Tết buồn ở xóm chạy thận: 'Tình cảm gia đình cũng thiếu, tiền cũng thiếu'

16/02/2021 10:29 GMT+7

Ở xóm chạy thận Lê Thanh Nghị (ngõ số 121 Lê Thanh Nghị, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội), Tết dường như rất xa vời với tất thảy những bệnh nhân phải vật lộn với bệnh tật, tiền bạc mỗi ngày.

Đây là nơi nhiều bệnh nhân bị suy thận đang thuê trọ để ở. Những căn trọ chật hẹp nóng nực về mùa hè, rét buốt về mùa đông với diện tích trên dưới 10m2 được các bệnh nhân thuê suốt nhiều năm qua.
Số phận không may mắn đưa họ sống cùng nhau trong một dãy trọ. Họ đến từ nhiều tỉnh thành, có hoàn cảnh khác nhau nhưng sự nghèo khó và chạy thận 3 lần/tuần là điểm chung của mọi người khi sống trong xóm trọ này.

“Thấy mọi người sắm Tết buồn lắm”

Bà Dương Thị Hoài (66 tuổi, quê ở huyện Vụ Bản, Nam Định) sống trong xóm chạy thận suốt 12 năm nay. Chồng ở cùng, chăm sóc bà được 8 năm rồi mất bởi căn bệnh ung thư đại tràng. Kể từ đó, bà sống một mình ở xóm trọ, ngày qua ngày vất vả chạy thận ở Bệnh viện Bưu điện.
Bà Hoài có 3 người con, trước kia bà làm nông, không có lương thưởng nên hiện tại mọi chi phí ăn uống, chữa bệnh phụ thuộc vào con cái. Tiền chạy chữa trong bệnh viện được bảo hiểm chi trả thế nhưng bà vẫn phải lo tiền thuê trọ 1.500.000/tháng, tiền ăn uống và nhiều chi phí phát sinh khác.
Người dân xóm chạy thận Lê Thanh Nghị: Tết chỉ về nhà chớp nhoáng, không có gì sắm sửa1

Bà Hoài chia sẻ về cuộc sống khi ở trong xóm chạy thận

ẢNH: DƯƠNG LAN

Người dân xóm chạy thận Lê Thanh Nghị: Tết chỉ về nhà chớp nhoáng, không có gì sắm sửa2

Cánh tay của người phải lọc máu thường xuyên

ẢNH: DƯƠNG LAN

"Nói đến Tết càng buồn nữa, người ta đàng hoàng, Tết nhất về chơi con cái đoàn tụ nhưng tôi chỉ về được một hôm, hôm sau lại đi vì đến ngày phải chạy. Không chạy hoặc cố ở thêm một ngày lại mất tiền cấp cứu”, bà Hoài thở dài.
Chia sẻ với Thanh Niên, bà Hoài cho biết mấy năm trước còn có sức khoẻ bà cố đi bán nước kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, vài năm gần đây bà yếu hơn cùng với không có địa điểm nên bà ở nhà, sống nhờ vào các con, có phế liệu thì nhặt, tích góp rồi bán. Các con của bà không khá giả về kinh tế vì lo cho bố chưa xong nên bà cứ “ăn đói nằm khom” để tiết kiệm cho con cái.
xóm chạy thận này tiền bạc có thể thiếu nhưng mọi người đều sống tình cảm, luôn động viên nhau. Lắm lúc mệt quá không làm được gì, bà nhờ mọi người nấu hộ bát cháo, tập trung đưa đi bệnh viện và gọi hộ người nhà.
“Năm mới mong mỏi nhiều thứ nhưng có đến được hay không mới là quan trọng, tình cảm gia đình cũng thiếu, tiền cũng thiếu. Thấy mọi người sắm Tết buồn lắm, tôi ngồi một mình ở đây, ban ngày bà con còn tếu táo cho đỡ buồn chứ đềm về không ngủ được cứ nghĩ linh tinh khôn ít, dại nhiều”, bà Hoài buồn bã.
Người dân xóm chạy thận Lê Thanh Nghị: Tết chỉ về nhà chớp nhoáng, không có gì sắm sửa3

Căn phòng trọ nhỏ bé, chật hẹp bà Hoài thuê để ở và chữa bệnh

ẢNH: DƯƠNG LAN

Người dân xóm chạy thận Lê Thanh Nghị: Tết chỉ về nhà chớp nhoáng, không có gì sắm sửa4

Bà Thu sống trong xóm chạy thận được 5 năm nay

ẢNH: DƯƠNG LAN

“Tết nấu cơm ăn chung cho đỡ buồn”

Ngay cạnh phòng trọ của bà Hoài là chỗ ở của bà Trương Thị Thu (48 tuổi, quê ở Hoà Bình). Bà Thu là giáo viên tiểu học nhưng cũng sống trong xóm chạy thận được 5 năm, vì chưa đến tuổi nghỉ hưu nên bà vẫn phải đi dạy để có tiền lương 4.000.000 đồng/tháng trang trải chi phí thuê trọ và ăn uống.
“Tôi chạy thận thứ 2, 4, 6 nên đi đi về về thường xuyên, như sáng thứ 2 vẫn dạy 3 tiết đến lúc học sinh ra chơi lại bắt xe đến Hà Nội, nhờ bà con nấu cơm hộ, xuống ăn vội vàng để kịp giờ chạy thận. Ngày nào cũng thế, quá mệt luôn vì đi nhiều nhưng vẫn phải làm vậy vì nghỉ sẽ không có tiền”, bà Thu cho biết.
Năm 2014, trong một lần không may bị tai nạn giao thông, chồng bà Thu bị gãy chân nên số tiền tích góp từ trước đổ dồn lo cho chồng. Trước kia chồng bà làm nghề chạy xe ôm nhưng sau vụ tai nạn ông không còn khả năng lao động, hai đứa con bà chưa kiếm được tiền vì đang học nghề.
Người dân xóm chạy thận Lê Thanh Nghị: Tết chỉ về nhà chớp nhoáng, không có gì sắm sửa5

Các bệnh nhân trong xóm trọ thường xuyên hỏi thăm, trò chuyện để vơi đi nỗi buồn

ẢNH: DƯƠNG LAN

Người dân xóm chạy thận Lê Thanh Nghị: Tết chỉ về nhà chớp nhoáng, không có gì sắm sửa6

Bà Tảo phải lọc máu 3 lần/tuần, mỗi lần kéo dài 3 - 4 tiếng

ẢNH: DƯƠNG LAN

“Bị bệnh nhưng mà vẫn phải lo ở nhà, Tết nhất so với người khác con mình không được 10 cũng cố cho chúng nó được 5 - 6”, bà Thu tâm sự.
Ngồi một mình trong phòng mãi cũng chán, bà Phan Thị Tảo (63 tuổi, quê ở Khoái Châu, Hưng Yên) tranh thủ sang nhà hàng xóm nói chuyện cho đỡ buồn. Bà Tảo cũng sống một mình trong xóm trọ hơn chục năm để chạy thận tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô.
Cũng giống bà Hoài, mọi chi phí điều trị, sinh hoạt bà Tảo đều phụ thuộc vào con cái. Chồng bà Tảo ở quê thỉnh thoảng mới lên thăm vì còn chăm cháu cho các con đi làm nên bà coi hàng xóm như những người ruột thịt.
“Tết đến chỉ mong có sức khoẻ để chồng con ở nhà làm ăn gửi tiền lên chữa bệnh. Tôi không mong Tết lắm đâu, muốn về với gia đình nhưng phải phụ thuộc vào bệnh viện. Nói thế thôi nhưng Tết nhất cũng cố sắm sửa để đặt lên bàn thờ gia tiên, các con còn có nơi tụ họp”, bà Tảo buồn bã nói.

Bà Tảo chia sẻ về những khó khăn khi mắc bệnh suy thận

ẢNH: DƯƠNG LAN

Người dân xóm chạy thận Lê Thanh Nghị: Tết chỉ về nhà chớp nhoáng, không có gì sắm sửa8

Những chiếc thẻ bệnh nhân luôn được treo trong phòng trọ để phục vụ việc điều trị

ẢNH: DƯƠNG LAN

Để vơi đi nỗi nhớ không khí gia đình mỗi khi Tết đến, xuân về, mọi người trong xóm chạy thận cũng tập trung ăn bánh kẹo, hỏi han sức khoẻ, trò chuyện với nhau. Bệnh tật buộc họ phải ở lại để chạy chữa, nhưng trong thân tâm họ luôn hy vọng một ngày nào đó sức khoẻ sẽ ổn định để về với gia đình, gặp gỡ họ hàng và những người thân quen. Dù bị bệnh, nghèo đói, cô đơn bủa vây nhưng họ vẫn luôn động viên, giúp đỡ nhau vượt qua nghịch cảnh, chiến thắng số phận.
Ông Mai Anh Tuấn (46 tuổi) cho biết, hiện tại xóm trọ đang có 134 người sinh sống với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Ông Tuấn cũng chạy thận được 25 năm, là người được các bệnh nhân tin tưởng và bầu làm trưởng xóm.
“Mọi người trong xóm cũng đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau dù ai cũng nghèo khó, không khá giả”, ông Tuấn cho biết. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.