Tết nhứt mà đi gom... rác

27/01/2019 07:57 GMT+7

Một nhóm bạn trẻ tại TP.HCM đã thực hiện chiến dịch mỗi ngày đi gom rác làm gạch sinh thái để xây dựng thư viện xanh cho học sinh.

Gạch sinh thái

“Nhiều người đã nói như vậy khi tụi mình thực hiện chiến dịch này, vì ngày nào nhóm cũng đi gom rác, về vệ sinh rồi phơi, rồi cắt để làm gạch sinh thái”, An Minh Hùng, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, chia sẻ.
Trăn trở về vấn đề rác thải nhựa hiện nay, nhưng chưa có biện pháp nào thật sự hữu hiệu để có thể giảm được lượng rác này nên nhóm bạn trẻ đến từ Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM đã cùng nhau thực hiện dự án làm gạch sinh thái nhằm tái sử dụng lượng rác thải nhựa.
“Đang loay hoay tìm những giải pháp cho vấn đề môi trường nhức nhối hiện nay, mình tìm thấy thông tin về gạch sinh thái được thử nghiệm tại các nước trên thế giới. Thấy hay quá nên mình bắt đầu tìm hiểu và mang dự án này về cho các bạn cùng thực hiện”, Võ Hoài Nguyên, thành viên khởi xướng dự án, chia sẻ.
Còn với Phan Hoàng Nguyên, thành viên của nhóm, thì hạnh phúc khi có cơ hội thực hiện ước muốn: “Chiến dịch gạch sinh thái mà bạn Hoài Nguyên phát động đến với mình, giúp mình có được cơ hội để hiện thực ước muốn cùng với những người bạn đồng chí hướng”.
Thành phẩm gạch sinh thái
Để làm được gạch sinh thái, Hoài Nguyên cho biết trước tiên phải phác thảo mô hình cần xây dựng để biết sẽ cần bao nhiêu gạch sinh thái và kích thước như thế nào. Sau đó tiến hành thu gom rác thải không tái chế được như: ly nhựa, ni lông, hộp xốp… và vệ sinh để không còn mùi hôi, rồi phơi cho thật khô. Tiếp đến là khâu cắt nhỏ rác thải đã khô và nén vào các chai nhựa 500 ml, 1,5 lít; nén sao để mỗi viên gạch đạt yêu cầu phải đảm bảo về cân nặng (tùy theo kích thước mỗi chai) hoặc có thể bóp méo chúng, độ biến dạng không quá 10% là gạch đạt yêu cầu.
“Do tính chất của chiến dịch đòi hỏi lượng rác rất lớn cũng như vì vấn đề vệ sinh nên không phải rác nào tụi mình cũng tái chế được, vì thế mà lượng rác khả dụng không được dồi dào. Tụi mình phải tranh thủ đi gom ở mọi nơi có thể như ký túc xá, các nhà lân cận, công viên, rồi quanh làng đại học… Nói chung, bất kể lúc nào, đi đâu tụi mình cũng mang theo túi đựng để tiện thể gom rác về sử dụng. Bên cạnh đó, tụi mình cũng tổ chức thu gom rác trong trường và các trường khác, nhờ đó mà chiến dịch có sự cộng hưởng của rất đông bạn trẻ”, Hoài Nguyên chia sẻ.

Thư viện xanh từ rác

Để gạch sinh thái làm từ rác có thể sử dụng được, công đoạn vệ sinh luôn được nhóm đặt lên hàng đầu. Theo đó, sau khi thu gom nhóm bắt đầu phân loại, những loại rác không khả dụng và khó vệ sinh hay tiềm ẩn nhiều mầm bệnh sẽ được loại riêng ra, để lại chỗ tập kết rác. Còn rác tái chế được, nhóm sẽ tiến hành rửa sạch bằng các chất tẩy rửa cũng như dung dịch sát khuẩn khử mùi chuyên dụng, sau đó phơi thật khô để tránh nguy cơ ẩm mốc làm hư chai hoặc gây bốc mùi và cuối cùng là tiến hành làm gạch…
Những thành quả mà nhóm làm được đều trang bị cho khuôn viên Thư viện xanh ở Trường tiểu học Trường Thạnh (Q.9, TP.HCM), gồm bàn, ghế để học sinh có thể vui chơi hay đọc truyện, sách… Trong đó, ghế đòn cá nhân, ghế dài, bàn đều làm từ lốp xe và nhồi ruột bằng gạch sinh thái. Ngoài ra, nhóm cũng trồng thêm những chậu cây trong ly nhựa bỏ đi để tạo nên không gian thư viện xanh cho các em ngồi đọc sách.
Tất cả các chai nhựa đã được nhét đầy rác sẽ được kết dính lại với nhau bằng những lớp keo, và tùy vào các sản phẩm cần tạo ra sẽ được nhóm linh hoạt về độ kết dính để hạn chế tối đa việc dùng xi măng. Bên cạnh đó, muốn tăng thêm tính thẩm mỹ cho công trình nên ngay ở bước cắt nhỏ rác đem phơi, nhóm đã chủ động trộn chúng lại với nhau để có được sự đa dạng về màu sắc, làm cho viên gạch dù bằng rác nhưng nhìn vẫn rất bắt mắt.
Đây là công trình mà nhóm rất tâm huyết, vì vừa rèn được ý thức bảo vệ môi trường của cả người trẻ lẫn những đối tượng thụ hưởng sản phẩm.
Một góc không gian thư viện xanh được làm từ gạch sinh thái
Và đúng như mong muốn của nhóm, ngay từ khi dự án Thư viện xanh được khởi công ở Trường tiểu học Trường Thạnh, học sinh rất phấn khích và cùng tham gia phụ giúp làm gạch sinh thái. Trong khi cùng ngồi hướng dẫn các em nhét rác vào chai thì Nguyên hạnh phúc khi nghe một em học sinh lớp 3 thủ thỉ vào tai: “Anh ơi, lần đầu tiên em ngồi cạnh đống rác mà có thể vui chơi thỏa thích được như vậy đó anh. Hôm sau em ăn bánh xong sẽ mang rác lại cho anh để làm gạch sinh thái nha anh”.
Còn với Minh Hùng thì những tháng ngày đi nhặt rác, phân loại rác đã khiến anh chàng ngộ ra được nhiều điều: “Thường xuyên tiếp xúc với rác, em mới thấu hết được sự khó chịu mà rác đem đến cho bản thân và môi trường như thế nào, cũng như thấu hiểu được nỗi vất vả của những người lao công dọn vệ sinh, để ý thức hơn về hành động xả rác và tạo ra rác của bản thân mỗi ngày”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.