấm lá to.

Một đứa cháu vụng về chỉ biết ngồi “gõ chữ” như tôi cảm thấy bà ngoại thật xịn. Bà biết làm đủ mọi thứ bánh tôi mê với một số lượng lên đến vài rổ bự mà vẫn còn sức để chăm cho một đàn lợn và một đàn gà.

Bà hay trêu, con gái mới lớn mà không bằng bà già bảy chục, người ở phố như bây suốt ngày ngồi một chỗ nên yếu nhớt. Tôi cười hà hà, cắp cái thúng lá chuối đi theo sau bà mà muốn trẹo cả hông.

Lá sau khi được hái xuống ngoại sẽ đo mẫu, cắt kích thước lá cho phù hợp với từng món bánh. Khi đã có “mẫu” kích thước của ngoại, mấy đứa cháu bắt đầu đo theo rồi ngồi cắt. Cắt lá xong sẽ lấy khăn lau sạch rồi mang hơ qua trên bếp củi. Hơ lửa giúp lá mau khô lại mềm, dễ uốn gấp mà không sợ bị rách lá.

Trong lúc đám cháu chắt xử lý phần lá, ngoại ngồi ước lượng phần nhân bánh. Bà tính toán xem, năm nay đứa nào về, đứa nào không về được, sẽ gửi cho mỗi đứa bao nhiêu, đứa nào thích món gì để ngoại làm nhiều hơn. Ngoại luôn là người chu đáo và hiểu rõ sở thích không chỉ con mà còn cả đám cháu nhỏ của mình.

Sau khi đã tính ra số cân, ngoại đem gạo và nếp đi ngâm nước rồi xay làm bột. Phần nhân bánh ngoại cũng tự tay làm, thủng thẳng từng chút một mà đâu ra đấy, khách đến chơi nhà năm nào cũng khen.

Nhân bánh lọc lá ngoại xào rất vừa miệng. Đó là sự kết hợp của thịt mỡ băm nhỏ cùng nấm mèo, tôm đất được nêm với nước mắm nhĩ và tiêu sọ hơi cay the. Một phần thịt mỡ ngoại để riêng ra trộn cùng bột gạo làm nhân bánh răng bừa. Một phần tôm sẽ cho vào làm nhân bánh nếp.

Bánh ít lá gai có lẽ là loại bánh làm “mất công” nhất. Ngoại vặt lá gai mọc hoang nơi bờ rào vào, tước bỏ sạch gân mới đem đi luộc. Luộc xong lá lại đem vắt để khô. Lá khô rồi mang đi giã thật nhuyễn sau đó trộn cùng bột nếp, nêm thêm chút đường. Nhân bánh ít lá gai có thể là đậu xanh hấp chín hoặc nhân mè với đường đậu tùy sở thích “đặt hàng” của từng đứa.

Với tôi, gói bánh là công đoạn vui nhất vì đây là lúc cả gia đình lớn có thể ngồi vào giúp ngoại. Mấy dượng tay khỏe và khéo được phân công gói bánh chưng, bánh tét. Riêng mấy món bánh lá khác là phần của các dì và cháu.

Bánh răng bừa để ra một thanh dài đẹp, khi cho bột vào lá phải xoắn tròn tay để bánh thuôn đều không bị móp méo. Bánh nếp, bánh lọc chỉ cần đặt vào rồi gấp mí, ít lá gai thì vặn xoắn hai đầu để tạo thành một cục tròn xinh. Mấy trăm bánh được gói xong thì một phần cất, một phần mang đi hấp.

Năm nay nếu dịch Covid không bùng mạnh, hẳn giờ này tôi đã ở quê cùng bà. Cầm mấy thứ bánh lá ngoại gửi từ quê ra mà như thấy bóng hình bà cặm cụi nơi chái bếp. Bên trong tấm lá chuối là tất cả tình thương bà gửi gắm. Năm nay tết xa bà, hẹn năm sau, dịch bệnh yên lại được trở về nơi mình thương, ngồi phụ bà gói bánh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.