Test nhanh đường dây nóng phòng chống dịch Covid-19 tại TP.HCM

30/08/2021 10:29 GMT+7

Thử gọi điện thoại vào các đường dây nóng được công bố ở TP.HCM, người phụ trách cho biết nghe điện thoại đến 'bở hơi tai', nửa đêm vẫn còn nhận cuộc gọi... Tuy nhiên, cũng có người dân chưa được đáp ứng kịp thời khi cần.

Kiểm tra và làm việc với TP.HCM và các tỉnh phía nam trong 2 ngày (26 - 27.8), Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục quán triệt, thực hiện quyết liệt phương châm lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”. Như tại TP.HCM, nếu kiểm soát được dịch bệnh tại 312 phường, xã, thị trấn thì sẽ kiểm soát được dịch bệnh toàn thành phố.
Khi siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội trên tinh thần “ai ở đâu ở yên đó” thì phần lớn nhu cầu của người dân được giải quyết qua sự hỗ trợ của tổ dân phố, khu phố và chính quyền cơ sở thông qua đường dây nóng.
Thời gian qua, TP.HCM mở nhiều đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân như Tổng đài 1022, tăng cường tổng đài viên 115 trực cuộc gọi cấp cứu; các quận huyện, phường, xã cũng công bố số điện thoại đường dây nóng về an sinh, cứu trợ, cấp cứu nhưng vẫn còn những trường hợp người dân phản ánh khi cần không biết gọi ai vì chưa có số điện thoại. Cũng không ít trường hợp gọi điện thoại nhưng không được đáp ứng theo yêu cầu, mong muốn của bản thân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hỏi thăm người dân trong khu nhà trọ trên đường Nguyễn Thị Định (TP.Thủ Đức, TP.HCM) ngày 26.8

Nhật Bắc/VGP

Tại buổi kiểm tra sáng 26.8 tại TP.Thủ Đức (TP.HCM), Thủ tướng cũng nêu ra thực tế một số người dân vẫn chưa biết số điện thoại liên hệ của cấp xã, phường, thị trấn khi cần hỗ trợ khẩn cấp về an sinh, y tế... đồng thời đề nghị chính quyền cơ sở phải dán tờ rơi tại từng khu trọ, từng nhà… để người dân biết các số điện thoại hỗ trợ.

Covid-19 sáng 30.8: 435.132 ca nhiễm, 219.802 ca khỏi | NanoCovax chưa được cấp phép

"Quận kia không bắt máy, quận này bắt máy"

PV Thanh Niên thử gọi ngẫu nhiên vào đường dây nóng của một số phường tại TP.HCM để kiểm chứng sự nhanh nhạy, kịp thời cũng như những câu chuyện mà người phụ trách đường dây nóng tiếp nhận mỗi ngày.
Lúc 10 giờ ngày 28.8, PV Thanh Niên gọi vào đường dây nóng của Trạm y tế P.1 (Q.5, TP.HCM), phía bên kia đầu dây là chị Nguyễn Phạm Thị Bích Vân, phụ trách trạm y tế phường nghe máy và cho biết đang ngồi ký hồ sơ thì nhận được cuộc điện thoại. Người phụ nữ này kể có khi đang đánh máy, điện thoại rung lên thì kẹp điện thoại ngay cổ để vừa làm việc, vừa trả lời điện thoại, bỏ điện thoại di động xuống thì điện thoại bàn lại đổ chuông.
“Tôi không có thời gian để nghỉ luôn, lúc trưa ăn cơm điện thoại cũng đến tới tấp, 12 giờ đêm vẫn có điện thoại gọi đến. Chỉ khi nào mệt mỏi quá, tôi đành khóa máy một lúc để nghỉ ngơi chút đỉnh”, chị Vân chia sẻ.
Về những nội dung mà người dân hỏi, chị Vân cho biết đủ thứ chuyện, từ các triệu chứng sau tiêm chủng, thời gian cách ly, F0 hỏi triệu chứng của bệnh… Đối với F0 điều trị tại nhà gọi điện yêu cầu cấp cứu, phường sẽ chuyển đội phản ứng nhanh và quân y gọi điện lại. Nếu bác sĩ yêu cầu chuyển bệnh thì trạm y tế làm hồ sơ, mỗi người một việc.
“Cái gì cũng gọi điện cho y tế. F0 điều trị tại nhà, cần hỗ trợ thực phẩm họ cũng gọi điện cho tui luôn. Có người dân ở quận khác, gọi điện thắc mắc hỏi sao gọi cho quận kia không bắt máy mà gọi cho quận này lại bắt máy, tui cũng không biết trả lời sao luôn”, chị Vân chia sẻ.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 công bố số điện thoại đường dây nóng để người dân liên hệ khi có nhu cầu

FB Đất cảng quận 4

Tìm trên trang Facebook Đất cảng quận 4, có nhiều danh sách đường dây nóng như an sinh, y tế, cấp cứu, phản ứng nhanh, đăng ký đi chợ giúp dân, trạm y tế lưu động… Thử gọi vào số điện thoại cuối cùng trong danh sách, người nghe máy là chị Tân Thị Lệ Hằng, công chức văn hóa xã hội P.18, Q.4 nghe máy ngay từ cuộc gọi đầu tiên.
Chị Hằng cho biết do có nhiều gói hỗ trợ nên khi tiếp nhận thông tin thì sẽ sàng lọc, phối hợp với các khu phố, đoàn thể đi rà soát, khảo sát.
Trả lời câu hỏi khoảng bao lâu thì người dân nhận được hỗ trợ, chị Hằng cho biết nếu hộ đó thực sự khó khăn thì trong vòng 30 phút sẽ khảo sát và chuyển quà xuống luôn.
Toàn bộ trường hợp được hưởng theo Nghị quyết 09, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn đều được lập danh sách trên phần mềm. Khi người dân phản ánh, cán bộ phường chỉ cần rà soát trên phần mềm đó xem nằm trong đối tượng nào, nếu không nằm trong danh sách đó thì phường xuống khảo sát trực tiếp và cung cấp nhu yếu phẩm.
“Phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn, sinh viên… đều đã nhận hỗ trợ một lần. Trong lúc nguồn lực có hạn, phường cố gắng đảm bảo những hộ đang gặp khó khăn, gọi điện phản ánh lên phường thì sẽ khảo sát nhanh và cấp lương thực, thực phẩm, không để ai thiếu ăn”, chị Hằng nói.

Shipper tại TP.HCM được miễn phí xét nghiệm nhanh Covid-19

Giải đáp thắc mắc đủ thứ 

Còn tại TP.Thủ Đức với quy mô hơn 1 triệu dân sinh sống trên 34 phường, việc công bố số điện thoại được đẩy mạnh trên nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo. Danh sách số điện thoại nhân sự phụ trách tại 68 điểm an sinh xã hội khẩn cấp trên địa bàn TP.Thủ Đức được tổ dân phố, công an khu vực cung cấp qua các nhóm Zalo.
Chúng tôi gọi vào đường dây nóng điểm an sinh xã hội ở Trường mầm non Họa Mi (đường Ngô Chí Quốc, P.Bình Chiểu) thì ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng ban Công tác mặt trận khu phố 2 tiếp nhận. Ông Sơn thông tin gói này tiếp nhận cho người dân thực sự khó khăn như công nhân thất nghiệp nuôi con nhỏ, lao động tự do trong các khu trọ. Người dân sau khi điện thoại đến sẽ được yêu cầu cung cấp thông tin để xác nhận và mang túi an sinh xuống tận nhà hỗ trợ.
Mỗi ngày, đường dây nóng nhận hơn 200 cuộc gọi. “Ngoài giải đáp thông tin về túi an sinh, tôi còn giải đáp thêm các thắc mắc của người dân về gói hỗ trợ, cung cấp số điện thoại của tổ đi chợ giúp dân… Số điện thoại của tổ đi chợ giúp dân tôi ghi để sẵn trong người, ai hỏi là lấy ra đọc thôi”, ông Sơn nói và cho biết có hôm nhận điện thoại lúc hơn 1 giờ sáng.

Nhiều địa phương công bố số điện thoại đăng ký đi chợ hộ để người dân sử dụng khi có nhu cầu

Đào Nguyên

Vị Trưởng ban Công tác mặt trận này kể về trường hợp một khu trọ có 20 phòng, người dân không biết đường dây nóng của điểm an sinh nên thắc mắc vì sao chỉ trao quà cho một phòng. Sau đó, ông Sơn ghi nhận hết thông tin của người dân đang ở trọ để xác minh.
Còn tại điểm an sinh xã hội ở trụ sở khu phố 2, P.Hiệp Phú (TP.Thủ Đức), bà Đồng Thị Chiến, Chủ tịch Hội LHPN phường cho biết, trung bình mỗi ngày đường dây nóng tiếp nhận khoảng 10 cuộc gọi điện thoại, thông tin người dân phản ánh sẽ được chuyển về khu phố xác minh, mọi trường hợp khó khăn đều được hỗ trợ kịp thời. Dù vậy, cũng có người đã nhận quà 1 - 2 lần nhưng vẫn gọi lên điểm an sinh để nhờ giúp đỡ; khi hỏi kỹ hơn thì người dân nói là do hoàn cảnh khó khăn, nên thấy thông tin điểm an sinh nên người ta gọi điện thoại xin hỗ trợ.
Bà Chiến nhìn nhận công tác chăm lo đời sống người dân của phường tốt nên giảm được số cuộc điện thoại thắc mắc. Các hộ dân khó khăn được khu phố kịp thời đề xuất lên phường để phường vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ nhu yếu phẩm kịp thời. Xe chuyển hàng hóa ở phường hầu như không nghỉ, vận chuyển hàng hóa liên tục từ phường về các khu phố để trao đến tay người dân.

Gia đình có F0 phản ánh chưa nhận được thuốc 

Ngày 29.8, chị L.H.N (24 tuổi, ngụ P.9, Q.6) phản ánh với chúng tôi về việc: Vào ngày 16.8, gia đình chị gồm 6 người tự test nhanh tại nhà phát hiện dương tính Covid-19. Sau khi liên hệ phường, ngày 18.8, phường có cho người xuống test nhanh cho gia đình chị N., kết quả 2 người âm tính, 4 người dương tính. Trong 4 người dương tính, có 2 người được lấy mẫu bệnh phẩm ở mũi và họng, nhưng sau đó không thấy thông báo kết quả.
Theo chị N., từ ngày 16.8, gia đình chị đã chủ động tự cách ly tại nhà và chờ phường hỗ trợ. Tuy nhiên, từ 16 – 22.8, gia đình chị N. phải nhờ người thân mua thức ăn, thuốc men giúp. Đến 20.8, phường có mang đến cho gia đình chị N. 5kg gạo, 5 gói mì, 1 bịch đường, 1 chai nước tương và 1 lon cá hộp.
Ngày 23.8, thời điểm thành phố siết chặt giãn cách, chị N. không nhờ người quen đặt được thực phẩm nữa. Cũng không thấy phường phát giấy đi chợ hộ, chỉ thấy trên mạng xã hội “Tôi là người quận 6” có bài đăng hotline hỗ trợ đi chợ hộ nhưng chị N. không gọi được. Đến 25.8, có lực lượng đến gửi thêm cho gia đình chị N. 5kg gạo, 5 gói mì, 1 bịch đường, 1 chai nước tương và 1 lon cá hộp.
Đến ngày 28.8, chị N. được phường phát tờ thông báo ghi thông tin về số điện thoại để gia đình có thể liên hệ nếu cần cung cấp túi an sinh xã hội, đi chợ hộ.
Chiều hôm qua (29.8), chị N. liên hệ vào số điện thoại trên tờ thông báo để hỏi về túi an sinh. Sau khi đặt câu hỏi và cung cấp thông tin, người tiếp nhận thông tin tại điểm an sinh cho biết, vào ngày 25.8 gia đình chị N. đã được phát túi hỗ trợ gồm gạo, mì gói, cá hộp… đó là túi quà an sinh.
“Sau khi tôi gọi theo số điện thoại trên tờ thông báo của phường để hỏi về túi quà an sinh, thì đầu dây bên kia hỏi nhà tôi có phải hộ nghèo không, vì sẽ ưu tiên để phát cho các hộ nghèo trước rồi mới phát đến các người dân khó khăn. Và cho biết mỗi hộ chỉ nhận được một túi an sinh, có trường hợp một hộ nhưng có nhiều người vẫn nhận được 1 túi an sinh thôi. Nếu nhà tôi cần thực phẩm có thể đặt nhờ đi chợ hộ. Gia đình tôi nhiễm Covid-19 tính từ 18.8 đến nay đã hơn 10 ngày nhưng không được cung cấp thuốc. Tôi hỏi người phụ trách điểm an sinh thêm về túi thuốc F0, người này nói không nhận được thông tin danh sách nhà tôi F0 nên chưa đi phát cho nhà tôi. Nếu nhà tôi muốn phát thì người này sẽ nhắn lại thông tin cho bên trạm y tế để cập nhật lại danh sách rồi sẽ xuống phát”, chị N. kể.
Chiều qua (29.8), PV Thanh niên liên hệ lại số điện thoại trên thông báo về người phụ trách phát túi an sinh mà phường cung cấp cho chị N. Qua trao đổi với chúng tôi, ông Lê Duy Tân, Phụ trách điểm an sinh P.9, Q.6 cho biết, từ lúc triển khai điểm an sinh trên P.9, Q.6 trung bình một ngày ông Tân nhận hơn 100 cuộc điện thoại người dân khó khăn gọi đến nhờ hỗ trợ, người dân gọi liên tục, gọi không được thấy gọi nhỡ phải gọi lại.
“Mỗi ngày phát gần 200 túi quà an sinh, làm suốt không nghỉ, hiện tại chiều nay (29.8) vẫn đang phát túi an sinh cho hộ cách ly tại nhà. Điểm an sinh sẽ ưu tiên phát túi quà an sinh cho các hộ nghèo, hộ ở trọ khó khăn trước rồi sẽ tới các người dân có hoàn cảnh khó khăn. Đối với việc phát túi thuốc F0 thường khi test có kết quả dương tính sẽ được phát liền. Trường hợp người dân gọi báo chưa được phát, điểm an sinh sẽ ghi lại thông tin và gửi về trạm y tế xác minh cập nhật danh sách rồi mới phát”, ông Tân cho biết. 

Chuẩn bị thêm túi thuốc cho các F0 phát sinh

Chiều 29.8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó trưởng ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống Covid-19 cùng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đã cùng lãnh đạo TP.HCM đánh giá lại những việc đã làm sau 7 ngày tăng cường giãn cách xã hội và thảo luận các biện pháp triển khai tiếp trong thời gian tới.
Trước phản ánh của các ca F0 về việc chậm nhận được túi thuốc an sinh, tại cuộc họp, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị Sở Y tế chuyển ngay thuốc điều trị xuống các phường theo nguyên tắc số lượng thuốc cấp phải nhiều hơn số lượng F0 được ghi nhận trên địa bàn; đồng thời có cơ số thuốc dự trữ nhất định tại các trạm y tế, để kịp thời cấp ngay cho những F0 mới phát hiện.
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết, ngành y tế thành phố đã chuẩn bị 150.000 túi thuốc an sinh hỗ trợ điều trị cho F0, hiện đã phát 42.000 túi.
Cũng tại cuộc họp, Tổ công tác đề nghị TP.HCM có văn bản chỉ đạo công khai số điện thoại của tổ dân phố, lãnh đạo xã, phường để tất cả người dân được biết, gọi điện liên hệ khi cần hỗ trợ về y tế, lương thực, thực phẩm…

Hàng trăm nghìn cuộc gọi về Tổng đài 1022

Ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM cho biết hiện Cổng thông tin 1022 (Tổng đài 1022) đang tiếp nhận các loại thông tin qua 5 kênh: phản ánh về các vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19 (phím 0); gửi ý kiến đến Thường trực HĐND TP.HCM (phím 1); kênh tiếp nhận và xử lý thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn (phím 2); tư vấn chăm sóc sức khỏe (phím 3) và kết nối với mạng lưới tình nguyện viên tiếp nhận thông tin hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội (phím 4).

Về số liệu cụ thể, đối với nhánh 0, trong thời gian từ 28.5 đến 25.8, đã tiếp nhận và chuyển hơn 47.000 tin phản ánh, tin báo của người dân. Hơn 80% số tin đều được các cơ quan, đơn vị xử lý, giải đáp và cung cấp thông tin cho người dân kịp thời.

Nhánh 1 đã tiếp nhận 335 ý kiến, kiến nghị, phản ánh và chuyển đến Thường trực HĐND TP.HCM trong khoảng thời gian từ ngày 16.7 đến 25.8.

Đáng chú ý, từ ngày 22.7 đến 25.8, Tổng đài 1022 - nhánh 2 đã tiếp nhận và chuyển xử lý hơn 179.000 yêu cầu hỗ trợ từ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 đến Sở LĐ-TB-XH, UBND và cơ quan chức năng các cấp để kịp thời hỗ trợ người dân. Tỷ lệ xử lý hoàn tất hơn 70% tổng số tin, còn lại là các trường hợp chưa đủ điều kiện.

Còn nhánh 3 tiếp nhận, tư vấn sức khỏe cho 26.000 cuộc gọi (từ 23.7 đến 25.8), nhánh 4 tiếp nhận 65.225 cuộc gọi đề nghị hỗ trợ (từ 6 - 25.8).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.