'Tết không dài nhưng tinh thần tết thì quá dài'

21/02/2018 14:46 GMT+7

Có nhiều ý kiến khác nhau về thời gian nghỉ Tết Nguyên đán. Dưới góc nhìn một nhà văn hóa học, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm đã có chia sẻ về vấn đề này.

Chiều ngày 20.2, phóng viên Báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi nhanh với GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) về vấn đề này.

GS-TSKH Trần Ngọc Thêm       

Vấn đề là ở ý thức ăn tết

Có một số ý kiến cho rằng thời gian nghỉ Tết nguyên đán như hiện nay quá dài, GS có đồng tình với quan điểm này không?

 Thực ra trong xã hội nếu bàn về một vấn đề gì đó thì bao giờ cũng có chuyện “9 người 10 ý”, tùy theo góc nhìn và quyền lợi của mỗi nhóm người. Liên quan đến thời gian nghỉ Tết Nguyên đán thì người đi làm xa hoặc người hoạt động trong các loại hình dịch vụ phục vụ Tết (được lợi) sẽ cho là vẫn ít, người bị thiệt hại do công việc đình trệ (ví dụ như các nhà quản lý doanh nghiệp, các doanh nhân gốc phương Tây) sẽ cho là quá dài.

Theo ý kiến cá nhân tôi, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán theo quy định của Luật Lao động là 5 ngày như hiện nay là hợp lý. Sở dĩ theo lịch nghỉ chính thức dành cho công chức viên chức do Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội công bố, lịch nghỉ năm nay gồm 7 ngày (từ ngày 29 đến hết mùng 5 âm lịch) là do có thêm 2 ngày nghỉ bù thay cho 2 ngày cuối tuần. Thời gian nghỉ bù được sắp xếp như vậy cũng là hợp lý.

Tuy nhiên vấn đề đáng bàn không phải nằm ở độ dài của thời gian nghỉ chính thức theo quy định, mà nằm ở ý thức ăn tết, tinh thần ăn tết. Hàng năm, cứ sau rằm tháng Chạp là lòng người bắt đầu chộn rộn; sau ngày cúng Ông Táo là tinh thần làm việc sa sút, người ta chỉ nghĩ đến kế hoạch ăn tết, kế hoạch về quê. Sau ngày 24 tết, nhiều nơi đã tranh thủ làm tiệc tất niên, tranh thủ đi biếu quà tết. Sau tết, mùng 5-6 lẽ ra phải bắt đầu làm việc thì thực chất nhiều nơi chủ yếu dành cho việc chúc tụng, tiệc tân niên. Nhiều nơi, phải sau rằm tháng Giêng công việc mới trở lại được nhịp điệu như cũ. Thành ra, thời gian nghỉ tết trên thực tế dài hơn thời gian nghỉ tết chính thức theo quy định rất nhiều. Tết không dài nhưng tinh thẩn  tết thì dài quá.

Nhiều nơi, phải sau rằm tháng Giêng công việc mới trở lại được nhịp điệu như cũ. Thành ra, thời gian nghỉ tết trên thực tế dài hơn thời gian nghỉ tết chính thức theo quy định rất nhiều. Tết không dài nhưng tinh thẩn  tết thì dài quá
GS Trần Ngọc Thêm

Không ít ý kiến cho rằng Tết là dịp gia đình đoàn tụ, về thăm quê, nên cần có thời gian đủ dài. GS nghĩ sao?

Một trong những giá trị tinh thần cơ bản của tết là dịp cho gia đình đoàn tụ. Nhưng ngày xưa người Việt sống khép kín trong các làng quê nên không có chuyện “về thăm quê”. Ngày nay các đô thị phát triển mạnh, công thương nghiệp phát triển mạnh, nhất là ở khu vực phía Nam, nên lượng người đi làm ăn xa tăng nhanh, mới kéo theo nhu cầu nghỉ tết dài để về thăm quê.

Song đây chính là chỗ nan giải nhất của vấn đề ăn tết. Vì với những người đi làm ăn xa, nghỉ tết 5-7 ngày rõ ràng là quá ít, phải là một tháng mới có thể xem là đủ.

 Thêm vào đó, số người đi làm ăn xa lại được phân bố không đồng đều. Chỉ có người nông thôn đến đô thị làm ăn chứ không có chiều ngược lại. Tuyệt đại bộ phận là người khu vực phía Bắc vào Nam làm ăn, còn chiều ngược lại hầu như không có, hoặc nếu có thì cũng rất ít. Thực tế này khiến cho việc nghỉ tết gây nên rất nhiều xáo trộn trong xã hội.

Có những phong tục sẽ phải lùi vào quá khứ  nếu không còn phù hợ

Vậy  tết cần thay đổi như thế nào để phù hợp hơn với xã hội hiện đại, thưa GS?

 Tôi cho rằng điều quan trọng là cần khuyến khích sự đa dạng hóa các nhu cầu tết, cách thức ăn tết. Xã hội hiện đại ngày càng đa dạng, nhu cầu của con người hiện đại cũng ngày càng đa dạng. Sống trong xã hội hiện đại phải tập quen dần, tập chấp nhận thực tế là có những phong tục sẽ phải lùi vào quá khứ nếu những phong tục đó không còn thích hợp. Trên thực tế điều này lâu nay đã đang diễn ra.

Chúng ta đã dần quen với việc ăn tết không có tiếng pháo nổ. Bánh chưng là một biểu tượng đẹp, một món ăn ngon nhưng ở các đô thị không nhất thiết và không thể cho phép mỗi gia đình đều có một nồi bánh chưng sôi sùng sục. Bánh chưng do các dịch vụ cung cấp không chỉ giảm nhẹ cho chúng ta thời gian và sức lực, mà còn giúp cho hình thức đẹp hơn, chất lượng ngon hơn. Dịch vụ cung cấp các chậu hoa chơi tết và nhận chăm sóc các chậu hoa trong năm ở đô thị cũng đang ngày càng phát triển.

Cách thức sum họp gia đình trong dịp tết cũng đang có khuynh hướng đa dạng hóa và khác xưa nhiều. Ở các đô thị, đang ngày càng phổ biến xu hướng gia đình không ăn tết ở nhà mà cùng nhau đi du lịch. Phong tục ngày xưa là trước tết phải đi biếu quà , trong tết thì đến chúc tết, tức là cùng một mối quan hệ phải gặp nhau tới hai lần mới coi là đủ lễ. Ngày nay việc này chủ yếu chỉ còn duy trì trong phạm vi rất hẹp của gia đình (con cháu với cha mẹ ông bà), còn trong những quan hệ xa hơn thì phổ biến là chỉ đi biếu quà trước tết, còn trong tết thì chúc nhau qua điện thoại, tin nhắn...


Nhu cầu sum họp gia đình, gắn kết cộng đồng như một giá trị tinh thần truyền thống quan trọng của tết cũng không nhất thiết cứ phải đợi thể hiện đúng vào dịp tết. Tùy theo hoàn cảnh và đặc điểm của từng gia đình, việc sum họp gia đình có thể thực hiện kết hợp với các ngày khác trong năm như giỗ chạp, nghỉ phép, kỷ niệm những sự kiện lớn của gia đình… Bạn bè bây giờ đã không nhất thiết phải gặp nhau vào dịp tết mà có thể gặp – thậm chí là thường xuyên hơn – vào bất kỳ lúc nào qua điện thoại, video chat…

Người lao động trở lại TP.HCM làm việc sau kỳ nghỉ Tết Mậu Tuất  Ảnh: Độc Lập 

Một xã hội chấp nhận rộng rãi sự đa dạng sẽ chỉ giúp cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình được tự do hơn, hạnh phúc hơn. Tự do, hạnh phúc hơn cho mỗi người, mỗi gia đình cũng chính là mục đích cuối cùng của văn hóa.

Nhiều điều xáo trộn, bất thường khi nghỉ tết 

Việc nghỉ tết khiến cho rất nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh trở nên bất thường.

Bất thường nhất là ở lĩnh vực giao thông. Do số người đi làm ăn xa ngày càng tăng lên nên giao thông đi lại trong những ngày tết gia tăng đột biến. Trước và sau tết các sân bay, bến tàu xe chật cứng; các cửa ô của những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đều kẹt xe kéo dài. Lại do số người đi làm ăn xa phân bố không đồng đều nên giao thông gia tăng không đồng đều, trước tết chỉ tập trung vào một chiều từ Nam ra Bắc, sau tết là một chiều từ Bắc vào Nam.

Bất thường thứ hai là ở lĩnh vực trật tự an toàn xã hội. Tết năm nào cũng vậy: nạn rượu chè cờ bạc gia tăng; số người nhập viện gia tăng, số người tử vong vì tai nạn giao thông và các lý do khác gia tăng.

Bất thường thứ ba là ở khía cạnh sức khỏe. Trong khi việc gặp gỡ người thân, sự kết nối với quê hương giúp cho tinh thần phấn chấn thì việc ăn uống thất thường, nhậu nhẹt quá mức, chơi bời quá độ; đi lại phải chờ tàu xe, gặp kẹt xe tắc đường… khiến cho sức khỏe nhiều người bị ảnh hưởng, sau tết có cảm giác mệt mỏi.

Bất thường thứ tư là ở khía cạnh kinh tế. Với những người có hoàn cảnh kinh tế khó khan, phải đi làm ăn xa thì gần đến tết, thay vì gửi để giúp gia đình thì lại phải dành dụm tiền tiêu tết: nào là mua sắm, tặng biếu, lì xì.... Ở một số gia đình, tiền dành dụm cả năm được đem ra tiêu trong mấy ngày tết. Với các doanh nghiệp sản xuất đòi hỏi thời gian làm việc liên tục, việc nghỉ tết kéo dài sẽ khiến cho công việc bị gián đoạn, hợp đồng làm ăn với các đối tác nước ngoài bị ảnh hưởng, việc tăng lương gấp 2-3 lần cho những người làm việc trong dịp tết khiến cho ngân sách bị ảnh hưởng…


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.