Tây Ninh: Cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Đông, phà ngang chỉ còn trong ký ức

Giang Phương
Giang Phương
27/12/2022 10:41 GMT+7

Những chiếc phà ngang trên sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn chỉ còn trong ký ức của người dân Tây Ninh , kể từ khi những chiếc cầu bắc qua nối liền đôi bờ.

Tây Ninh không phải là vùng có địa hình đặc thù sông nước nhưng hệ thống sông ngòi trải dài và kênh rạch chằng chịt. Lợi thế này giúp đất đai ở đây màu mỡ, cây lành trái ngọt quanh năm. Tuy nhiên, rào cản là làm cho nhiều vùng bị chia cắt, hạn chế lưu thông. Người dân địa phương luôn mơ ước có cầu bắc qua sông, bởi hàng chục năm qua phụ thuộc phần lớn vào những chuyến phà ngang.

Chuyến phà Bến Đình đưa khách cuối cùng trong ngày 26.12 sau khi cây cầu nối liền bờ sông Vàm Cỏ Đông được khánh thành

GIANG PHƯƠNG

Hai tỉnh chung tay xây cầu nghìn tỉ

Ngày 26.12, UBND tỉnh Bình Dương khánh thành công trình xây dựng đường và cầu kết nối với tỉnh Tây Ninh. Hai tỉnh thống nhất bố trí ngân sách gần 1.000 tỉ đồng, cùng thực hiện công trình tại 2 huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) và Dương Minh Châu (Tây Ninh).

Theo đó, Bình Dương xây dựng đường và cầu nối Bình Dương - Tây Ninh (công trình giao thông cấp 2) với tổng kinh phí trên 411,88 tỉ đồng. Tây Ninh thực hiện dự án mở rộng đường Đất Sét - Bến Củi với tổng mức đầu tư hơn 510 tỉ đồng.

Cầu kết nối tỉnh Bình Dương và Tây Ninh khánh thành ngày 26.12

GIANG PHƯƠNG

Tây Ninh và Bình Dương là 2 tỉnh giáp ranh, chia cắt bởi "hàng rào" tự nhiên dài khoảng 50 km là hồ Dầu Tiếng và sông Sài Gòn. Cầu vừa khánh thành này là cây cầu thứ 3 nối 2 tỉnh, sau cầu Sài Gòn, cầu Bến Củi. Công trình giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và du lịch cho 2 địa phương.

Sắp tới, Bộ GTVT đầu tư hoàn thành cầu Thanh An trên đường Hồ Chí Minh (dự kiến khởi công năm 2023, hoàn thành năm 2025). Đồng thời, 2 tỉnh cũng đã thống nhất bổ sung quy hoạch thêm 2 cầu bắc qua sông Sài Gòn kết nối TX.Trảng Bàng với H.Dầu Tiếng. Theo đó, với khoảng 40 km chiều dài sông Sài Gòn, sẽ có 6 cầu nối 2 bờ.

Lưu thông hàng nông sản thuận lợi nhờ có cầu

GIANG PHƯƠNG

Tây Ninh cũng sẽ xây mới thêm 8 cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Đông, nâng tổng số lên 15 cây cầu qua sông này.

Từ ngày có những cây cầu, các vùng đất bị sông chia cắt trước đây được xóa bỏ, hàng hóa vận chuyển thông suốt. Đó cũng là lúc những chuyến phà hoàn thành sứ mệnh.

Ký ức về những chiếc phà ngang

H.Châu Thành (Tây Ninh) có 5 xã biên giới nằm ở phía tây sông Vàm Cỏ Đông gồm: Biên Giới, Hòa Thạnh, Hòa Hội, Thành Long và Ninh Điền. Đoạn sông qua các xã dài khoảng 53 km đã "chia cắt" các địa phương. Xã với xã chỉ cách nhau một con sông mà như xa vời vợi. Chẳng hạn, khoảng cách giữa xã Trí Bình với Thành Long (cùng H.Châu Thành), Phước Vinh với Biên Giới…

Những bến phà ở đây tồn tại hàng chục năm, gắn bó với bao thế hệ người địa phương. Nay nhiều vùng xích lại gần nhau nhờ những chiếc cầu.

Cầu Bến Sỏi nối xã Trí Bình và Thành Long, H.Châu Thành

GIANG PHƯƠNG

Nhìn ra hướng cầu Bến Sỏi nối đôi bờ sông Vàm Cỏ Đông ở H.Châu Thành, bà Nguyễn Thị Cẩm (76 tuổi, ngụ xã Thành Long) nhớ lại thời chưa dám nghĩ tới cây cầu.

Bà Cẩm kể, những chiếc phà thời đó cũng như những chiếc cầu bây giờ, khi hoạt động khiến 2 bên bờ sông sôi động hẳn lên. Xe cộ qua lại tấp nập, theo đó những người bán hàng rong, xe ôm cũng men theo mưu sinh mỗi ngày.

Người dân mưu sinh theo những chuyến đò

GIANG PHƯƠNG

Những chuyến phà ngang nay không còn nhiều

GIANG PHƯƠNG

Cách đây 22 năm, vào năm 2000, UBND tỉnh Tây Ninh cho xây dựng cầu Bến Sỏi. Cầu này dài 186 m, rộng 9 m, nằm trên đường tỉnh 781 nối liền trung tâm H.Châu Thành với 5 xã biên giới phía tây sông Vàm Cỏ Đông.

“Những năm tháng lúc cây cầu mới được khánh thành, khi mà lần đầu tiên đường xá ở đây có gắn đèn điện cao áp sáng rực một vùng trời, người dân, con nít khắp vùng đổ ra cầu chơi rần rần như hội”, bà Cẩm nhớ lại.

Người dân từng "lụy đò" ở bến phà Cây Ổi

GIANG PHƯƠNG

Anh Nguyễn Công Thành (31 tuổi, ngụ xã Biên Giới), kể lại nhà anh chỉ cách có bờ sông nhưng thấy xa vời vợi. Ban ngày đợi phà hơn 10 phút, ngồi trên phà thêm 5 phút nữa mới qua được sông. Ban đêm phà không chạy, có hôm đi làm về trễ phà chỉ muốn khóc.

Nhắc tới cảnh "lụy đò", chỉ mới vài năm trở lại đây, người dân ở 2 xã biên giới Hòa Thạnh và Phước Vinh của H.Châu Thành mới thôi bàn luận. Đó là cuối tháng 7.2020, cầu Cây Ổi dài 238 m (tổng mức đầu tư đầu tư 131 tỉ đồng) chính thức thông xe, cũng là ngày chuyến phà cuối cùng nơi đây ngừng hoạt động. Người dân ở 2 bờ sông mừng rơi nước mắt trong ngày cây cầu đi vào hoạt động. Kể từ ngày có cầu, những chuyến phà ngang bắc qua sông Vàm Cỏ Đông chỉ còn trong ký ức...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.