Tây Ninh: Lừa đảo công nghệ cao hoành hành, vì sao không trị được tận gốc?

Giang Phương
Giang Phương
09/12/2022 19:33 GMT+7

Hàng loạt vụ lừa đảo công nghệ cao xảy ra tại Tây Ninh với nhiều phương thức như thông báo trúng thưởng, đầu tư sàn tiền ảo, đầu tư ngoại hối rồi chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng của bị hại... Vì sao tình trạng này đến nay vẫn không trị được tận gốc?

Ngày 9.12, liên quan đến tội phạm lừa đảo công nghệ cao, theo đại tá Nguyễn Văn Trãi, Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh, chỉ tính riêng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong năm 2022, công an các cấp đã thụ lý điều tra 34 vụ.

Công an Tây Ninh vừa ghi nhận một người dân 'dính bẫy' lừa đảo đầu tư ngoại hối, mất trắng 3,2 tỉ đồng

GIANG PHƯƠNG

Liên tục thay đổi phương thức lừa đảo

Theo đại tá Trãi, vấn đề nổi lên hiện nay là tình trạng lừa đảo thông qua mạng viễn thông, internet với các phương thức, thủ đoạn tinh vi. Từ giả danh cán bộ công an, Viện KSND đe dọa, vi phạm pháp luật, yêu cầu chuyển tiền đến lừa đảo truy cập vào các trang web giả mạo ngân hàng để chiếm đoạt tiền.

Ngoài ra, bằng hình thức quảng cáo cho vay tiền qua ứng dụng và mạng xã hội Zalo, đối tượng lừa đảo yêu cầu bị hại chuyển nhiều khoản phí để làm hồ sơ rồi chiếm đoạt; thông báo trúng thưởng yêu cầu nộp thuế để nhận thưởng…

Một hình thức phổ biến khác là tuyển cộng tác viên bán hàng online, thực chất là lừa toàn bộ tiền đầu tư của bị hại.

Trang web giả mạo tuyển cộng tác viên bán hàng online lừa đảo chiếm đoạt tiền của bị hại

GIANG PHƯƠNG

Ngoài ra, một hình thức lừa đảo khác là chiếm quyền điều khiển mạng xã hội của người dùng rồi nhắn tin yêu cầu người thân, bạn bè của nạn nhân chuyển tiền. Gần đây nhất, hình thức lừa tham gia đầu tư trên các sàn tiền ảo đa cấp, đầu tư ngoại hối nhưng sau nhiều lần nạp tiền thì sàn đóng, toàn bộ số tiền bị chiếm đoạt…

Từ đầu năm đến nay, Công an Tây Ninh đã tiếp nhận 54 trường hợp người dân đến báo tin bị lừa đảo qua mạng internet, thiệt hại tài sản trên 26,1 tỉ đồng.

Theo đại tá Trãi, tháng 9.2022, Công an tỉnh Tây Ninh đã đề xuất Bộ Công an thành lập Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an tỉnh Tây Ninh. Khó khăn hiện nay là trang thiết bị phục vụ cho công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm công nghệ cao còn thiếu. Do đó, sắp tới tỉnh sẽ đề xuất Bộ Công an tăng cường trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật chuyên dụng phục vụ công tác thu thập, ghi nhận, lưu trữ dữ liệu, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ phục vụ yêu cầu đấu tranh với tội phạm liên quan mạng internet, mạng viễn thông.

Theo đại tá Trãi, việc điều tra, xử lý các vụ lừa đảo qua mạng hiện gặp rất nhiều khó khăn do đối tượng hoạt động tinh vi, lợi dụng khoa học kỹ thuật để thực hiện hành vi phạm tội, phần lớn máy chủ thực hiện lừa đảo đều đặt ở nước ngoài. Trong khi đó, bị hại thường trình báo công an rất trễ. Ngoài ra, ở góc độ địa phương, trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật của cán bộ, chiến sĩ còn hạn chế, chưa được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ.

“Vì sao chúng ta chưa có những giải pháp căn cơ? Bởi vì chúng ta luôn đi sau về công nghệ thông tin và thủ đoạn của loại tội phạm này. Chúng lập trình và điều hành cả một hệ thống xuyên quốc gia, chứng tỏ trình độ công nghệ thông tin rất cao trong khi cán bộ không thể bắt kịp. Đáng nói, hiện nay, tội phạm trên không gian mạng hoạt động ở tất cả các lĩnh vực, kể cả cờ bạc (đá gà, cá độ bóng đá)… đang diễn biến phức tạp. Phòng An ninh mạng tiếp tục nghiên cứu và có đầu tư nhiều hơn để triệt xóa loại tội phạm này có hiệu quả hơn”, đại tá Trãi nhấn mạnh.

Cảnh báo tin nhắn giả mạo

Tin nhắn giả mạo ngân hàng được thực hiện tinh vi ngay trong luồng tin nhắn ngân hàng gửi thông báo cho bị hại

GIANG PHƯƠNG

Liên quan tội phạm lừa đảo công nghệ cao qua mạng viễn thông, Giám đốc Sở TT-TT Tây Ninh Nguyễn Tấn Đức, cho biết thêm trước đây phổ biến tình trạng tội phạm sử dụng sim rác để thực hiện cuộc gọi lừa đảo. Tuy nhiên, hiện nay sim rác được quản lý tương đối chặt thì xuất hiện thêm thủ đoạn mới. Đó là tội phạm sử dụng trạm thu phát sóng di động nhỏ gọn, có thể đặt trên xe hơi để di chuyển đến gần các trạm phát sóng để kết nối. Lợi dụng cơ chế của hệ thống thông tin di động, tội phạm gửi tin nhắn giả mạo nhà mạng đến hàng loạt điện thoại nhằm thực hiện lừa đảo.

“Lừa đảo công nghệ cao đang là vấn nạn trên phạm vi toàn quốc, thậm chí cả quốc tế. Do đó, công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm cho người dân là trên hết”, ông Đức nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.