Tết Đoan Ngọ: Người xứ Nẫu ăn Tết chật kín trên biển

09/06/2016 19:31 GMT+7

Cứ đến ngày mồng 5.5 âm lịch-Tết Đoan Ngọ, người dân Bình Định lại rộn ràng chào đón Tết bằng việc nhảy ùm xuống biển lúc giữa trưa.

Đây là phong tục có từ lâu đời của dân vùng biển, họ tin rằng, vào giờ Ngọ của Tết Đoan Ngọ, chỉ cần xuống biển tắm thôi là đã xả hết xui xẻo, chỉ còn hên “đầy mình”.
Tôi nhớ, cái Tết Đoan Ngọ đầu tiên trong đời là lúc tôi 5 tuổi, khi chập chững vào thành phố Quy Nhơn sống với mẹ. Trưa đó, cả xóm tôi rủ nhau đi tắm biển để “xả xui” chứ không phải kiểu để “diệt sâu bọ” như thường thấy ở các vùng miền khác. Vậy là đi. Ra tới biển thì người đông như kiến dù đang giữa trưa hè nắng nóng.
Đông đúc nhưng ai nấy đều rất vui vẻ và xuống biển trong trật tự chứ không xô đẩy chen lấn nhau. Ngay cả đến bây giờ cũng vậy, chỉ riêng việc người dân ở đây thoải mái để xe máy trên vỉa hè không ai coi ngó rồi chạy xuống biển tắm cũng đủ để hình dung sự an toàn và thân thiện của người dân xứ Nẫu.
Ngoài việc tắm biển, người dân Bình Định cũng chào đón Tết Đoan Ngọ bằng những mâm cúng đơn giản nhưng đủ chu đáo, ấm áp với bánh tro, xôi chè, trái cây… Cũng không có một quy chuẩn chung cho những mâm cúng như thế này, đa số là cúng theo phong tục từng vùng miền hoặc có gì cúng nấy. Và món không thể thiếu được là bánh nếp tro.
Bà Nguyễn Thị Mười (65 tuổi, quê ở huyện Hoài Nhơn, Bình Định) cho biết: “Ở quê tui, tới ngày mồng 5.5 âm lịch là rộn ràng không thua ngày tết nguyên đán đâu. Nhà nào cũng chuẩn bị cúng kính, bánh trái, gà vịt hoặc là đổ bánh xèo cúng luôn. Trẻ con thì tắm biển, vùng núi cao thì cũng ra giếng tắm như một cách xả xui để cầu may. Ngoài ra, như chỗ tui thì người dân còn đi hái lá thuốc về treo trước cổng nhà, đến tối hay hôm sau thì lấy vô nấu tắm”.
Còn theo ông Phạm Ngọc Hạnh (75 tuổi, ở TP.Quy Nhơn), tục tắm biển Tết Đoan Ngọ với gia đình ông giống như một lễ không thể thiếu được trong ngày này. “Năm nào, già trẻ lớn bé nhà tui cũng xuống biển tắm, từ cháu nhỏ nhất tới tui là người lớn nhất. Mình là dân biển mà, phải giữ tục này của cha ông, coi như một nét văn hoá đặc trưng đáng quý”, ông Hạnh chia sẻ thêm.
Một mâm cúng Tết Đoan Ngọ của người Bình Định với bánh trái, hoa quả, chè và miếng mít Tâm Ngọc
Bánh nếp tro, thứ không thể thiếu trong mâm cúng ngày mồng 5.5 âm lịch Tâm Ngọc
Một em bé được ba mẹ cho tắm biển Tết Đoan Ngọ Tâm Ngọc
Một ông già ở Quy Nhơn hỏi thăm 3 em bé người đồng bào. 3 em bé này lần đầu xuống biển nên chỉ đứng nhìn chứ chưa dám tắm Tâm Ngọc
Xe máy để thản nhiên trên vỉa hè mà không cần có ai trông coi ở TP.Quy Nhơn Tâm Ngọc
Hàng ngàn người dân ở Bình Định xuống biển tắm mừng Tết Đoan Ngọ Nguyễn Dũng
Không thể thiếu vịt
Vịt mồng 5 được xem là giai đoạn ngon nhất vì thả đồng Ảnh: Tân Nhân
Các tỉnh miền Trung từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế, Quảng Trị, Huế... ngày mùng 5 không thể thiếu món vịt. Ngày này, khắp nơi từ đầu làng ngõ xóm đâu đâu cũng nghe tiếng vịt kêu, có người vào định cư đã lâu ở TPHCM vẫn giữ nguyên phong tục làm vịt vào tết Đoan Ngọ. Theo quan niệm, vịt lúc này là thịt ngon nhất năm, đây là vịt thả đồng sau khi gặt, thịt ngọt, chắc, ít mỡ, mang lại thịnh vượng cho cả năm. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.