Tết hoài niệm của những người xa quê: 'Không thể quên món thịt mỡ, dưa hành'

27/01/2023 11:06 GMT+7

Ra nước ngoài làm ăn, bôn ba mấy chục năm nhưng nhiều người Việt vẫn luôn hoài niệm về tết. Tết đoàn viên luôn là ký ức ấm áp, đầy tình thương giúp họ có động lực nơi xứ người.

“Nghèo đến mấy cũng có bộ quần áo mới!”

Bà Nguyễn Phương Thảo (58 tuổi) là người gốc Huế. Bà Thảo xa quê từ năm 1985. Thời xưa, ba của bà mất sớm, một mình mẹ nuôi 5 đứa con vô cùng vất vả. Một nhà máy dệt ở Hungary tuyển lao động đi học nghề, bà quyết định đi làm ăn xa để giúp đỡ gia đình. Hiện bà đang sống và làm việc tại Budapest, Hungary.

Bà Thảo hiện đang ở Hungary

nvcc

Rời Huế từ khi còn trẻ nhưng ký ức về tết luôn ở trong tiềm thức của bà Thảo. Bà cho hay, mỗi dịp tết đến, dù nhà có nghèo đến mấy mẹ cũng sắm cho các con mỗi đứa một bộ quần áo mới.

“Tôi vẫn nhớ bộ quần áo vải hoa màu xanh được mẹ sắm cho. Tết nào mẹ tôi cũng nấu bánh chưng, chị em tôi ngồi quanh bếp lửa để canh bánh. Dù gia đình khó khăn nhưng tôi luôn tự hào vì có đầy đủ sự ấm áp, tình yêu thương. Đó cũng là hành trang giúp tôi vững tin bước vào đời”, bà chia sẻ.

2 năm gần đây, bà không về quê ăn tết vì dịch Covid-19

nvcc

Bà Thảo luôn nhớ không khí trước tết rất rộn ràng, náo nức. Ở Huế, mọi người thường chơi hoa mai vào mỗi dịp tết nhưng nhà bà nghèo, không có tiền mua nên mẹ chỉ sắm ít cành hoa tươi về cắm.

“Mâm cơm tất niên không thể thiếu món dưa góp. Mẹ tôi cắt nhỏ đu đủ, cà rốt, củ cải trắng,… đem đi phơi để làm món này. Tôi luôn nhớ không khí tết ở Việt Nam nên những năm ăn tết ở Hungary gia đình cũng tổ chức để vơi đi nỗi nhớ. Mẹ tôi vẫn ở quê nên năm nào sắp xếp được tôi sẽ về ăn tết với mẹ, mùng 1 mừng tuổi để mẹ sống khỏe, bình an”, bà bộc bạch.

Nhớ gia đình quây quần bên nhau

Từ năm 1989 ông Hồ Sỹ Trúc rời quê nhà Quỳnh Lưu (Nghệ An) sang Ukarine làm việc. Hơn 30 năm bôn ba, dù có nhiều vất vả, khó khăn nhưng ông luôn hài lòng khi sinh sống ở thủ đô Kiev. Từ giữa tháng 3, Ukarine và Nga xảy ra xung đột, gia đình ông buộc phải di tản đến Đức. Gia đình ông đang ở nhờ nhà ở xã hội và đi tìm việc làm mới.

Với ông Trúc, tết là dịp gia đình quây quần bên nhau

nvcc

Ông Trúc tâm sự, vì gặp nhiều trở ngại nên ông đi biệt, 16 năm liên tiếp không đón tết ở quê nhà. Ông luôn xem tết là ngày đoàn viên, ngày của gia đình nên năm 2004, ông cố gắng sắp xếp thời gian quay về Việt Nam ăn tết với gia đình. Dù ở đâu, làm gì, ông vẫn nhớ mãi những ký ức về tết xưa.

“Tôi luôn hoài niệm về những ngày tết. Không phải thời gian làm phai nhạt đi tinh thần ngày tết mà có lẽ cuộc sống nhiều thay đổi, thế hệ trẻ sẽ có cách cảm nhận khác về tết. Còn tôi, tết vẫn luôn có sự thiêng liêng vì đó là dịp cả gia đình quây quần, đoàn tụ với nhau”, ông chia sẻ.

Khi còn ở Ukraine, mọi người cũng tổ chức đón Tết Nguyên đán

nvcc

Với ông, được gặp cha mẹ, người thân trong những ngày tết sẽ lan tỏa ấm áp tình gia đình, quê hương. Bởi vậy, những năm không về đón tết ở quê, ông cũng tự tay chuẩn bị bánh chưng, trang trí ở Ukraine cho có không khí. Các gia đình người Việt cũng ngồi lại với nhau để vơi đi nỗi nhớ nhà.

Ông Trúc luôn hoài niệm về Tết

nvcc

“Ngày xưa tiếng pháo giao thừa ăn sâu vào tiềm thức của tôi. Nghe đến tiếng pháo là biết giây phút giao thừa đến gần. Trước đó, khoảng 28 - 29 tết, mọi người chuẩn bị lá dong để gói bánh chưng. Con cháu ngồi quanh nồi bánh chưng và có câu chuyện được kể với nhau”, ông bày tỏ.

Theo ông Trúc, đối với mỗi gia đình người Việt, “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” là điều không thể thiếu trong ngày tết. Thời đói khổ, ở quê ai cũng ngóng đến tết để được ăn thịt, ăn món bắp bò,…. Với ông, món thịt đông ngon nhất phải có nhiều mỡ, gia đình khá giả thường có thêm món giò chả trong mâm cơm ngày Tết.

Khoảnh khắc gia đình cùng nhau gói bánh chưng luôn là hình ảnh đẹp về ngày tết

dương lan

“Cuộc sống thời xưa vô tư nên tôi luôn mong đến tết, tất cả thành viên trong gia đình yêu thương nhau. Hồi mới sang Ukraine, dù cuộc sống chưa ổn định nhưng tôi và 5 – 7 anh em khác vẫn cố gắng làm các món ngày tết. Nghèo khó nhưng không khi nào quên tết. Sau này, gia đình thường đón tết theo múi giờ của Ukraine, xong giao thừa sẽ lái xe đi chúc tết đến tận sáng để vơi đi nỗi nhớ”, ông kể lại.

Ngày nay, nhiều gia đình vẫn giữ truyền thống gói bánh chưng

dương lan

Năm nay, vì hoàn cảnh phải di tản sang Đức, ông Trúc không khỏi xúc động khi nhắc về tết. Ông biết rằng, khoảnh khắc các gia đình người Việt ở Ukraine cùng tụ tập với nhau đón tết sẽ không thể thực hiện được vì giờ mỗi nhà đã di tản một nơi. Ông cũng không biết bao giờ mới có thể gặp lại họ….

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.