Tây Ninh đẩy mạnh khai thác lợi thế từ kinh tế biên mậu

25/07/2022 09:09 GMT+7

Tỉnh Tây Ninh đang từng ngày vực dậy khu kinh tế cửa khẩu (KTCK) Mộc Bài khi địa phương này đang tập trung khai thác trở lại lợi thế của nền kinh tế biên mậu với những tiềm năng bậc nhất vùng Đông Nam bộ.

CKQT Mộc Bài - cửa khẩu quốc tế đường bộ lớn nhất khu vực phía Nam

Giang Phương

Mộc Bài sẽ trở thành trung tâm dịch vụ cửa khẩu

Quy hoạch chung xây dựng khu KTCK Mộc Bài đến năm 2050 vừa được Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị thẩm định. Theo quy hoạch, khu KTCK Mộc Bài gồm 7 đơn vị hành chính (TT.Bến Cầu; các xã Long Thuận, Tiên Thuận, Lợi Thuận, An Thạnh thuộc H.Bến Cầu và Phước Bình, Phước Chỉ thuộc TX.Trảng Bàng) với tổng diện tích 21.284 ha. Thời hạn quy hoạch giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, dài hạn đến năm 2050. Quy hoạch nhằm xây dựng, phát triển khu KTCK Mộc Bài thành vùng kinh tế động lực của quốc gia, phát triển đầu mối giao thương giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Campuchia, ASEAN và thế giới; đồng thời xây dựng Mộc Bài trở thành đô thị xanh, thông minh, phát triển bền vững, hấp dẫn đầu tư và thu hút lực lượng lao động chất lượng cao từ các nơi khác đến sinh sống và làm việc. Khu KTCK Mộc Bài được quy hoạch tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm khu phi thuế quan, khu thuế quan...

Đáng nói, khu KTCK Mộc Bài là một trong 8 khu KTCK được Thủ tướng lựa chọn để tập trung đầu tư từ nguồn ngân sách giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2020-2025 để phát triển thành trung tâm thương mại quốc tế.

Kiểm soát người xuất nhập cảnh qua biên giới tại Mộc Bài

Giang Phương

Theo Phó giám đốc Sở KH-ĐT Tây Ninh Nguyễn Kiên Cường, khu KTCK Mộc Bài có 3 cửa khẩu, gồm CKQT Mộc Bài và hai cửa khẩu phụ là Phước Chỉ và Long Thuận. Trong đó, Mộc Bài là cửa khẩu đường bộ lớn nhất khu vực phía Nam, nằm ngay trên trục đường Xuyên Á. Đây cũng là nơi phục vụ cho các hoạt động giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội giữa VN với Campuchia và các nước trong khối ASEAN.

Nói về tiềm năng khu KTCK Mộc Bài, ông Cường dẫn chứng, năm 2015, khu KTCK Mộc Bài nộp ngân sách khoảng 149 tỉ đồng, đến năm 2019 tăng lên 380 tỉ đồng, chiếm khoảng 4% ngân sách toàn tỉnh. Năm 2021, dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng khu KTCK Mộc Bài vẫn nộp ngân sách khoảng 310 tỉ đồng. Đồng thời, khu KTCK Mộc Bài cũng đã giải quyết việc làm cho hơn 17.500 lao động tại địa phương. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu không ngừng tăng lên. Năm 2005 là 52,38 triệu USD, năm 2010 là 387,85 triệu USD, năm 2015 là 476,66 triệu USD, đến năm 2021 tăng vượt bậc với 718 triệu USD. Số lượt người và phương tiện qua lại cửa khẩu tăng mạnh, bình quân mỗi năm trên 2 triệu lượt người. Năm 2015 đạt 207.184 lượt phương tiện, năm 2019 tăng lên 417.611 lượt, năm 2021 đạt 146.099 lượt.

CKQT Mộc Bài, nơi diễn ra nhiều hoạt động giao lưu kinh tế, chính trị xã hội 2 nước VN-Campuchia

Giang Phương

“Không chỉ là cửa ngõ của tỉnh Tây Ninh trong việc phát triển giao lưu thương mại với Campuchia, khu KTCK Mộc Bài còn là cầu nối giữa TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn nhất VN với thủ đô Phnom Penh (Campuchia) với khoảng cách 170km đường bộ. Tương lai khu KTCK Mộc Bài sẽ trở thành trung tâm dịch vụ cửa khẩu, cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistics; trung tâm tài chính thương mại dịch vụ biên giới đất liền vùng Đông Nam bộ”, ông Cường nhấn mạnh.

Kết nối với cao tốc TP.HCM - Mộc Bài

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (Nghị quyết 53-NQ/TW của Bộ Chính trị) hồi giữa tháng 7.2022, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng nhìn nhận tiềm năng, lợi thế của tỉnh Tây Ninh còn rất nhiều. Trong đó, cả nước có 26 khu KTCK, trừ 3 cửa khẩu đang phát huy rất tốt là Lạng Sơn, Móng Cái và Lào Cai, còn lại phần lớn các cửa khẩu chưa phát huy được tiềm năng, trong đó có KTCK Mộc Bài của Tây Ninh. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng định hướng phát triển của tỉnh đối với khu KTCK Mộc Bài theo hướng công nghiệp - đô thị - dịch vụ là đúng hướng.

Tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sau này sẽ thay tuyến quốc lộ 22B hiện hữu kết nối trực tiếp CKQT Mộc Bài

Giang Phương

Riêng đối với dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, ông Dũng đề nghị tỉnh phối hợp với TP.HCM đẩy nhanh hơn nữa tiến độ trình Chính phủ phê duyệt và triển khai. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT lưu ý cần xem xét quy mô tuyến đường, tuyến trục… để khai thác được lâu dài. Trong quy hoạch tỉnh nên tính đến quy hoạch công nghiệp, nông nghiệp để kết nối với tuyến đường cao tốc nhằm tạo hành lang kinh tế, phát huy tối đa hiệu quả, tạo sự lan tỏa, động lực phát triển thu hút đầu tư.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.