Tết kết nối yêu thương

Bích Thanh
Bích Thanh
06/02/2024 06:10 GMT+7

Nghỉ tết nhưng không ngừng kết nối là điều mà các trường và nhiều giáo viên tại TP.HCM hướng đến để duy trì sự gần gũi với học sinh trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 kéo dài 16 ngày.

"QUẢN LÝ" SỨC KHỎE VÀ AN TOÀN HỌC SINH NGAY TRONG LÚC NGHỈ TẾT

Xuất phát từ thực tế các lớp đều có nhóm kết nối, trao đổi thông tin trên mạng xã hội với nhau nên giáo viên (GV) chủ nhiệm và học sinh (HS) Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú) cùng giao hẹn trong thời gian nghỉ tết. Hằng ngày, trong những hoạt động sinh hoạt cùng gia đình, mọi thành viên có thể chụp và gửi hình vào nhóm để cùng chia sẻ, lan tỏa. Ông Nguyễn Quang Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh, cho hay nhà trường khuyến khích GV và HS luôn giữ kết nối với nhau chứ không phải HS nghỉ tết về với gia đình là GV hay nhà trường "hết trách nhiệm".

Học sinh Trung tâm GDTX Chu Văn An (Q.5, TP.HCM) có thể vào trường vui chơi trong thời gian nghỉ tết ẢNH: NGUYỄN ĐỖ

Học sinh Trung tâm GDTX Chu Văn An (Q.5, TP.HCM) có thể vào trường vui chơi trong thời gian nghỉ tết

NGUYỄN ĐỖ

"Việc thầy cô và học trò chia sẻ với nhau hình ảnh vui chơi, sinh hoạt truyền thống ngày tết cùng gia đình cũng là cách GV "quản lý" được sức khỏe, an toàn của các em. Sự kết nối thường xuyên như vậy sẽ giúp không khí ngày trở lại trường sau thời gian nghỉ tết dài không khiến các em hụt hẫng bởi hằng ngày các em vẫn sinh hoạt trong môi trường tập thể lớp với thầy cô và bạn bè", ông Đạt chia sẻ.

Tương tự, một hoạt động trải nghiệm có tên gọi "Gia đình ngày tết" đã được phát động trong GV và HS Trường THPT Dương Văn Thì (TP.Thủ Đức). Sân chơi ngày tết khuyến khích HS tham gia cùng người thân trang trí nhà cửa, chuẩn bị bữa ăn gia đình hoặc chúc tết ông bà, cha mẹ… Trong mỗi sinh hoạt truyền thống đó, HS có thể chụp ảnh hay quay những đoạn video ngắn ghi lại khoảnh khắc sum vầy của gia đình mình và gửi vào nhóm lớp.

Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng nhà trường, cho rằng đây là cách HS và GV chia sẻ và kết nối nhau. Hằng ngày, dù không đến lớp nhưng các con có thể trao đổi, bàn bạc với nhau giúp cảm xúc, tình cảm trong tập thể không bị ngắt quãng. Sự nuôi dưỡng đó sẽ giúp thầy cô và HS háo hức cho ngày trở lại trường, sau khi kết thúc thời gian nghỉ tết.

Tết kết nối yêu thương- Ảnh 2.

Các trường tổ chức nhiều hoạt động vui tết cho học sinh

ĐÀO NGỌC THẠCH

TRƯỜNG HỌC MỞ CỬA DỊP TẾT ĐỂ HỌC SINH VUI CHƠI

Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) thông báo nghỉ tết nhưng trường vẫn mở cửa đón HS đến đọc sách, vui chơi các môn thể dục thể thao. Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết với cơ sở vật chất hiện có nên bắt đầu từ ngày 5 - 18.2, tức trong suốt thời gian nghỉ tết theo quy định, hằng ngày, HS đều có thể vào trường cùng nhau chơi đá banh, bóng rổ, bóng chuyền hay vào thư viện đọc sách…

Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân cho hay sở dĩ nhà trường duy trì môi trường để HS vui chơi, hoạt động tập thể xuất phát từ thực tế, ngoài thời gian thăm, chúc tết người thân thì hầu như thời gian nghỉ các em dành cho sinh hoạt ăn, ngủ, thậm chí có em sẽ chơi game… Cho nên nhà trường muốn tạo không gian năng động để các em hoạt động vui chơi thể dục thể thao giải tỏa năng lượng.

Tương tự, Ban giám hiệu Trường THPT Ernst Thälmann (Q.1), cho biết trong các ngày nghỉ tết, nhà trường vẫn mở cửa để HS được vào trường vui chơi, hoạt động thể dục thể thao. Thư viện nhà trường sẽ mở cửa để đón HS các ngày cận và sau tết. Các câu lạc bộ đội nhóm vẫn tổ chức hoạt động giao lưu, thiện nguyện, tặng bánh chưng cho người neo đơn, cơ nhỡ; trao quà tết cho trẻ em tại Bệnh viện Nhi đồng 2, thăm các mái ấm…

Xuất phát từ thực tế còn nhiều HS của Trung tâm GDTX Chu Văn An (Q.5) có hoàn cảnh gia đình khó khăn, con em gia đình lao động tự do, những ngày cận tết người thân của các em còn tất bật mưu sinh nên trung tâm luôn mở cổng đón các em vào sinh hoạt, rèn luyện thể thao, sinh hoạt tập thể. "Những em yêu thích thể thao có thể chơi bóng bàn, cầu lông, bóng rổ; những HS đam mê chụp ảnh, vẽ tranh có thể vào trường sử dụng các tiểu cảnh trang trí trong khuôn viên trung tâm làm đạo cụ…", ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An (Q.5), chia sẻ.

Ông Đỗ Minh Hoàng cho hay nhà trường luôn muốn chia sẻ và cùng nắm tay học trò của mình trong mọi thời khắc. Chính vì vậy, sự kết nối với HS luôn là mục tiêu các trường hướng đến, đặc biệt trong những ngày vui xuân.

Trao học bổng, tạo ý chí vươn lên

"Chút tâm tình ngày xuân" là chương trình trò chuyện, chia sẻ mà Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) tổ chức trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán. Theo đó, 66 HS có hoàn cảnh khó khăn của trường sẽ nhận học bổng từ 2 - 5 triệu đồng/HS cùng phần quà là nhu yếu phẩm sử dụng trong dịp tết, tổng cộng trị giá khoảng 200 triệu đồng. Toàn bộ kinh phí hỗ trợ trên đều do GV, phụ huynh HS có tấm lòng hảo tâm quyên góp để chia sẻ với HS.

Bên cạnh đó, trong dịp gặp gỡ cuối năm này, HS nhận học bổng sẽ có dịp gặp gỡ những GV tuổi thơ khó khăn nhưng đã có ý chí vươn lên trở thành GV như ngày hôm nay. Các GV chia sẻ nhằm tạo động lực giúp HS thêm lạc quan, có ý thức vươn lên trong cuộc sống.

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay không gian tâm tình sẽ giúp HS giảm bớt những khó khăn để có một cái tết sum vầy, đong đầy tình cảm, tạo niềm vui, ấm lòng tình thầy trò, tình cảm của phụ huynh HS với các em.

Bảo đảm an toàn cho học sinh

Đây là nội dung được Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai đến hàng ngàn trường học trong thời gian HS nghỉ Tết Nguyên đán.

Theo ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, các trường cần rà soát việc tổ chức ký cam kết của phụ huynh HS (hoặc người giám hộ) với nhà trường về việc không giao mô tô, xe máy cho HS khi chưa có giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi theo quy định pháp luật; cam kết đội mũ bảo hiểm cho HS khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện.

Các cơ sở giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động và HS khi tham gia giao thông phải nghiêm túc chấp hành pháp luật về ATGT, tuân thủ hiệu lệnh và hướng dẫn của lực lượng chức năng; nhường nhịn, giúp đỡ lẫn nhau; chủ động tham gia giao thông an toàn và thực hiện các quy định: đã uống rượu, bia, không lái xe; không phóng nhanh, vượt ẩu; không chở quá số người quy định; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; phòng tránh tai nạn đường ngang đường sắt và đường thủy nội địa; không sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông…

Cũng theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, nhà trường tăng cường công tác tuyên truyền cho cán bộ, GV, nhân viên và giáo dục HS thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn trật tự xã hội, thực hiện nghiêm các quy định về quản lý và sử dụng pháo, không tham gia các tệ nạn xã hội, không để xảy ra các vi phạm liên quan đến pháo nổ, trật tự an toàn giao thông; nâng cao kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích tại đơn vị trong dịp tết.

Thêm vào đó, nhà trường cần phối hợp truyền thông công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán và mùa lễ hội trong cán bộ, GV, nhân viên và HS. Cụ thể, không mua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo an toàn; không mua sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng. Không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng, hoặc mốc hỏng. Triển khai hiệu quả các hoạt động vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, cung cấp đủ nước uống, nước sạch và thường xuyên vệ sinh môi trường tại các cơ sở giáo dục, các trường học; tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của HS, cán bộ, GV về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh…


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.