Tết Nguyên đán ở Thăng Long - Kẻ Chợ vào giữa thế kỷ 17

25/01/2020 19:00 GMT+7

J.Tissanier (1618 - 1688) là một giáo sĩ người Pháp . Năm 1658, Tissanier đến Đàng Ngoài cùng với cha Albier, cư trú tại Thăng Long - Kẻ Chợ.

Trong số các tác phẩm của J.Tissanier, có cuốn ghi chép nhiều thông tin về Đàng Ngoài khoảng giữa thế kỷ 17. Du khảo của Tissanier được in lại trong cuốn Misions de la Cochinchine et du Tonkin (Các giáo hội ở Đàng Trong và Đàng Ngoài), ấn hành ở Nhà xuất bản Charles Douniol, Paris năm 1858. Tuy nhiên, cho tới nay, cuốn du khảo này chưa hề được biên dịch và xuất bản ở Việt Nam.
Chúng tôi chuyển ngữ và trích một số đoạn thuộc một chương ngắn trong cuốn du ký của ông: Cha Onuphre Borgès và tôi đến chào chúa Đàng Ngoài ngày đầu năm mới.
Ngày cuối năm [Canh Tý, 1660], chúa [Trịnh Tạc] cùng đoàn quân tùy tùng xuất hành ra khỏi vương phủ để đi tắm sông. Ngày hôm sau, theo phong tục, ông tiếp trong cung điện những thần dân của mình đến chúc mừng.
Những vị quan cho rằng nếu tôi đi cùng với đức cha bề trên đến chúc tết chúa, thì có lẽ ông sẽ hài lòng về việc đó. Tôi mặc tấm áo choàng màu tím và đội một chiếc mũ lớn hình lục lăng, đó là những lễ phục được quy định để đi vào phủ chúa.
Vì theo tín ngưỡng cho rằng ngày mùng một tết là ngày tốt phúc nên trong ngày này, đức vua [Lê Thần Tông] cũng được long trọng đón rước diễu qua những đường phố chính của kinh thành.
Từ tối hôm trước, tất cả triều đình đã chuẩn bị sắp đặt cho ngày lễ lớn này. Nhà vua đã cử ba nghìn quân sĩ canh phòng trên tất cả mọi đường phố mà đức vua sẽ đi qua. Suốt đêm đâu đâu cũng đèn đuốc thắp sáng choang đón chào năm mới. Đúng nửa đêm giao thừa, một tiếng súng lớn bắn từ trong vương phủ báo hiệu cho tất cả mọi người biết rằng năm mới đã bắt đầu, và rằng vì thế, ba ngày tết tiếp theo sẽ là những ngày nghỉ ngơi vui chơi hoan hỉ.
Từ tờ mờ sáng mùng một, đoàn quân của đức vua đã bắt đầu lên đường, tháp tùng nhà vua từ cung điện của ngài đến tòa điện [Nam Giao] nơi ngài phải làm lễ tế trời với một nghi thức rất văn minh trịnh trọng mà cả đến những người châu Âu cũng sẽ phải khâm phục.

Chúa Trịnh Tạc

Nguồn: Trịnh gia thế phả

Đoàn quân sĩ này gồm hơn bốn vạn, giáo gươm sáng loáng, mặc nhung phục may bằng loại dạ Hà Lan nhuộm nhiều màu khác nhau, để cho tất cả các binh sĩ trong cùng một cơ đội đều mặc đồng phục cùng màu. Theo sau mỗi cơ đội là một thớt voi, do một vị đại quan hoặc một hoàng thân cưỡi trên lưng, ngồi trong một chiếc ghế lớn sơn son thếp vàng, có xích sắt tráng nhũ bạc buộc chặt vào lưng voi. Tiếp theo mỗi quân đoàn là rất nhiều con ngựa trang sức lộng lẫy, được dắt đi bằng dây cương. Trong giữa đám rước nghi trượng đó, nhà vua ngồi trên một long kiệu thếp vàng có lọng che do người khiêng, bước theo xung quanh là đoàn quân cận vệ tinh nhuệ của chúa. Họ cưỡi trên lưng những con ngựa đẹp nhất xứ sở, tháp tùng có đến trăm con voi, được điều khiển dễ dàng như những con ngựa thuần thục nhất ở nước Pháp.
Cuối cùng, cỗ kiệu song loan của nhà vua tiến lên, xung quanh có đội quân túc vệ, tới chỗ làm lễ tế trời, trong một tòa điện lộng lẫy. Nhà vua và các vị đại thần chủ chốt tham dự nghi lễ ấy. Trong khi đức vua hành lễ, tất cả quân sĩ đều dừng lại, cho tới khi người ta bắn ba phát súng thần công báo hiệu nhà vua quay trở về hoàng cung. Đoàn người lại diễu hành, trước hết là quân lính, đoàn ngựa voi, rồi sau đến nhà vua ngồi trên một ngai vàng tráng lệ, xung quanh phô trương nhiều lá cờ phướn màu vàng. Vị quân vương này tỏ ra hoan hỉ khi thấy đông đúc mọi người tụ tập lại và hân hoan đi diễu hành đến những nơi mà ngài chỉ được nhìn thấy một lần trong năm. Chúa ngồi trong ghế xe đẩy, giữ im lặng với một vẻ uy nghi vượt trội nhà vua. Người ta trông thấy trong đoàn rước lễ có tới hơn 3.000 con ngựa và hơn 300 con voi thân hình to lớn phi thường. Nhưng điều tôi tiếc nuối là trong số đông những quan quân tướng lĩnh, hoàng thân đại thần đó, phần đông lại là những người ngoại đạo thờ thần phật.

Một vị tiến sĩ là quan văn của triều đình Lê - Trịnh

Nguồn: F.Marini, Delle Missioni de padri della Compagnia de Giesu, Roma, 1663

Nhiều người tháp tùng nhà vua về tới hoàng cung, trong khi nhà vua trở lại cung thất của ngài, được các hoàng thân, đại quan và toàn quân đội chào đón chúc tụng. Đám đông quá lớn đứng chen chúc ở các cửa cung, đến mức chúng tôi hầu như hoàn toàn hết hy vọng có thể vào trong đó. Tuy nhiên, chúng tôi cũng được diễm phúc để đi tới một sân triều rộng lớn, nơi mọi người chúc tụng nhà vua. Chúng tôi quỳ lạy bốn vái trước sự có mặt của hơn 4.000 người, đội mũ trên đầu, vì ở xứ Đàng Ngoài và ở nước Trung Hoa, không ai lại để đầu trần trước mặt nhà vua, nếu không phải là những kẻ tội phạm. Từ đó mà tại Trung Quốc, các đức cha của chúng tôi được tòa thánh La Mã cho phép đội mũ trên đầu khi làm lễ ban thánh thể, cho thích hợp với phong tục của xứ sở...
Ngày hôm sau đại lễ đó, các vị quan báo cho biết chúng tôi sẽ trở lại hoàng cung ngày mồng ba tết, vì nhà vua muốn được tất cả những người ngoại quốc chúc tụng sau khi ngài đã cúng bái các vị tổ phụ ở một ngôi điện trong gia đình.
Khi buổi lễ này tiến hành trong sáu giờ đồng hồ kết thúc, các vị quan gọi chúng tôi sang chúc tết vị chúa trong một tòa sân rất đẹp, nơi có nhiều đại thần và các tướng lĩnh xuất sắc của quân đội tham dự.
Trước hết là những người Trung Quốc thi lễ theo cách thức của họ và sau đó theo cách thức của xứ Đàng Ngoài. Những người Hà Lan giữ phong tục Hà Lan. Cha Borgès và tôi chúc tụng vị chúa theo phong cách của xứ Đàng Ngoài. Nhưng vì nhà chúa để vị mẫu hậu của ngài ngồi gần ngài để được tôn vinh bằng một ân huệ chưa từng có như vậy, ngài bảo chúng tôi quỳ lạy bốn vái vị mẫu hậu cũng như chúng tôi đã thi lễ với chính bản thân ngài.
Trong thời gian đó, qua một vị đại thần, ngài hỏi tuổi tác chúng tôi, cũng như muốn chứng tỏ rằng ngài không quá phải bức xúc chống lại các giáo dân như thế nữa, và rằng ngài đồng ý cho phép chúng tôi được ở lại trong vương quốc của ngài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.