Tết Nguyên đán: Vì sao người Việt ‘cày’ cả năm để về quê ăn tết?

08/02/2024 14:07 GMT+7

'Cày' cả năm, dành dụm chi tiêu, người Việt làm ăn xa thường mong chờ thời điểm về quê ăn tết. Vậy nếu tết không về quê được thì báo hiếu, tri ân đấng sinh thành thế nào?

"Năm nay có về quê ăn tết không?" - là câu hỏi nhiều người được nghe nhiều nhất mỗi dịp tết đến, xuân về. Việc về quê ăn tết từ lâu là một lẽ đương nhiên với người Việt. "Cày" cả năm, chắt bóp từng đồng hay gom hết thưởng tết để mua được tấm vé về quê không còn là điều xa lạ.

Vì sao người Việt thích về quê ăn tết?

Theo TS Dương Hoàng Lộc, Khoa Văn hóa học, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), truyền thống của dân tộc Việt Nam là hướng về cội nguồn. Nét truyền thống này ăn sâu vào đời sống văn hóa, nhận thức của mỗi người.

Mỗi chúng ta hầu như đều lớn lên trong nhận thức rằng tết là dịp quây quần bên gia đình, chúc tết ông bà, cha mẹ, sau đó là những người thân quen. Những nếp văn hóa, thói quen dịp tết cứ vậy gắn với tâm thức của mỗi người.

Tết Nguyên đán: Vì sao người Việt ‘cày’ cả năm để về quê ăn tết?- Ảnh 1.

Lỉnh kỉnh đồ đạc về quê ăn tết là niềm hạnh phúc của người làm ăn xa quê

Vũ Phượng

Ngày nay, Tết Nguyên đán là thời điểm được nghỉ dài ngày nhất trong năm nên mọi người xem đây là dịp để cả nhà gặp mặt nhau sau một năm bươn chải làm ăn xa. Về nhà ăn tết, không khí ấm áp, tiếng chúc tết rộn ràng... là những "hương vị" giúp ngày tết thêm trọn vẹn. Vì vậy, dù giá vé có cao, người Việt vẫn cố gắng chắt bóp từng đồng, thậm chí gom hết tiền tiết kiệm của năm qua để về quê ăn tết.

Thượng tọa Thích Trí Chơn, trụ trì tu viện Khánh An (Q.12) cũng nhận xét, quây quần về với gia đình ngày tết là truyền thống đẹp của người Việt. Theo thượng tọa, ngày nay, do tốc độ phát triển của xã hội nên con cái trưởng thành nhiều người ra ở riêng. Nhưng ngày trước và một số gia đình ngày nay vẫn còn duy trì đó là 3 - 4 đời cùng chung sống (tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường).

Vì sao người Việt ‘cày’ cả năm để về quê ăn tết?

Vì lẽ đó, nếu được quây quần bên nhau, nói những lời tốt đẹp, lời chúc bình an và được nhìn thấy nhau ngày khởi đầu của năm mới thì đó là niềm hạnh phúc - hạnh phúc trở nên quen thuộc của mỗi người, mà chỉ khi vắng đi rồi mới cảm thấy thiếu.

Tết Nguyên đán: Vì sao người Việt ‘cày’ cả năm để về quê ăn tết?- Ảnh 2.

Nhiều người lao động "cày" cả năm vất vả cố gắng tích cóp từng đồng về quê

Vũ Phượng

"Hai chữ "tri ân" mang một ý nghĩa rất lớn của truyền thống văn hóa Việt. Khi một năm mới bắt đầu, người ta lại hướng đến những điều mới mẻ của năm mới với các kế hoạch, mục tiêu mới. Với truyền thống của người Việt, tất cả mọi sự phát triển, thành đạt của chúng ta bắt đầu từ điểm xuất phát. Vì vậy ngày tết là ngày trở về với gia đình của mình", thượng tọa Thích Trí Chơn chia sẻ.

Chính từ nét văn hóa, suy nghĩ và quan niệm như trên nên ngày tết là dịp đặc biệt để kết nối tình thâm giao và gắn bó trong một gia đình hay lớn hơn là trong một đại gia đình và cả với bà con xóm làng, người thân quen.

Ngỡ phải đón tết xa nhà, nữ công nhân vỡ òa hạnh phúc với tấm vé xe về quê miễn phí

Không về quê ăn tết, báo hiếu thế nào?

Một năm qua, nhiều người lao động bị "ít việc", cắt giảm giờ làm, thậm chí nằm trong diện cắt giảm nhân sự, chật vật tìm đủ việc làm mong kiếm đủ tiền xoay xở. Kiếm được ít tiền hơn nhưng nỗi lo, các khoản chi thì vẫn chất chồng... Nhiều người dù rất tiếc nuối nhưng cũng đành thông báo cho gia đình không về quê ăn tết.

"Về quê ăn tết không chỉ tiền vé đi lại, mà còn tiền quà cáp, tiền lì xì, đãi khách, mua sắm đồ gia đình... Đó là những áp lực của người thành phố khi về quê ăn tết. Vậy nên 2 năm nhà tôi mới về một lần, năm nào không về thì gửi tiền mừng tuổi cha mẹ qua ngân hàng", chị Dương Thị Trang (quê Nghệ An) nói.

Tết Nguyên đán: Vì sao người Việt ‘cày’ cả năm để về quê ăn tết?- Ảnh 3.

Hướng về cội nguồn ngày tết là truyền thống tốt đẹp của người Việt

Vũ Phượng

Về câu hỏi: "Không về quê ăn tết, báo hiếu cha mẹ thế nào?", thượng tọa Trí Chơn cho hay, trong thời đại công nghệ này, khoảng cách của chúng ta đã được rút ngắn hơn. Có nhiều cách để chúng ta thể hiện niềm tri ân, hiếu kính với cha mẹ, ông bà tổ tiên; đơn giản nhất, chúng ta chỉ cần 1 cuộc gọi, 1 tin nhắn, gần gũi hơn nữa là cuộc gọi video, nhìn thấy mặt nhau. "Khi suy nghĩ chúng ta đang nhớ về cha mẹ, đó chính là lúc chúng ta thấy mình gần gũi hơn với cha mẹ", vị thượng tọa chia sẻ.

Bên cạnh đó, nếu có điều kiện, chúng ta cũng có thể gửi những món quà trong khả năng để chúc sức khỏe, sắm sửa tết cho gia đình... "Không cần nặng về vật chất, bản thân mỗi người phải luôn nhớ rằng báo hiếu cha mẹ là việc làm mỗi ngày, không phải đến các dịp lễ", trụ trì tu viện Khánh An cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.