Tên lửa Pháp bắn nhầm máy bay hành khách Ý năm 1980?

03/09/2023 09:25 GMT+7

Ông Giuliano Amato, hai lần làm Thủ tướng Ý, cho rằng một tên lửa của Không quân Pháp đã bắn nhầm một máy bay dân sự trên bầu trời Địa Trung Hải năm 1980 trong vụ ám sát hụt nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi của Libya.

Cựu thủ tướng Ý nói tên lửa Pháp bắn nhầm máy bay hành khách Ý năm 1980 - Ảnh 1.

Xác chiếc máy bay xấu số được trục vớt

AFP/GETTY

Cựu Thủ tướng Ý Amato, nhiệm kỳ 1992-1993 và 2000-2001, đề nghị Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hãy lên tiếng bác bỏ hoặc đồng ý nhận định trên của ông về vụ rơi máy bay của Hãng hàng không Itavia ngày 27.6.1980, khiến toàn bộ 81 người trên chuyến bay nội địa của Ý thiệt mạng.

Trả lời phỏng vấn nhật báo La Repubblica ở Rome, ông Amato, 85 tuổi, cho rằng Không quân Pháp đã bắn nhầm máy bay chở khách trong lúc nhắm bắn một chiến đấu cơ của Libya.

Dù thừa nhận chưa có chứng cứ xác thực, cựu Thủ tướng Ý cho biết chính quyền Rome đã nhận được thông tin rằng ông Muammar Gaddafi cuối cùng không có mặt trên chiếc tiêm kích trong chuyến đi từ Nam Tư về Tripoli. 

Nguyên nhân vụ rơi chuyến bay số hiệu 870 (IH870) của Hãng Itavia là một trong những bí ẩn lớn nhất của Ý vào thời hiện đại. Một số người cho rằng một quả bom đã phát nổ trên chuyến bay từ Bologna đến Sicily, trong khi các chuyên gia khác nói rằng kết quả giám định xác máy bay cho thấy chiếc máy bay đã bị trúng tên lửa. Xác máy bay đã được trục vớt từ đáy biển sau đó trong năm 1980.

Những dấu vết từ màn hình radar ghi nhận một loạt các chuyển động của nhiều máy bay ở vùng trời trên Địa Trung Hải khi máy bay rơi.

"Phiên bản xác thực nhất là Không quân Pháp phải chịu trách nhiệm trong một vụ đồng lõa với người Mỹ và các bên tham gia cuộc tập trận trên không vào đêm ngày 27.6.1980", ông Amato cho biết.

Cựu thủ tướng Ý nói rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lên kế hoạch triển khai một cuộc diễn tập với nhiều máy bay tham gia, theo đó một tên lửa được khai hỏa với mục tiêu là triệt hạ ông Gaddafi.

Sau khi vụ việc xảy ra, Pháp, Mỹ và giới chức NATO bác bỏ không có hoạt động quân sự ở khu vực vào lúc đó.

Đến năm 2011, nhà lãnh đạo Libya đã bị hạ sát trong vụ can thiệp quân sự của NATO, chủ yếu do Anh, Pháp phối hợp Mỹ triển khai trong giai đoạn đầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.