• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Bạn cần biết Tiện ích Liên hệ
Theo dõi báo trên
Kỹ năng sống

Tết trong ký ức...

29/01/2018 05:48 GMT+7

Có thể nói Tết cổ truyền là một sự kiện vô cùng ý nghĩa và quan trọng với người Việt Nam. Khi bóng thời gian chạm cửa tháng 12 âm lịch cũng là lúc mọi người nô nức chuẩn bị đón Tết. Với những người xa xứ, đây chính là thời điểm họ được đoàn tụ cùng gia đình. Phóng viên Thời Trang Trẻ đã có dịp trò chuyện cùng các nghệ sỹ và doanh nhân để lắng nghe những chia sẻ về những ký ức Tết mang màu sắc rất riêng nhân dịp năm mới Mậu Tuất 2018.

Bài: Kim Chung

Ảnh: NVCC

 

Nghệ sỹ nhân dân Lan Hương (Bông)

Giữ truyền thống Tết của người xưa Hà Nội

 

1

 

“Tết là sự háo hức ngay từ bé với  tôi và cả gia đình. Mới chỉ đến tháng Chạp thôi thì cảm giác háo hức đã hiển hiện. Trước đây khi Tết đến, người lớn thường lo toan thu vén tiền bạc một năm để sắm Tết cho trẻ con, dọn dẹp nhà cửa, mua quần áo, thực phẩm dự trữ trong mấy ngày. Chính vì thế ngày Tết bao giờ cũng rất đầy đủ, đàng hoàng. Tết còn là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới nên tôi có cảm giác có một cái gì đó mới mẻ, rõ nét từ trẻ con tới người già. Không khí Tết ở Hà Nội thường kéo dài hơn các nơi khác và cảm nhận hương vị Tết của ngày xưa chính là mùi thơm bánh chưng luộc bốc khói nghi ngút ở một vài con phố. Cảm giác đó bây giờ hầu như không thấy nữa, cái không khí bảng lảng của những giọt mưa xuân ngày Tết, có gì đó rất lãng mạn từ những gánh hàng hoa, những cành đào, cái se lạnh mỗi sớm mai... Tôi may mắn vì chưa bao giờ phải xa gia đình dịp Tết nên thấy cảm thông với những ai không được đón Tết cùng gia đình để cảm nhận thời khắc chuyển giao giữa năm cũ năm mới.

Gia đình tôi năm nào cũng gói bánh chưng, ngay cả bây giờ dù sống trong gia đình 4 thế hệ thì thói quen đó vẫn được duy trì, cả truyền thống làm cỗ ngày Tết của người Hà Nội xưa với bánh chưng, nem rán, canh bóng, canh măng, món xào… Đêm Giao thừa cả gia đình ngồi quây quần bên mâm cơm cúng Giao thừa, uống rượu sâm banh và chúc nhau những lời chúc tốt đẹp cho một năm mới vẹn tròn hạnh phúc!”

 

Ông Nguyễn Ngọc Xuân - Chủ tịch HĐQT chi nhánh công ty TNHH Phan Anh - Kim Túc Group

Háo hức với chiếc bánh gù

 

2

 

“Tết là ngày vui nhất trong năm. Ngày tôi còn nhỏ, cả nước khó khăn nên chỉ ngày Tết mới được ăn no, mặc quần áo mới, chơi các trò chơi dân gian như ô ăn quan, đánh đáo, đặc biệt là được nghe tiếng pháo nổ đêm giao thừa. Trẻ con được nhận tiền mừng tuổi, được đi chúc Tết, về thăm ông bà, họ hàng nội ngoại và được ăn những món ăn ngon hơn ngày thường. Ở Thanh Hoá quê tôi có món ăn truyền thống là bánh chưng chấm mật, bánh răng bừa… những loại bánh mà chỉ ngày Tết mới có điều kiện để làm. Tết đến tôi thấy mọi người như rộng lòng với nhau hơn. Mọi người bỏ qua mọi khúc mắc ưu phiền trong một năm để hy vọng đón một năm mới ngập tràn 

niềm hạnh phúc. Niềm vui nho nhỏ của lũ trẻ con chúng tôi những năm 60 - 70 là được về thăm ông bà, ngồi xem cha gói bánh chưng, mỗi đứa được nhận được một cái bánh chưng con hay còn gọi là bánh gù, chỉ đơn giản thế nhưng những ký ức đó theo chúng tôi suốt đến tận bây giờ.”

 

Phan Đình Tuệ - CEO Thời trang Phan Nguyễn

Tết ấm áp trọn vẹn bên gia đình

 

3

 

“Tôi được sinh ra và lớn lên ở một làng quê ngoại thành Hà Nội, mãi đến năm học cấp II gia đình tôi mới chuyển lên Hà Nội. Vì vậy mà bạn học của tôi hầu hết là con nhà nông. Tôi thường được bạn cho đi chăn trâu, lấy khoai ngoài đồng hay đi bắn chim. Tết ngày xưa nghèo lắm nên bọn trẻ con chúng tôi chỉ mong Tết đến để được mua quần áo mới và tôi luôn háo hức với niềm vui đó, thích được hít hà mùi thơm của vải mới... Niềm vui trẻ con khi ấy còn là tiếng pháo đêm Giao thừa, niềm vui khi ngồi canh nồi bánh chưng trong ánh lửa bập bùng bên ông bà, bố mẹ; cảm nhận trọn vẹn một cái Tết ấm áp bên những người thân yêu.”

 

Hoa hậu biển Nguyễn Loan

Giữ lại nếp xưa

 

4

 

“Tết với tôi là khoảng thời gian ấm áp bên gia đình chờ Giao thừa tới; là dịp đến thăm họ hàng, cùng tụ họp trò chuyện rôm rả. Lúc nhỏ, Loan và em trai đều thích được trang trí chuẩn bị cho ngày Tết: cùng nhau đi mua đào, quất, bày biện ban thờ, mua bánh kẹo cho trẻ nhỏ và còn chuẩn bị rất nhiều bóng bay nữa. Bây giờ lớn rồi không còn làm nhiều trò vui như lúc nhỏ nhưng Loan vẫn rất thích giữ lại những thói quen khi xưa của gia đình, nên mỗi dịp Tết đến vẫn có sự háo hức mong chờ được về quê sum họp cùng gia đình.”

 

Chuyên gia thẩm mỹ Hương Aoki- Giám đốc Aoki Beauty

Tâm hồn luôn hướng về quê hương

 

5

 

“Tết là điều gì đó thật thiêng liêng mà ai ai cũng nôn nao mong chờ. Đó là dịp để mọi người tụ họp lại gia đình, cùng mong ước cho một năm mới hanh thông, sức khỏe tràn đầy, con cháu thành đạt... Ngày bé tôi mong Tết vì sẽ được nhận lì xì, được vui chơi bên bạn bè và được mặc những bộ quần áo đẹp nhất. Lớn lên một chút tôi nhận ra Tết còn là nỗi lo cơm áo của bố mẹ, sự đủ đầy lo cho con cái những ngày Tết giống như bất cứ gia đình nào. Đến khi lập gia đình tôi càng thấm thía cảm giác xa quê mỗi khi Tết đến Xuân về. Đó là cảm giác nhớ người thân, sự ấm áp quây quần bên mâm cơm gia đình ngày Tết. Tôi chợt nhận ra rằng dù bạn có ở bất cứ đâu thì ngày Tết tâm hồn bạn cũng luôn hướng về quê hương”.

 

Nhạc sỹ Giáng Son

Không bao giờ đi diễn vào đêm giao thừa

 

6

 

“Khi còn bé tôi thích Tết lắm. Tết được mặc quần áo mới, được ăn nhiều món ngon mà ngày thường không có và được mừng tuổi. Cứ mùng 1 mùng 2 là xúng xính quần áo đi cùng bố mẹ đến thăm họ hàng, làng xóm chúc Tết và thấy mình ở trạng thái lâng lâng! Lớn lên, có một cái Tết đi diễn ở nước ngoài, không về được làm tôi thấy buồn kinh khủng. Đến giờ Giao thừa, mấy đứa ngồi ôm gối cứ bần thần ra, chả ai nói với nhau lời nào. Nhớ không khí đêm Giao thừa, nhớ những món ăn ngày Tết, nhớ mọi người trong gia đình... Từ đó về sau không bao giờ tôi nhận lịch gì vào đêm 30 Tết để còn đón Giao thừa với gia đình. Cái khoảnh khắc đó với tôi thiêng liêng lắm. Tết đã gắn liền trong ký ức tuổi thơ tôi và tôi luôn trân trọng những phút giây được gần gia đình như vậy! Nhìn mọi người quây quần bên nhau tôi thấy mình may mắn và hạnh phúc!”

 

Phạm Văn Ca - CEO công ty Việt An Phú

Bánh chưng từng là món ngon nhất

 

7

 

“Ngày 30 Tết luôn là ngày bận rộn nhất của gia đình tôi. Anh em chúng tôi mỗi người một việc giúp bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, lau lá để gói bánh chưng, chuẩn bị mâm ngũ quả... Vui nhất là khi được trông nồi bánh chưng. Bình thường ở quê chúng tôi ngủ khá sớm nhưng đêm Giao thừa thì khác. Chúng tôi thức trông nồi bánh đến tận 12h đêm và chờ đón Giao thừa mà không thấy buồn ngủ chút nào. Thời khắc Giao thừa thiêng liêng với những tiếng pháo rộn ràng, làm cho những đứa trẻ con chúng tôi cảm nhận không khí tết càng trở lên vui hơn (người ta thường nói vui như đêm 30 Tết quả là không sai). Khi những chiếc bánh chưng đầu tiên được vớt lên khỏi nồi sẽ mang lên ban thờ để thắp hương Gia tiên và lũ trẻ chúng tôi được thưởng thức những miếng bánh đầu tiên sau đó. Ngày đó, sao mà hương vị bánh chưng ngon đến thế, như thể đó là món ngon nhất trong những món chúng tôi từng được ăn. Tôi thì chỉ mong trời sáng thật nhanh để sáng mùng 1 Tết tôi được đi chúc Tết người thân, họ hàng và được nhận tiền mừng tuổi!”.

 

Cựu người mẫu Trần Lệ Thủy - Giám đốc truyền thông The Gam

Tết mơ áo mới!

 

8

 

“Cái Tết thời bao cấp với tôi là những kỷ niệm được mẹ đưa đi xếp hàng mua đồ tem phiếu. Mọi người đứng xếp hàng rất dài, có người đặt gạch và cả một cô bé 5 tuổi như tôi cũng đứng xếp hàng cùng người lớn. Mọi người thấy vậy thương quá nhường cho trẻ con mua đồ trước. Thời đó, những đứa trẻ 5 - 6 tuổi chúng tôi thèm khát lắm những cái bánh, ô mai, mứt kẹo, đồ chơi như thú nhồi bông hay truyện tranh lắm. Tôi nhớ lắm kỷ niệm được một chú làm cùng cơ quan mẹ tặng một con thú nhồi bông mà giờ tôi vẫn giữ. Cũng như bất kỳ đứa trẻ con nào thời đó, tôi cũng mơ đến những bộ quần áo đẹp khi Tết về nhưng rất ít khi được mẹ mua cho. Tôi toàn phải mặc lại đồ cũ của các anh chị. Duy nhất có một cái Tết tôi được mẹ đan cho một cái áo len mới từ những cuộn len mà mẹ góp nhặt được. Đó cũng là chiếc áo mà tôi trân trọng hơn cả.”

 

NTK Hà Minh Phúc - Thời trang May’s house

Thích cảm giác hồi hộp đêm Giao thừa

 

9

 

“Ký ức Tết trong tôi là mùi hương tỏa ra từ nồi nước lá mùi già mẹ nấu cho cả nhà tắm vào chiều 30 Tết với mong muốn gội bỏ đi hết những bụi bẩn và những điều không may mắn của năm cũ. Tết còn là mùi thơm từ nồi luộc bánh chưng lá dong, tiếng lép bép của bếp than củi và hơi ấm tỏa ra từ đó. Từ nhà bước ra đường, vào chợ, đâu đâu cũng ngập tràn một không khí Tết. Cái giá lạnh của mùa Đông hay mưa phùn ngày Tết mang đến cái riêng đặc trưng và ấn tượng với tôi. Tôi còn rất thích không khí vui vẻ, quây quần ấm áp của gia đình bên bữa cơm Tất niên và cảm giác hồi hộp đêm Giao thừa thật sự rất xúc động!”

 

NTK Ly Eva - Thời trang May’s house

Bắt đầu từ những mùi hương

 

10

 

“Ký ức Tết xưa của tôi là hương thơm của những bó mùi già mẹ mua về chuẩn bị cho cả nhà tắm trước Giao thừa, hương thơm của các loại hoa, cây quất, cành đào và cả mùi thơm của pháo giấy nổ đùng đoàng trước sân nhà. Tết đầu tiên ở gia đình chồng cũng đáng nhớ với tôi. Đó cũng là thời điểm tôi có em bé nên phải kiêng cữ. Nhìn mọi người diện những bộ đồ đẹp nhất để đi chơi lòng tôi khi đó có chút tủi thân, cảm thấy cô đơn vì chưa hòa hợp được với văn hóa của nhà chồng. May mắn sao tôi có mẹ chồng rất tâm lý, bà chăm sóc và động viên tôi mỗi khi tôi nhớ nhà, nhớ khoảnh khắc gia đình sum họp vào năm mới nên nỗi nhớ cũng vơi bớt phần nào. Tôi thích diện áo dài đi chúc tết ông bà, cha mẹ vì qua đó tôi muốn các con tôi hiểu được phong tục truyền thống của người Việt mỗi khi Tết đến Xuân về.”

Top
Top