Tết trong ký ức văn thi sĩ: Tác giả ‘Tràng giang’ nhớ Tết chiến khu

04/02/2022 09:00 GMT+7

Trong ký ức của nhà thơ Huy Cận (1919-2005), được ghi lại nơi Hồi ký song đôi , một trong những cái Tết đáng nhớ, là Tết chiến khu năm 1952 nơi “thủ đô gió ngàn”.

Khi ấy, cơ quan Phủ Chủ tịch và Phủ Thủ tướng ở cạnh nhau bên núi, bên rừng chiến khu Việt Bắc tại bản Vèn, thuộc tỉnh Bắc Kạn. Nhà thơ Huy Cận vẫn còn nhớ, hôm ấy là chiều cuối năm của ngày 30 tháng Chạp, trời tạnh ráo nhưng gió buốt làm cho cái rét càng như cắt da cắt thịt. Lán trại của cơ quan khi ấy được làm dưới những tán cây to.

Hồi ký song đôi của nhà thơ Huy Cận kể kỷ niệm Tết nơi chiến khu Việt Bắc

Đình ba

Trước thời khắc năm cũ sắp qua, năm mới đang đến, “chúng tôi, anh em ở Phủ Thủ tướng đốt củi để sưởi ấm, nướng mấy củ sắn, ngồi nói chuyện, kể những kỷ niệm về Tết ở quê nhà cho đỡ buồn, cho đỡ nhớ gia đình”.

Bên bếp lửa được đốt bằng những khúc cây to chụm lại lấy ánh sáng và sức nóng đẩy lùi giá rét, mọi người thi nhau kể những kỷ niệm đáng nhớ về cái Tết ở quê nhà. Nào là Tết lúc ấu thơ, nào là thú đốt pháo, nào là những phiên chợ Tết theo cha mẹ đi sắm Tết. Biết bao chuyện về Tết đã qua để kể trong chiều 30 tháng Chạp trong lúc đón chờ năm mới sang.

Câu chuyện đang đượm thì vẫn lời Huy Cận, lúc ấy, Bác Hồ đi tới. Mọi người đứng dậy chào vị Chủ tịch nước. Bác giơ tay ra hiệu cho tất cả ngồi xuống. Người cũng ngồi xen vào bên cạnh anh em đang quây quần bên bếp lửa. Chỗ Người ngồi, là một khúc gỗ được cưa bằng. Tác giả của Lửa thiêng thuật tiếp.

“Bác hỏi chúng tôi đã nấu bánh chưng chưa, và chương trình Tết của chúng tôi như thế nào. Chúng tôi báo cáo với Bác những trò vui mà chúng tôi định tổ chức với nhau ba ngày Tết. Bác dặn ngay là phải đi thăm đồng bào trong bản, cùng đồng bào tổ chức vui chơi ngày tết, đánh còn, thi bắn chim, thi bắt cá trong hang suối…”. Lời dặn dò ấy, không chỉ là sự quan tâm về hoạt động Tết của đội ngũ cán bộ nhà nước, mà còn là chính sách dân vận của Người, là thuận theo lời xưa “nhập gia tùy tục”.

Sau lời dặn dò của Người, một đồng chí đứng dậy, mạnh dạn xin phép: “Thưa Bác tha cho, cho con được hỏi Bác một câu”. “Chú cứ hỏi, và chú cứ ngồi xuống nói chuyện”, Bác đáp. Thế rồi, đồng chí kia mạnh dạn hỏi thật, về việc vì sao Người không lập gia đình. Những tưởng sẽ bị Bác mắng nhưng không, Người trầm ngâm rồi giọng thấp xuống như tâm sự, ai cũng mong muốn có một gia đình riêng đầm ấm. Nhưng hoàn cảnh đời Bác không cho phép Bác được lập gia đình. Nói rồi, Người cười tiếp lời: “Bây giờ gia đình Bác là tất cả các cô các chú, là tất cả bà con, đồng bào. Không có gia đình riêng, thì Bác lấy gia đình chung làm cái vui của Bác, làm cái ấm áp của Bác”. Nhiều đồng chí xúc động trước tâm sự của Người, trước sự hy sinh hạnh phúc riêng tư của vị lãnh tụ kính yêu vì hạnh phúc, vì độc lập, tự do của dân tộc.

Bên bếp lửa, những câu chuyện Tết được kể

T.L

Để khuấy động không khí đang trầm lắng, Bác nói mọi người cùng hát cho vui và bới sắn đang nướng cho Bác ăn cùng. Những bài hát kháng chiến sau đó được cất lên giữa núi rừng Việt Bắc trong chiều cuối năm, “còn sắn thì mải câu chuyện, không ai lật trở cho đều, cho nên đã cháy thui gần hết. Tuy vậy Bác cũng cầm một mẩu nhỏ cùng ăn và khen “sắn cháy càng thơm”. Trong đời chúng tôi đã ăn bao nhiêu cái Tết vui, ấm, lúc trong gia đình, khi xa quê hương, nhưng chưa bao giờ lại có được một buổi chiều cuối năm ấm lòng như chiều tết ở bản Vèn, bên cạnh Bác”, nhà thơ Huy Cận hồi tưởng.

Nhớ lời Bác dặn trong chiều cuối năm bên bếp lửa, đến sáng ngày mùng một Tết, các đồng chí trong cơ quan của Phủ Thủ tướng tham gia vui Tết cùng đồng bào, người đi đánh còn, người đi chúc Tết, người lội suốt bắt cá… Cái Tết giữa đại ngàn trong thời gian kháng chiến đầy gian khó, nhưng đậm tình quân dân, thắm tình đồng chí và gần gũi giữa lãnh tụ cùng cán bộ mãi không quên trong ký ức tác giả Tràng giang.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.